Đồng thời, chúng còn âm thầm vun vén nên tình yêu quê hương bản xứ của lứa sồn sồn U 40 đám chúng tôi. Ngộ thật! Dù bay nhảy mưu sinh khắp trời ta - đất tây, nhiều đứa trong số ấy vẫn cứ khoái nuôi hoài một "đứa con nít sớm được nhờ", hồi đó.
Vọp "quá giang" canh ngót, ở quán Sáu Nhọn mới (Cần Thạnh, Cần Giờ). Ảnh Tấn Tới
Tươi ngọt vọp rừng Cần Giờ. Ảnh Tấn Tới
Khi phượng nở - hè sang hoặc những dịp cuối tuần, từ tờ mờ sáng đám bạn khoái thả diều, đá dế của tôi ở gần Đám Lá Tối Trời (thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã tranh thủ lục cơm nguội - ực nước mưa dằn bụng. Rồi tung tăng xách giỏ, vác móc sắt hoặc rổ tre méo miệng í ới hối thúc cả đám (gần chục đứa) thong dong lội bộ khoảng cây số vào bìa rừng, bới - móc tìm miếng ăn phụ trợ cho cả nhà.
Đụng con nào, bắt con nấy. Gồm: còng quều, cua biển, tôm bần, tôm bạc…Trong đó, có cả những con xìa hoặc vọp lớn cỡ miệng chén, nặng trịch. Trên lớp vỏ màu nâu đen hoặc vàng phèn nham nhám của chúng luôn mọc những dãy gai nhỏ khá sắc bén, xếp đều theo hình vòng cung.
Xìa khác vọp ở chỗ phần vỏ vun tròn và đen hơn. Với lại, nó cũng lớn con và dày ruột hơn vọp.
Trước, chúng thường quần tụ thành bầy còn gọi là ổ, từ gần chục đến vài ba mươi con theo bãi bùn quanh gốc dừa nước/ đám cỏ lác hay dưới kẹt hốc của những chạng rễ đước.
Do màu vỏ của chúng gần giống với màu đất bùn, nên người tìm bắt phải tinh mắt lắm mới moi ra được.
Vọp “quá giang” canh ngót, ở quán Sáu Nhọn mới (Cần Thạnh, Cần Giờ). Ảnh Tấn Tới
Và nói chung, dọc miền duyên hải Nam bộ từ Cần Giuộc (Long An) qua Cần Giờ (TP HCM) xuống Sóc Trăng về Cà Mau; nhiều bãi bồi nước lợ hay mặn đều có chúng sinh sống. Chất lượng gần như ngang nhau. Nhưng đoạn hô biến nên thành phẩm có ấn tượng hay không còn tùy thuộc vào tài bếp núc của mỗi người.
Ăn xìa/vọp sành điệu nhất, có thể kể đến đám "lâu la" chăn trâu. Sau khi rửa sạch bùn bám ngoài vỏ sò bằng nước sông/rạch, chúng phóng đi vặn bập dừa nước tươi (phần gốc của tàu dừa), ở những bụi bị con hà ăn gần banh gốc.
Vài đứa, dùng nhánh cây rừng (giá, đước, mắm…) soi lỗ ở giữa ruột bập dừa. Nhét vội 5 -7 con ưng ý vào đó, kiểu như dồn nhưn bánh mì vậy. Kế tiếp, chất mấy bập dừa kia thành khối hình vuông gối đầu lên nhau, vừa gọn vừa tạo những khe hở đều đặn. Rồi chúng quơ quào mấy nắm cỏ, lá khô với mớ củi tạp của rừng, đốt lửa cháy phừng phừng.
Khoảng 10 -15 phút sau thì khều mấy cái bập dừa bị thui cháy sém vỏ ra. Khều tiếp từng con xìa/vọp được nướng cách thủy. Lúc này, chúng mới có cơ hội hé miệng được. Phải chờ nguội một tí, bọn chúng mới moi ruột vọp ra. Thổi phù phù, nhai ngấu nghiến. Cha mẹ ơi! Ngọt thơm "ve kêu" luôn!
Món bán chạy ở quán chị Tẻ Bến Đò (thị xã Gò Công, Tiền Giang). Ảnh Tấn Tới
Nướng kiểu xông hơi này, vọp sẽ không bị khô nước nên càng thơm ngon "bá đạo". Bởi chất nhựa chát sục sôi trong ruột bập dừa, vừa góp phần khử tanh vừa tiếp tế nước kịp thời cho vật thực.
Mùa rộ họ sò nhà nghèo vừa kể, nhằm mùa gió chướng song hành cùng cái nắng oi bức phương Nam. Nhờ vậy, những bữa cơm đạm bạc bỗng trở nên thần tiên hơn nhờ mớ hai mảnh cù lần này nhúng canh ngót, hay "tắm" ké nồi canh tép bạc nấu canh bông so đũa giầm mấy trái me dốt bừng thơm.
Hoặc muốn "mát trời ông địa" hơn, thì mang chúng nấu canh rau tập tàng, với mớ đọt rau: mùng tơi, bù ngót, mướp non…Gia vị chủ lực gồm ít muối ớt đâm, rắc thêm nhúm: bột tiêu, hành lá sau cùng. Chấm với, ít nước mắm cá đồng hoặc mắm hòn (Phú Quốc) giầm ớt chim gieo. Xì xụp nước canh đến đâu, nghe "sướng rơn mé đìu hiu" đến đó.
Cần lưu ý thêm, đám xìa/vọp mới bắt về thường ngậm ít bùn/cát trong miệng. Nếu muốn ăn gấp, bạn phải chịu khó luộc nhanh chúng bằng một nồi nước riêng. Lắng lấy nước luộc, hòa vào nước canh/lẩu. Thong thả hơn thì rọng chúng một vài hôm. Mỗi ngày, cho chúng uống nước ao/sông 2 cữ, mỗi đợt ngâm khoảng 45 phút, sau đó vớt ra để ráo.
Ngày nay, nhiều siêu đầu bếp có thể bắt vọp giả cầy với lắm món "tối tạo": xào lăn, kho tộ, hấp sa tế... Họ quên rằng, nghệ thuật canh lửa nhằm giữ trọn độ ngọt thơm chân nguyên của giống sò ưa... sùi bọt mép này, mới là điều cốt yếu.
Canh sao, cho ruột vọp chín cỡ 80 - 90% thôi. Quá lửa, chất ngọt trời cho kia sẽ tẩu thoát mất.
Canh vừa chín tới, ruột vọp mới còn đẫy đà! Ảnh Tấn Tới
Cho nên, chế biến vọp càng đơn giản sẽ càng ngon, như một số món mộc mạc vừa kể.
Với lại, miếng ngon có nhớ đời hay không, còn tùy vào khẩu vị, địa vị, thời điểm… Song với nhóm trẻ trâu của chúng tôi, "tụi nó" mãi hé mở cả khung trời tuổi thơ!
Cũng như, đã là chim trời thì cần phải lượn và xin các bác bếp giữ trọn chân quê cho "xóm nhà lá" vọp/xìa quê mình!