Tôi là một người đàn ông Việt, chưa trải chuyện đời nhiều đến mức gọi là người từng trải. Tôi chỉ chứng kiến những câu chuyện xung quanh mình, góp nhặt rồi đúc kết lại. Không thể đúng tới 100% như khi làm xác suất thống kê nhưng chắc cũng mang tính tương đối.
Trong quá khứ, do ảnh hưởng Nho giáo nên hầu hết đàn ông Việt không học được cách tôn trọng vợ. Nam giới là trung tâm vũ trụ, còn nữ giới phải hoàn toàn phục tùng, bảo sao nghe vậy. Họ không được làm việc lớn, chỉ loanh quanh xó nhà lo nội trợ, giúp đấng lang quân của mình yên lòng đi bình thiên hạ.
Tuy nhiên, trong thời hiện đại, nữ giới được khẳng định bản thân mình và có nhiều quyền lợi hơn. Họ đường đường chính chính tham gia vào những công việc mà trước đây không bao giờ mơ tới, được đi học, được làm theo ý thích của bản thân, đôi khi phóng khoáng theo hệ tư tưởng phương Tây.
Nhiều người đàn ông ở Việt Nam vẫn nặng tính gia trưởng và ích kỷ.
Ảnh minh họa: iamhash.blogspot.com
Vậy mà cánh mày râu vẫn chễm chệ ngồi trên mớ suy nghĩ “ta đây mới là quan trọng, là trụ cột, nắm trong tay quyền sinh quyền sát”, không hay biết hoặc không muốn thừa nhận nữ giới đang mạnh mẽ hơn trước rất nhiều. Bởi chăng do lòng ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân mình và tư tưởng trọng nam khinh nữ còn đè nặng.
Hãy tưởng tượng cảnh một anh chồng dấm dúi qua lại với các cô gái khác do “anh sẵn men bia, men rượu trong người nên không kiềm chế được”, cuối cùng vẫn được hầu hết những người vợ bao dung, giàu lòng vị tha tha thứ. Nhưng nếu đổi ngược lại, cô vợ vì một “giây phút yếu lòng” hay “tình cũ không rủ cũng đến” mà sa ngã thì các đấng ông chồng lập tức nhảy dựng lên chì chiết, đánh đập và hành hạ vợ mỗi khi gặp chuyện không vừa ý.
Giai đoạn tiền hôn nhân, tại sao đàn ông và phụ nữ đều có nhu cầu, anh được “giải quyết” nhưng lại bắt phụ nữ kìm nén, phải “để dành” cho một mình người sau này sẽ là chồng. Có chăng là ở bản tính ích kỷ, không nghĩ đến quyền lợi của người khác mà chỉ chăm chăm bảo vệ quyền lợi của bản thân mình của đa số đàn ông Việt.
Anh chồng có thể bù khú, chén chú chén anh nhưng đến khi vợ đi chơi, tụ tập một chút thì mặt nặng mày nhẹ. Nhiều anh cả ghen còn tưởng tượng những chuyện động trời để tra hỏi vợ. Tai sao anh không nghĩ đến lúc mình đi chơi, vợ tất bật ở nhà lo cơm nước, con cái và ít hạch sách khi chồng “vừa đi nhậu với sếp về”.
Tôi không phủ nhận có rất nhiều đàn ông Việt biết phụ vợ việc nhà, quan tâm, chia sẻ nguyện vọng, sở thích của vợ. Theo tôi thấy những cặp đôi này sống rất hạnh phúc do họ hiểu và tôn trọng quyền lợi của nhau, cùng chung tay thu vén cuộc sống gia đình. Đó là những mẫu người của hiện đại. Hiện đại nhưng có chừng mực, hay nói cách khác là hiện đại theo mặt tích cực.
Một khía cạnh khác tôi muốn đề cập trong giai đoạn vợ chồng, đó là tình trạng người đàn ông biết vợ mình không còn trong trắng. Sẽ xảy ra ba trường hợp: Thứ nhất, chấp nhận và bỏ qua, yêu bản thân và tính cách người vợ chứ không vì cái màng mỏng manh ấy. Thứ hai, nổi cơn thịnh nộ và ly dị ngay khi vừa cưới. Thứ ba, vẫn chấp nhận nhưng đay nghiến vợ suốt đời vì “có tội”.
Ở hai trường hợp sau, bản tính ích kỷ của trai Việt lại lộ rõ. Dù trước đó anh chồng “quan hệ” với nhiều cô gái khác, vợ biết được cũng sẽ bỏ qua. Còn anh chồng vì ích kỷ, háo thắng nên không chấp nhận chuyện vợ “từng bị qua tay” người con trai khác. Đàn ông khi yêu thì “trao” không ngần ngại nhưng ít khi nào nghĩ phụ nữ cũng tương tự - nhưng chín chắn và nghiêm túc hơn: “Trao và muốn lấy người đó làm chồng”.
Nói về tính gia trưởng, đàn ông Việt ai cũng mang trong mình ít nhiều tính làm chủ, muốn người khác phục tùng theo ý mình, đặc biệt là vợ. Điều này cũng liên quan đến lợi ích cá nhân của mỗi người. Anh chồng có thể bắt vợ thỏa mãn các lợi ích của mình nhưng không để tâm đến lợi ích của vợ.
Tôi lấy một ví dụ, vợ đi làm về mệt, cơm nước, giặt giũ, con cái xong chỉ muốn nghỉ ngơi để sáng mai dậy sớm đi làm. Trong khi anh chồng cũng đi làm về, nghỉ ngơi dưỡng sức rồi đến đêm “đòi chuyện ấy”. Nếu vợ đáp ứng thì vui vẻ, còn không thì “đá thúng đụng nia”. Vẫn có người chồng nghĩ cho vợ, biết vợ mệt nên thông cảm nhưng phần đa là tức giận.
Gia trưởng và ích kỷ như hai tính xấu cố hữu khiến hầu hết đàn ông Việt trở thành “đứa trẻ không bao giờ lớn” trong mắt các bà vợ. Hy vọng họ sẽ học được cách tôn trọng bạn đời của mình, quan tâm, chia sẻ, cảm thông, giúp đỡ những người phụ nữ yếu đuối vẻ bề ngoài nhưng mạnh mẽ trong con người thật, những người âm thầm sát cánh đi cùng họ suốt cuộc đời sau này.