4G là công nghệ truyền thông không dây thế hệ thứ 4, có thể truyền tải dữ liệu với tốc độ tối đa lên tới 1-1,5 Gbps, tức gấp hơn 40 lần tốc độ băng thông cao nhất của dịch vụ 3G hiện nay. Ở tốc độ truyền cao nhất, người dùng có thể tải một bộ phim chỉ trong 5-6 giây, gửi 100 bài hát chỉ mất 2,4 giây. Công nghệ này đang chuẩn bị hòa mạng tại Việt Nam nhằm gia tăng những giá trị dịch vụ tốc độ cao cho người dùng.
Mọi thứ đã sẵn sàng
Năm 2014, thế giới có khoảng 450 triệu thuê bao 4G; năm 2015, con số này dự kiến sẽ đạt 830 triệu và hiện đã có hơn 300 nhà mạng triển khai công nghệ 4G. Phần lớn các mẫu điện thoại thông minh cao cấp hiện nay đều tích hợp công nghệ này. Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, cho biết: “Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép một năm cho FPT Telecom, VNPT, Viettel, CMC và VTC thử nghiệm 4G với công nghệ LTE (chuẩn truyền thông không dây tốc độ dữ liệu cao dành cho điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối dữ liệu). Đây là tiền đề để xây dựng mạng 4G từ cuối năm nay và cấp phép hoạt động vào năm 2016”.
Đại diện các nhà mạng MobiFone, VinaPhone, Viettel, VNPT cho biết đã thử nghiệm công nghệ 4G thành công và sẵn sàng triển khai với hạ tầng, thiết bị đầy đủ trong thời gian tới.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Cục phó Cục Tần số vô tuyến điện, hiện đã quy hoạch băng tần 2.3 và 2.6 GHz sẵn sàng cho triển khai 4G, trong đó băng tần 2.6 GHz sẽ cho đấu giá trước. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho phép các nhà mạng đang có giấy phép 2G được triển khai thử nghiệm công nghệ IMT/IMT-Advanced (tương đương 3G/4G) trên băng tần 1.800 MHz, nếu kết quả tốt, có thể bổ sung các băng tần này để hỗ trợ cho 4G. Ngoài ra, băng tần 700 MHz đang dùng cho truyền hình cũng được quy hoạch phục vụ cho mạng 4G.
Ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc Qualcomm Việt Nam, cho biết: “Hiện 4G LTE đang phát triển rất mạnh trên thế giới và đây là thời điểm chín muồi để triển khai ở Việt Nam. Các thiết bị 4G đầu cuối ngày càng có mức giá phù hợp, số lượng thiết bị đầu cuối tích hợp 4G trên thế giới đang tăng vọt, sẽ kéo giá thành sản phẩm giảm xuống, phù hợp với người dùng phổ thông. Chính phủ đã cấp phép khai thác 4G LTE, các nhà mạng hỗ trợ thiết bị đầu cuối và các dịch vụ nội dung nên việc triển khai công nghệ 4G chắc chắn sẽ thuận lợi”.
Trong năm qua, nhiều hãng công nghệ liên tục tung ra thị trường các thiết bị di động cao cấp và trung cấp đều có hỗ trợ công nghệ 4G. Số lượng các smartphone, máy tính bảng có 4G được nhập trực tiếp từ nước ngoài cũng tăng vọt. Theo bà Abby LIU, Giám đốc sản phẩm của OPPO tại Việt Nam, nhằm đón đầu xu thế ứng dụng 4G, trong những năm vừa qua, OPPO đã cho ra mắt 12 dòng sản phẩm 4G.
Cần chú trọng nội dung
Nền tảng 3G cho phép người dùng có thể lướt web, xem phim, tải nhạc, chơi game và tải các phần mềm… Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ chưa thỏa mãn người sử dụng do tốc độ đường truyền dữ liệu còn hạn chế. Theo các chuyên gia, lợi ích của 4G là tăng chất lượng dịch vụ nhờ vào độ trễ thấp, vùng phủ sóng tốt hơn, bảo đảm cho các ứng dụng đa phương tiện hoạt động tốt. 4G cũng có khả năng quản lý các thiết bị di động có tốc độ di chuyển nhanh, những luồng dữ liệu đa điểm; giúp cho việc triển khai các dịch vụ ứng dụng chuyên ngành như đào tạo, khám bệnh trực tuyến… dễ dàng hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng khi triển khai 4G, cần chú trọng phát triển dịch vụ nội dung đi kèm thì mới có thể hấp dẫn người dùng, tránh lập lại thiếu sót của dịch vụ 3G.
“Bên cạnh đầu tư nội dung, phát triển công nghệ mới phải có tính tương thích với các công nghệ hiện đang khai thác trên mạng lưới. Do đó, cần chú trọng nâng cấp mạng lưới. Việc triển khai mạng công nghệ mới cần sử dụng hiệu quả toàn bộ mạng truyền dẫn cáp quang, hệ thống vệ tinh để kết nối thông suốt các mạng hạ tầng hiện có. Đối với việc tiếp tục triển khai 4G trên mạng 2G và 3G cũng cần có sự nghiên cứu và sử dụng lại hạ tầng doanh nghiệp đã đầu tư, tránh đầu tư chồng chéo, không kết nối được 2G, 3G và 4G…” - ông Nguyễn Phong Nhã nói.
Phát triển nhờ smartphone
Theo báo cáo mới đây của hãng Ericsson, đến cuối năm 2014, thuê bao 4G LTE tiếp tục tăng trưởng mạnh và đã có 500 triệu thuê bao trên thế giới. Tính riêng quý IV/2014, mức tăng trưởng của công nghệ này lên tới 110 triệu thuê bao. Dự báo từ năm 2015 - 2020, châu Á - Thái Bình Dương sẽ là khu vực đứng đầu về sự tăng mới thuê bao LTE, dự kiến sẽ có thêm 1,8 tỉ thuê bao, chiếm 60% sự tăng trưởng về lượng thuê bao LTE toàn cầu. Hỗ trợ cho xu hướng này là nhờ sự phát triển của thị trường smartphone. Năm 2014, đã có khoảng 1,3 tỉ smartphone được bán ra và có thêm 800 triệu thuê bao smartphone mới. Tới năm 2016, thuê bao smartphone sẽ vượt số lượng điện thoại thường; năm 2020, số lượng thuê bao smartphone sẽ tăng hơn gấp đôi so với năm 2015. Vào năm 2020, smartphone sẽ tạo ra lượng sử dụng dữ liệu di động gấp 5 lần mức hiện nay và chiếm 70% tổng lưu lượng dữ liệu di động.