Nguồn gốc ngày Quốc tế phụ nữ 8-3
Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 hay còn gọi là Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế được Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Đây là thành quả đấu tranh lâu dài và lặng lẽ của hàng triệu phụ nữ trên thế giới.
Ngày này bắt nguồn từ cuộc khởi nghĩa của công nhân dệt may chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại Thành phố New York - Mỹ: 12 giờ làm việc một ngày. 50 năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ diễn hành trên các đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn và hủy bỏ việc nhận trẻ em vào làm tại các nhà máy.
Mặc dù bị thẳng tay đàn áp, bắt bớ, đuổi ra khỏi nhà máy nhưng chị em vẫn đoàn kết, bền bỉ đấu tranh, buộc bọn chủ tư sản phải nhượng bộ. Thắng lợi đó đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của phụ nữ lao động Mỹ. Ðến tháng 2 năm 1909, lần đầu tiên phụ nữ khắp nơi trên nước Mỹ đã tổ chức "Ngày phụ nữ" mít tinh, biểu tình rầm rộ đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ. Tại New-York đã có 3.000 chị dự cuộc họp phản đối chính phủ công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.
Ở Việt Nam, 8-3 là ngày mà đàn ông thể hiện tình cảm với phụ nữ, người mẹ, người vợ của mình bằng cách tặng hoa, quà và gửi những lời chúc. (Ảnh minh họa)
Những cuộc đấu tranh đầu tiên đó của nữ công nhân Mỹ đã có tiếng vang lớn, là nguồn cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh của phụ nữ lao động trên toàn thế giới. Trong phong trào đấu tranh lúc bấy giờ, đã xuất hiện 2 nữ chiến sĩ cách mạng lỗi lạc là bà Cơ-la-re-Zet-Kin (người Ðức) và bà Rô-da-luya-Xăm-Bua (người Ba Lan). Hai bà đã phối hợp với bà Nadezhda Krupskaya (vợ của Lê-nin) vận động thành lập Ban Thư ký quốc tế phụ nữ để lãnh đạo phong trào.
Trước sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng của phong trào phụ nữ trên thế giới. Ngày 26 và 27 tháng 8 năm 1910, đại hội lần thứ 2 của những người phụ nữ thế giới đã được triệu tập ở Copenhagen (thủ đô Ðan Mạch), về dự có 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày quốc tế phụ nữ với mục đích đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ và trẻ em.
Ý nghĩa ngày 8-3
Từ đó, ngày 8-3 hàng năm trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng.
Ở một số nước trên thế giới, ngày này được coi là ngày lễ chính trong năm và tổ chức rất lớn. Trong những xã hội này, đàn ông tặng hoa và quà cho những người phụ nữ trong đời của họ như mẹ, vợ, bạn gái…
Tại một số quốc gia, ngày Quốc tế Phụ nữ được kỷ niệm bằng những hoạt động liên hoan, diễu hành đòi quyền bình đẳng với nam giới, ở các mức lương, ở cơ hội giáo dục đào tạo và thăng tiến trong nghề nghiệp, hay là điều kiện an sinh xã hội, chống mại dâm và bạo lực đối với phụ nữ, nói chung là những vấn đề thực tiễn.
Ở Việt Nam, 8-3 là ngày mà đàn ông thể hiện tình cảm với phụ nữ, người mẹ, người vợ của mình bằng cách tặng hoa, quà, và gửi những lời chúc. Từ lâu, ngày Quốc tế phụ nữ cũng đã du nhập Việt Nam và được nhiều người đón nhận.
Đây được coi là ngày mà những người yêu thương, nhất là đàn ông bù đắp tình yêu cho người phụ nữ, bù đắp sự hi sinh âm thầm, vất vả của họ trong cuộc sống. Những người mẹ, người vợ, và người phụ nữ nói chung luôn là những người giàu đức hi sinh, chịu đựng, vì gia đình là trên hết. Từ khi mang bầu, sinh con, chăm con đến tất cả những việc làm sau này, không ai không đáng ca ngợi hơn phái đẹp vì họ là những người bản lĩnh và giàu lòng vị tha hơn bao giờ hết…