Kết quả cuộc khảo sát 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước do Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương thực hiện đã được công bố tại phiên thảo luận chuyên đề trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao về CNTT-TT (Vietnam ICT Summit 2013). Các công ty đã đầu tư rất cơ bản cho máy tính, máy chủ, ứng dụng văn phòng... Thế nhưng, chỉ 12/19 đơn vị có bộ phận chuyên trách về CNTT. Các ứng dụng quản trị khách hàng (CRM) hay quản trị tổng thể nguồn nhân lực (ERP) vốn đem lại hiệu quả cao lại chỉ được 11% và 28% doanh nghiệp triển khai. Thậm chí, chỉ có 3/19 doanh nghiệp này có chức danh CIO, còn phần lớn được các chức danh khác kiêm nhiệm.
Các vấn đề nóng về ứng dụng CNTT trong các ngành khác nhau được mổ xẻ tại các hội thảo chuyên đề.
TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đây là một tin buồn bởi ứng dụng công nghệ là một phần không thể thiếu cho sự sống còn của mỗi doanh nghiệp trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã yêu cầu các bộ, ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... phát triển và ứng dụng CNTT trong sản xuất kinh doanh và quản lý nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"CNTT có thể hỗ trợ doanh nghiệp nhờ ba khả năng: khả năng truyền dẫn tốc độ rất nhanh, khả năng kết nối rất cao và khả năng tích hợp rất lớn. Với ba khả năng này, CNTT không chỉ là vật truyền dẫn mà đã thực sự trở thành một nền tảng để mà tạo ra sự sáng tạo, tạo nên những điều thần kỳ trong sản xuất kinh doanh", ông Thành nhận định. "Câu chuyện ở đây không còn là lợi nhuận mà là sự sống còn dựa trên những giải pháp khôn hơn, thông minh hơn, tinh xảo hơn".
Đa số các ý kiến trong cuộc khảo sát thừa nhận việc khó khăn trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong doanh nghiệp là nhận thức của cán bộ, nhân viên cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp.
Ông Mai Công Nguyên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT, chia sẻ: "Năng lực cạnh tranh quốc gia của chúng ta rất thấp và ngày càng đi xuống. Vậy bao giờ chúng ta mới sánh vai được với các cường quốc? Năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp gồm bốn hướng cơ bản là khả năng tiếp cận các nguồn vốn, nguyên vật liệu, năng lực công nghệ và khả năng quản trị. Theo tôi, trong số này, năng lực quản trị chính là chìa khoá cho các doanh nghiệp tiếp cận và có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. Một đội quân yếu, số lượng ít, vũ khí sơ sài nhưng có nguồn lực và được lãnh đạo, quản trị tốt hơn vẫn có thể chiến thắng. ERP chính là giải pháp quản trị tổng thể cho doanh nghiệp".
Ông Nguyên cũng cho biết, trên thế giới, ERP đã được ứng dụng trong hầu hết các ngành từ thương mại, sản xuất, bất động sản cho đến thép, xăng dầu. Việt Nam đi sau đã kế thừa được những tiến bộ của thế giới về xu hướng di động, điện toán đám mây và dữ liệu lớn. Lúc này, điều quan trọng là phải phát huy hơn nữa ứng dụng CNTT trong tái cấu trúc, đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng lực, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế.
Đồng quan điểm, đại diện của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex khẳng định các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước, muốn hoạt động hiệu quả thì phải chấp nhận, dám thay đổi nhưng tư duy cũ, cách làm cũ, phải đánh giá và đầu tư CNTT đúng tầm. Sau khi hợp tác triển khai dự án ERP với FPT, các nhà quản lý của Petrolimex đã nhận thấy những hiệu quả rõ ràng như chủ động hơn trong việc lấy những thông tin xác thực, dễ dàng quản lý hàng xăng dầu tồn kho một cách tốt nhất...