
Hết mình với công việc
Năm 1991, chị Dương Thị Mỹ vào làm công nhân (CN) Nhà máy Giấy Vĩnh Huê (lúc này thuộc Sở Công nghiệp TPHCM). Nhan sắc mặn mà, chị được nhiều đồng nghiệp nam thầm thương trộm nhớ và chị cũng quý mến một người... Mới làm việc được 3 tháng, trong một lần chị đang lấy giấy ra khỏi máy thì một đồng nghiệp nam không biết, vô tình bật cầu dao. Cánh tay chị bị quấn chặt vào máy…
Thấm thoát, chị Mỹ làm bảo vệ cho Công ty Giấy Vĩnh Huê gần 20 năm. Hằng ngày, chị cần mẫn ghi chép lượng CN ra vào, hàng xuất nhập khẩu, hướng dẫn khách đến giao dịch… Anh Lâm Thành Long, đồng nghiệp của chị ở tổ bảo vệ, nhận xét: “Chị Mỹ là một nhân viên chăm chỉ, hết lòng với công việc. Chị luôn hòa nhã, vui vẻ với mọi người nên trong công ty ai cũng yêu quý”. Với đồng lương khiêm tốn, chị không chỉ nuôi sống mình mà còn chăm lo cho mẹ già đã hơn 80 tuổi. Sau này, không ngại khiếm khuyết của chị, nhiều người muốn cùng chị nên nghĩa vợ chồng nhưng chị đều từ chối vì muốn toàn tâm, toàn ý lo cho mẹ. Chị tâm sự: “Tôi muốn làm việc cho công ty đến tuổi hưu. Khi nào mẹ qua đời, tôi lên chùa làm công quả, sống vui vẻ những ngày còn lại”.
Sống trọn vẹn, nghĩa tình
“Lương chưa tới 2 triệu đồng/tháng, khi lãnh lương ra tôi phải đóng tiền học cho con trước rồi mới đến tiền chợ, tiền mua sắm các thứ… Khó cũng phải ráng vì tương lai các con” - chị Võ Hồng Hoa, nhân viên nấu ăn Công ty TNHH Gia Thành, kể. Ít ai biết được người phụ nữ ấy là chỗ dựa cho cả gia đình.
Cách đây 5 năm, trên đường đi làm về, chị Hoa bị tai nạn giao thông. Thoát chết nhưng chị bị chấn thương sọ não và một cánh tay gãy làm 3 khúc. Cánh tay bị thương phải chữa trị gần 3 tháng sau mới cầm nắm được. Chị kể: “Gia đình tôi lúc ấy thật quẫn bách. Chồng mất sức lao động không thể làm việc, hai đứa con thì quá nhỏ. Vì chồng, vì con tôi luôn tự nhủ phải cố lên”. Và chị đã vượt qua tai nạn, trở lại công ty làm việc. Hằng tháng, chị vẫn cố xoay xở trên đồng lương khiêm tốn với niềm hạnh phúc là có được hai đứa con chăm ngoan.
Còn chị Phạm Thị Ngọc, CN Công ty Phát triển Kinh tế Duyên Hải, dường như đã bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Trong khi trò chuyện, chị còn nói đùa: “Chắc tôi ế rồi! Nghèo, mặt lại có sẹo nữa, ai thèm cưới?”.
Trong một lần tan ca về, chị Ngọc bị một người đàn ông say rượu chạy xe tông phải làm gãy xương đòn, dập xương gò má, phải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy nửa tháng và Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng thêm một tháng. Sau tai nạn, chị không thể làm quản lý thủy sản vì vết thương đau nhức mỗi khi vào phòng lạnh nên được công ty chuyển sang phòng cung ứng vật tư.
Vết thương tuy đã lành nhưng vết sẹo lớn vẫn còn trên khuôn mặt chị. Giờ đây, niềm hạnh phúc của chị Ngọc là hằng tháng về quê Tiền Giang thăm cha mẹ già, nấu cho cha mẹ những bữa ăn ngon, mua những món quà mà cha mẹ thích. “Cũng may tôi vẫn còn sống để thấy cuộc sống này thật đáng quý và cố gắng sống trọn vẹn từng ngày” - chị tâm sự.
Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM:
Những người phụ nữ kiên cường Do tai nạn, các chị đã bị mất một phần thân thể, sức khỏe. Vượt lên nỗi đau, các chị vẫn cố gắng vươn lên, sống ý nghĩa. Nhiều chị vẫn là lao động giỏi, người mẹ, người vợ đảm đang, hết lòng chăm lo cho gia đình. Có thể nói, các chị là những người phụ nữ kiên cường. Điều đáng quý là, đồng hành cùng các chị, CĐ, doanh nghiệp vẫn quan tâm, bố trí công việc phù hợp. Điều này giúp các chị thêm động lực để cố gắng. |