Trong buổi chia sẻ tương lai về mạng không dây di động tốc độ cao vừa diễn ra tại TP HCM, Ông Mantosh Mahotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á, cho biết hiện Việt Nam đã hội đủ các điều kiện cần thiết để triển khai công nghệ 4G LTE. Và đây là thời điểm tốt để Việt Nam nâng cấp hạ tầng công nghệ viễn thông của mình lên một tầm mới.
Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á.
Mặc dù công nghệ 3G và dịch vụ đi kèm chính thức cung cấp tại Việt Nam chỉ mới 5 năm, nhưng đến nay có thể thấy chúng có tốc độ phát triển khá mạnh và đều cả về độ phủ, thị trường và khách hàng.
Trong hai năm 2013 và 2014, số thiết bị 3G đã tăng đến 55%, có khoảng 20 triệu người dùng kết nối 3G trong năm 2013. Trong khi đó, con số này tại Việt Nam đã tăng từ 21% lên 30% trong năm 2013 và 2014.
Đánh giá tầm quan trọng của công nghệ không dây di động có thể mang lại trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật (Internet of Things – IoT), ông Mantosh cho rằng có những nơi, thiết bị di động còn phổ biến hơn cả điện, nước sinh hoạt. Dẫn chứng ông cho biết hiện có khoảng 7 tỉ SIM điện thoại đang kết nối trên thế giới, tức gần tương đương với dân số toàn cầu.
Trong năm 2015, thị trường smartphone sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Và hiện tất cả các sản phẩm di động sử dụng chíp Snapdragon từ cao cấp (Snapdragon 810)đến phổ thông (Snapdragon 210) của Qualcomn đều hỗ trợ chuẩn kết nối 4G LTE. Đặc biệt, sẽ có các thiết bị hỗ trợ mạng 4G được bán với giá bình dân, dưới 100 USD, ông Mantosh cho biết thêm.
Với tốc độ truyền tải khá cao mà chuẩn kết nối di động 4G LTE (Cat 6 là 350 Mbps hay Cat 10 là 450 Mbps) mang lại bên cạnh các công nghệ không dây khác thì rõ ràng việc kết nối không dây giữa các thiết bị di động từ điện thoại di động đến các thiết bị khác như nhà thông minh, xe không người lái,… đều được hưởng lợi trong một kỷ nguyên IoT, nơi mà mọi thiết bị đều có thể “nói chuyện” được với nhau.
Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương, ông Thiều Phương Nam (đứng) cho rằng Việt Nam đang có điều kiện thuận lợi để triển khai mạng 4G.
Trong khi đó, theo ông Thiều Phương Nam, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương thì việc triển khai công nghệ 4G LTE cần 4 yếu tố: sự cấp phép khai thác từ chính phủ, nhà mạng hỗ trợ, thiết bị đầu cuối, và các dịch vụ nội dung đi kèm. Tuy nhiên, theo ông Nam yếu tố quan trọng cấp phép khai thác 4G LTE hiện đã được chính phủ Việt Nam cho phép. Theo đó, Bộ TT-TT đã có thông báo cho phép triển khai mạng 4G tại Việt Nam từ năm 2016, trên các dải tần số vô tuyến 1800 MHz đang dùng cho 3G, 2300 MHz và 2600 MHz. Đó chính là thời cơ thích hợp để Việt Nam bắt đầu triển khai mạng 4G từ hôm nay.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng cho biết Qualcomm sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp thiết bị đầu cuối, chiến lược kinh doanh cho các nhà mạng Việt Nam.