Gửi chú Ti Vi
Nhà cháu ở Sài Gòn mà cũng bị bão chú ạ. Là vầy, vào thời điểm miền Trung đầy mưa gió lũ bão, mẹ cháu rất lo lắng theo dõi tin tức dù chẳng có người thân nào ngoài đó. Mẹ thương đồng bào. Mẹ không ưa những người bạn của mẹ trong lúc người ta khổ mà vẫn lên "phây" khoe hình đi chơi, ăn uống, mẹ "bỏ theo dõi", không kết bạn với mấy người đó nữa.
Trong nhóm bạn của mẹ, ai rủ mẹ tụ tập mẹ cũng không đi. Mẹ từ chối lịch sự, nhưng ở nhà mẹ lại càu nhàu nói với ba.
Mẹ tưởng ba sẽ ủng hộ mẹ, cũng "không ưa" mấy người có trái tim lạnh giá đó. Không dè, ba cháu lại nói mẹ cháu "vô duyên". Ý ba cháu là, không phải người ta đi chơi, ăn uống khoe hình trên "phây" là người ta không đồng cảm với nỗi đau của người khác.
Có khi người ta cũng đóng góp cứu trợ mà mình không biết, hoặc người ta đi chơi, mua sắm, mua hoa… cũng là một cách tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội, chớ tụ lại rồi ôm nhau khóc lóc mới gọi là thương người sao?
Ba còn nói mẹ cháu bớt "đau khổ" đi, lo tập trung vào gia đình, một bà mẹ lo lắng thì nấu cơm cũng chẳng ngon.
Vậy là mẹ cháu tức quá, nói với ba cháu chỉ "mạnh ai nấy sống", hai người có quan điểm khác nhau quá.
Chú coi, ba mẹ cháu có "ly hôn" hông?
Cháu Sống Trong Bão Tố
Ảnh minh họa
Cháu Sống Trong Bão Tố thân mến,
Đúng là trong việc này ai cũng có lý của họ. Rồi dần dần lớn lên, cháu sẽ phải quen với việc có nhiều thứ nghe đằng nào cũng có lý. Và ta cũng phải chấp nhận một thực tế là lòng tốt có quyền ở nhiều mức độ khác nhau. Có người xông pha trong bão tố lụt lội để tận tay giúp đỡ. Có người ở lại thành phố nhưng đôn đáo gom góp gửi ra.
Có người không gom góp được nhiều nhưng lo lắng, thương cảm đến nỗi không buồn đàn đúm cùng bạn bè. Có người thương đồng bào đó nhưng vui thì cứ vui, và không khoe lên mạng. Có người vẫn thương, vẫn vui và vẫn khoe lên mạng…
Mẹ cháu là người tốt, rất tốt là đằng khác. Nhưng chú nghĩ ba cháu cũng không phải là người theo kiểu "mạnh ai nấy sống". Rất có thể trong lòng ba cháu cũng thấy bực mình với những người vẫn khoe hình "ăn chơi" trong lúc khắp nơi là tin đồng bào mất nhà mất cửa; nhưng với mẹ cháu thì ba cháu sẽ không nói thế, như một phản ứng tự nhiên, không muốn hùa thêm, cốt để mẹ cháu dịu xuống, bớt căng thẳng, vì đàn ông vốn sợ đàn bà căng thẳng.
Nói chung đàn ông sợ nhất trong nhà có không khí ủ rũ, nghiêm khắc. Cho họ chọn giữa hai người phụ nữ, cả hai đều tốt, nhưng một người nghiêm trang, còn một người vui tính có phần xốc nổi, chú e rằng nhiều ông vẫn chọn người vui tính xốc nổi.
Nói như thế không phải coi thường phụ nữ, rằng phụ nữ chỉ nên như một người nấu cơm ngon, một người làm cho không khí gia đình dễ chịu, biết giấu đi bực dọc trong lòng… Nhưng biết làm sao, đặc điểm giới nó đã như thế, và điều đó phản ánh trong chính câu nói của ba cháu, rằng mẹ cháu hãy "tập trung vào gia đình", vì "một bà mẹ lo lắng thì nấu cơm cũng chẳng ngon".
Khác biệt giới là vậy, và chúng ta một lần nữa tôn trọng sự khác biệt ấy, như tôn trọng các mức độ quan tâm đến người khác của mỗi người. Bình đẳng giới là tôn trọng đặc điểm của giới, quyền của mỗi giới, trao cho họ các điều kiện bình đẳng để phát triển chứ không phải bắt nam phải giống nữ và nữ phải giống nam trong mọi mặt.
Riêng về phần Facebook giữa lúc này, chú thú thật là mở ra đọc suốt những tin bão lũ cũng rất nặng nề. Nhưng đọc những tin ăn chơi nhảy múa lúc này của bạn bè mình thì cũng thấy hơi… buồn cười; họ đều đã lớn, đều hiểu rằng nhịn khoe vài ngày có sao đâu mà không nhịn được; chẳng phải chúng ta mới dùng Facebook ít năm gần đây sao, trước đây không có thì khoe ở đâu nào? Facebook là một xã hội tưởng rộng rãi mà rất khắt khe. Trăm ngàn con mắt đổ vào bình luận đủ chiều (và chiều nào cũng có cái lý của nó).
Học hành xử trong môi trường Facebook đúng là khó hơn nàng dâu sống giữa nhà chồng. Sự biết điều là dùng vào những lúc này đây. Nếu không thể cảm thông với những mất mát của đồng bào nơi xa, thì ít nhất cũng không nên hét vang "tôi đang vui quá" khi mọi người đều đang ủ rũ.