Những ngày cuối năm, khi việc sắm Tết đã trở nên nhộn nhịp thì trong nhiều ngôi nhà nhỏ của những CNVC-LĐ nghèo, không khí vẫn khá trầm lắng. Đối với họ, dường như sự ấm áp của ngày Xuân chỉ đến cùng với sự hiện diện của các cán bộ CĐ.
Ông Trần Thanh Son, Chủ tịch LĐLĐ quận 10, tặng quà cho cô Trần Thị Kim Chi. Ảnh:
Chuyện cô bảo mẫu
Đón chúng tôi trong căn nhà nằm trong con hẻm nhỏ cạnh siêu thị Sài Gòn, quận 10 - TPHCM là một phụ nữ ngoài 50 tuổi, với mái tóc giả trên đầu, gương mặt trông xanh xao, mệt mỏi. Đó là cô Trần Thị Kim Chi, giáo viên bảo mẫu Trường Tiểu học Trần Quang Cơ. Mấy tháng trước, cô Chi biết mình mắc bệnh hiểm nghèo. Không gia đình riêng, cô sống với người mẹ già năm nay đã 85 tuổi. “Mẹ tôi bị tai biến, phải sống đời thực vật từ nhiều năm qua, cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó hơn khi tôi mắc bệnh hiểm nghèo. May mà có vợ chồng người em trai lo lắng, giúp đỡ. Lúc trước còn khỏe, tôi còn chăm sóc mẹ được, từ ngày phát bệnh, nhiều khi đuối quá, tôi không còn sức để chăm sóc mình, nói gì đến chăm sóc mẹ...”. Cô kể rồi quay đi lau nước mắt.
Nhận phần quà và 500.000 đồng từ tay ông Trần Thanh Son, Chủ tịch LĐLĐ quận 10, trao tặng, giọng cô Chi run run: “Tôi nhớ lớp, học trò quá!...”. Mọi người lặng đi, không ai nói được lời nào.
Ấm lòng khi Xuân về
Ngày LĐLĐ quận 3 trao quà Tết, tôi để ý đến một người đàn ông rụt rè trong bộ áo công nhân (CN) cũ kỹ. Nhận quà, anh cứ vuốt ve mãi mấy gói bánh, mứt... Anh là Hà Văn Mùi, CN Công ty Dịch vụ Công ích quận 3. Hơn 10 năm nay, anh Mùi thu gom rác tại chợ Nguyễn Văn Trỗi để nuôi mẹ già gần 70 tuổi. Vợ anh bán vé số dạo, mỗi ngày được vài chục ngàn đồng, cuộc sống cũng tạm ổn. Nhưng khó khăn ập xuống khi vợ anh bị phát hiện mắc bệnh nan y. “Riêng tiền thuốc của vợ tôi mỗi tháng đã hơn 3 triệu đồng. Cuộc sống càng túng quẫn khi tôi bị bệnh phổi, mất sức lao động. Không mang vác được, tôi phải nghỉ làm gần năm nay rồi, may mà còn được hưởng 50% lương. Nếu không có công ty và LĐLĐ quận tặng quà thì tôi cũng không biết Tết là gì...”. Nhìn gương mặt khắc khổ của anh, tôi không khỏi chạnh lòng.
Đến nhận quà có một phụ nữ ốm yếu rụt rè chọn một góc khuất nhất trong hội trường. Chị là Đỗ Thị Thu Nguyệt, nhân viên tạp vụ tại Trung tâm Văn hóa quận 3. Hơn 20 năm làm việc nơi này, tiền lương của chị cũng chỉ được 700.000 đồng/tháng. Đêm nào trung tâm có ca nhạc, chị ở lại dọn dẹp đến 24 giờ thì thêm được 40.000 đồng. Không chồng con, không gia đình, chị được đơn vị bố trí ở trong một căn phòng nhỏ tại nơi làm việc. “Công việc khá vất vả nhưng tôi cũng thấy hài lòng. Cho đến một ngày, trời đất như sụp đổ trước mắt khi tôi bị phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo” - chị nghẹn ngào kể. Món quà Tết và 1 triệu đồng của LĐLĐ quận tuy không nhiều nhưng thật có ý nghĩa đối với những CNVC-LĐ mắc bệnh nan y. Với họ, đó chính là một lời động viên chân tình nhất để họ vượt qua nỗi đau bệnh tật.
Hạnh phúc đơn sơ
“Nghe CĐ mời lên nhận quà, tôi thức dậy thật sớm rồi hai mẹ con lên đây cho đúng giờ”- chị Phạm Thị Mai Trang, CN Công ty Agrimexco (Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), kể. Chị làm CN may; chồng làm mướn, mỗi ngày chỉ kiếm được khoảng 30.000 đồng nên cuộc sống rất chật vật. Chị xúc động nói: “Nghèo quá, nên Tết chỉ mua được cho con bộ đồ mới, còn nhà cửa chưa sắm sửa gì. May mà có CĐ quan tâm”.
Ngoài 210 phần quà tặng CNVC-LĐ khó khăn, năm nay, CĐ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn còn hỗ trợ các CĐ cơ sở tổ chức vui Tết cho CN không có điều kiện về quê ăn Tết. Bà Nguyễn Ngọc Trang, Trưởng Ban Nữ công CĐ tổng công ty, cho biết: “Nhiều anh em của mình còn khó khăn, thiếu thốn quá. Những món quà Tết tuy nhỏ nhưng đó là sự quan tâm, chia sẻ, động viên của CĐ đối với người lao động để họ ấm lòng khi Xuân về”.
Ai cũng biết, Tết cổ truyền rất thiêng liêng đối với người Việt mình. Chính vì vậy, hằng năm chúng tôi đều có kế hoạch chăm lo Tết cho những CN khó khăn. Riêng năm nay, ngoài việc chăm lo cho CN bị bệnh hiểm nghèo, CĐ công ty sẽ dành 200 phần quà Tết cho CN nghèo. Chúng tôi cố gắng không để một CN nào vì nghèo mà không có Tết. Bà Liêu Sanh Thu Cúc (Chủ tịch CĐ Công ty Dệt May Gia Định) |