Dưới đây là những lưu ý khi ăn hột vịt lộn:
Nên ăn cùng rau răm
Theo lương y Bùi Đắc Sáng, trong Đông y, rau răm có vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm, tác dụng ấm bụng, chống đầy hơi, sát trùng, tán hàn, ích trí, mạnh gân cốt, sáng mắt. Dân gian dùng rau răm đắp, rửa vết thương hay khi bị côn trùng cắn để chữa lành. Rau răm còn có công dụng trừ giun sán, chữa thiếu máu do thiếu sắt. Tuy nhiên, ăn rau răm thường xuyên sẽ làm giảm ham muốn tình dục cả ở phụ nữ và nam giới.
Trứng vịt lộn cùng rau răm, gừng, hạt tiêu giúp cân bằng âm dương tỏng cơ thể.
Trứng vịt lộn trong Đông y có tính hàn, đại bổ dưỡng, được coi là bài thuốc dưỡng huyết, ích trí, giúp cải thiện khả năng sinh lý. Vì ăn trứng vịt lộn cường dương nên phải kèm rau răm để giảm ham muốn. Theo lương y Sáng, đây là sự cân bằng âm - dương, đem lại sự cân bằng cho cơ thể.
Có thể kết hợp trứng vịt lộn, rau răm cùng với gừng và hạt tiêu để làm ấm lại cơ thể, chống lạnh bụng, đầy hơi và chậm tiêu hóa. Lượng gia vị phù hợp cho một lần ăn tối đa hai quả trứng vịt lộn là khoảng 5 g gừng tươi thái chỉ, 5 g rau răm tươi.
Tránh ăn vào buổi tối
Trứng vịt lộn rất khó tiêu do chứa hàm lượng chất đạm và cholesterol cao nên chỉ thích hợp ăn vào buổi sáng. Sáng cũng là lúc cơ thể diễn ra quá trình trao đổi chất nhiều nhất, nhanh chóng hấp thu và tiêu hao calo.
Ăn trứng vịt lộn vào buổi tối, quá trình trao đổi chất diễn ra ít hơn nên dễ gây đầy bụng, khó tiêu, nhất là khi ăn nhiều.
Các chuyên gia cho rằng ăn trứng vịt lộn mỗi ngày có thể làm tăng lượng cholesterol xấu trong máu, góp phần gây các bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường và tăng lượng protein, không tốt cho người có bệnh gout. Chỉ nên ăn mỗi tuần hai quả.
Trẻ nhỏ nên hạn chế ăn
Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ chưa phát triển hoàn thiện, ăn trứng vịt lộn dễ dẫn tới trướng bụng, rối loạn tiêu hóa. Bé từ 5 tuổi trở lên chỉ nên ăn 1/2 quả mỗi lần, mỗi tuần từ một đến 2 lần là đủ.