Nhà cung cấp hối thúc
Hầu hết đại diện các nhà cung cấp công nghệ, nhà mạng cho rằng Việt Nam nên sớm triển khai 4G. Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc điều hành Qualcomm Đông Nam Á, cho rằng đây là thời điểm phù hợp để Việt Nam tiến lên 4G do hệ sinh thái 4G đã tương đối hoàn thiện. Giá thành thiết bị đầu cuối 4G tương đối rẻ và công nghệ phát triển tương đối lâu.
Đồng tình, ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng Giám đốc VNPT-Net, cũng cho rằng triển khai 4G thời điểm này là chín muồi. “VNPT đang trình Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) xin giấy phép thử nghiệm và mạng lưới của VNPT đã sẵn sàng” - ông Long tự tin.
Thận trọng hơn, ông Hồ Chí Dũng, Giám đốc Công nghệ Viettel, cho hay về mạng lưới, Viettel triển khai trên diện rộng, chất lượng tốt, đưa những công nghệ phù hợp vào đúng thời điểm.
Về vấn đề giá cước dịch vụ 4G, đại diện VNPT cho biết chưa có tính toán cụ thể song cho rằng “3G và 4G chỉ khác nhau về tốc độ tải. VNPT dự kiến giá cước dữ liệu không đổi, không phân biệt 3G và 4G”. Theo đó, khi tốc độ tăng thì dung lượng sử dụng nhiều hơn, doanh thu sẽ nhiều hơn, người dùng chấp nhận trả tiền cho dung lượng nhiều hơn.
Đại diện Viettel cũng cho biết chưa có phương án giá vì năm sau mới được cấp phép. “Tuy nhiên, khách hàng được dùng mạng có chất lượng tốt, trải nghiệm tốt hơn, tốc độ nhanh hơn và dung lượng dữ liệu phải trả có thể lên gấp đôi” - vị này nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (tiền thân của Bộ TT-TT) Mai Liêm Trực đề nghị cơ quan quản lý nhà nước không nên can thiệp về công nghệ. “Không nên có quan điểm phải hoàn vốn 3G rồi mới cấp phép 4G. Nếu có tài nguyên thì sớm cấp phép, chứ không thì thế giới có 5G, chúng ta vẫn ngồi bàn 4G” - ông Trực nói.
Cần cân nhắc
Ông Mantosh Malhotra cho rằng Việt Nam cần quy hoạch, sắp xếp băng tần cho phù hợp để các nhà mạng tiến lên 4G. Để 4G phát triển thành công, các đối tác trong hệ sinh thái phải hợp tác với nhau.
Tổng Giám đốc Qualcomm Đông Dương, ông Thiều Phương Nam, lưu ý nhà mạng cần có mô hình kinh doanh phù hợp để bảo đảm hiệu quả đầu tư. Ông Hồ Chí Dũng thừa nhận Viettel đầu tư tốt cho 3G nhưng thực sự làm 3G chưa thành công. Điều này thể hiện ở con số tổng thuê bao 3G chỉ khoảng 30%, ở mức thấp (khu vực Đông Nam Á 45%, Thái Lan chỉ trong 5 tháng đã chuyển 30%, bằng Viettel làm trong 5 năm). Nguyên nhân là do chưa có cách tiếp cận đúng khi cung cấp dịch vụ 3G, vẫn dùng phương pháp cũ của Voice, 2G.
“Với 4G, Viettel sẽ rút kinh nghiệm, có cách tiếp cận phù hợp, tập trung triển khai những dịch vụ dữ liệu mang tính sáng tạo cao. LTE chính là hạ tầng mạng để cho phép triển khai các dịch vụ mang tính sáng tạo cao” - ông Dũng nhấn mạnh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng lưu ý để một dịch vụ vào thị trường, đặc biệt ở Việt Nam, cần cân nhắc việc triển khai. Đó là phải xem xét độ chín muồi của công nghệ, có tính phổ biến hay chạy theo sau thế giới. Độ chín muồi chưa đủ thì giá thành thiết bị đắt, dẫn đến giá cước cao, không phù hợp. “Chúng ta từng trả giá do công nghệ đưa vào Việt Nam không phù hợp thời điểm hoặc lạc hậu, như CityPhone, Calling, CDMA2000...” - ông Thắng cảnh báo.
Đặc biệt, theo ông Lê Nam Thắng, nhà mạng phải xem xét kỹ nhu cầu thị trường. Người dùng luôn muốn có công nghệ cao, chất lượng tốt, tốc độ nhanh, vùng phủ sóng rộng nhưng quan trọng là “túi tiền” của số đông. “Không nên quá vội. Chính cơ quan quản lý phải kết hợp với doanh nghiệp, người dùng quyết định thời điểm phát triển 4G” - ông Thắng góp ý.
Theo Cục Viễn thông - Bộ TT-TT, đến nay, FPT, CMC, VTC không xin phép thử nghiệm 4G mà chỉ có Viettel, MobiFone và VNPT. Sau khi thử nghiệm 4G từ năm 2010, những động thái hiện nay của FPT, CMC, VTC cho thấy có vẻ như họ sẽ không “tham chiến” 4G.