Ba thói quen khiến bạn kém hấp dẫn
Các chuyên gia đã liệt kê một số thói quen xấu có thể khiến một người trở nên kém hấp dẫn.
Thất hứa
Những lời hứa, cam kết nhỏ mà chúng ta đưa ra trong cuộc sống hàng ngày thường bị bỏ qua nhưng tầm quan trọng của chúng không hề nhỏ.
Việc thường xuyên không thực hiện lời hứa sẽ làm xói mòn lòng tin, báo hiệu sự thiếu quan tâm đến người khác và có khả năng hủy hoại bất kỳ mối quan hệ nào.
Hiệu ứng tích lũy có thể tạo ra bầu không khí bất ổn và thất vọng, làm tổn hại đến các mối quan hệ cá nhân và nghề nghiệp.
Một giải pháp thay thế lành mạnh là kiềm chế đưa ra những lời hứa không thể thực hiện được.
Ưu tiên tính chính xác bằng cách lưu ý ngay cả những lời hứa nhỏ nhất.
Việc luôn tuân thủ các cam kết giúp nâng cao độ tin cậy và nâng cao sức hấp dẫn của bạn.
Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội năm 2019 cho thấy, việc kết hợp các kỹ năng tự điều chỉnh là chìa khóa cho sự chuyển đổi này. Tự điều chỉnh bao gồm các biện pháp có kỷ luật, chẳng hạn như lập kế hoạch hoặc chiến lược để tuân thủ các cam kết. Trong trường hợp không thực hiện được lời hứa, hãy xin lỗi và tìm cách khắc phục kịp thời.
Không có khiếu hài hước
Một nghiên cứu năm 2021 xuất bản trên Tạp chí Tâm lý tích cực nhấn mạnh tầm quan trọng của những điểm mạnh tính cách cụ thể đối với sức khỏe tâm lý, trong đó có giàu động lực, lạc quan và hài hước.
Do đó, việc không thể nói đùa, dù là nhằm vào bản thân hay thế giới, có thể tạo ra căng thẳng và phá vỡ các tương tác xã hội tự nhiên.
Thói quen này có thể thể hiện sự cứng nhắc và thiếu khả năng đánh giá cao những điều kỳ quặc, hạn chế những kết nối thực sự và có thể gây khó chịu cho những người xung quanh.
Giải pháp chính là nuôi dưỡng sự kiên cường và có thái độ vui vẻ hơn, hài hước hơn với cuộc sống.
Hành vi quá khích
Việc soi xét những lỗi lầm quá mức có thể khiến cả bạn và những người xung quanh kiệt sức. Thói quen này có thể tạo ra môi trường tiêu cực và chỉ trích, ngăn cản những người khác muốn ở cùng bạn. Việc liên tục tập trung vào sự không hoàn hảo không chỉ gây tổn hại đến sức khỏe của bạn mà còn góp phần tạo ra bầu không khí độc hại, cản trở tiềm năng kết nối tích cực.
Để giải quyết xu hướng này, cần có nỗ lực hướng tới việc nuôi dưỡng tư duy tích cực, tập trung vào điểm mạnh của người khác. Một nghiên cứu đăng trên tờ Frontiers in Psychology gợi ý rằng việc hỗ trợ tích cực và phản hồi nhiệt tình trước tin tức tích cực của đối tác, giúp nâng cao đáng kể sự hài lòng chung về mối quan hệ.
Thay vì phê phán, hãy nói với đối tác: "Không sao đâu. Không ai là hoàn hảo. Tôi không nên mong đợi mọi người phải hoàn hảo".
6 lý do chia tay phổ biến
Chia tay là chuyện đau đớn nhưng nhiều cặp vợ chồng nhiều năm về sau vẫn không biết vì sao cuộc hôn nhân của họ ngày càng xấu đi và tan vỡ.
Giáo sư tâm lý học lâm sàng Susan South của Đại học Purdue, bang Indiana, Mỹ khẳng định hai người tử tế không đồng nghĩa họ có thể yêu nhau dài lâu vì họ không có được thứ họ cần từ đối phương.
Chuyên gia chia sẻ một số lý do phổ biến nhất dẫn đến chia tay ở các cặp vợ chồng, ngay cả khi họ thực sự quan tâm đến nhau.
Bỏ qua sự không hòa hợp ngay từ đầu
Theo giáo sư South, một số cặp đã bỏ qua sự không hòa hợp ban đầu chỉ vì muốn được ở bên nhau. Khi ấy, họ cảm thấy có thể vượt qua mọi sự khác biệt miễn là ở cùng người mình yêu, nhưng điều đó không đúng.
Thứ mà bạn thấy không hòa hợp vào thời khắc ban đầu có thể tồn tại đến 20 năm sau vì tính cách của bạn không thay đổi nhiều. Nếu một cặp vợ chồng không thể đối mặt với sự khác biệt và chấp nhận chúng, họ sẽ cãi vã thường xuyên hơn vì khi muốn gắn bó với ai đó, bạn muốn họ thay đổi. Một trong hai người sẽ muốn chia tay và ước gì chia tay sớm hơn.
Không đồng lòng trong những việc trọng đại
Ngoài sự khác biệt về tính cách, một số cặp vợ chồng còn tránh thảo luận về những chuyện trọng đại, không thể thương lượng như con cái, tiền bạc. Theo chuyên gia, cách tiêu tiền, muốn hay không muốn có con, hay cách nuôi dạy con là những bất đồng lớn khiến các cặp đôi xa nhau. Đó là lý do mọi người nên nói về những điều này trước khi thực hiện các cam kết quan trọng như kết hôn.
Không hỗ trợ nhau đạt mục tiêu
Bên cạnh sự hòa hợp, điều quan trọng là các cặp vợ chồng phải giúp nhau đạt được mục tiêu cá nhân, dù đó chỉ là một cuộc thi chạy hay chuyển việc. Bà South dẫn nghiên cứu năm 2022 cho thấy những cặp đôi ủng hộ nhau sẽ phát triển tốt hơn. "Các mối quan hệ không hiệu quả nếu đối tác của bạn không quan tâm hay không muốn giúp bạn hướng đến mục tiêu", bà nói.
Theo thời gian, khi cảm thấy bế tắc hoặc không được trợ giúp để đạt được những điều ngoài mối quan hệ, nó có thể dẫn đến chia tay.
Thay đổi không giống nhau
Tính cách của mọi người thường không thay đổi quá nhiều theo thời gian, nhưng cũng có những ngoại lệ. Một trong hai người sẽ trở nên rất khác so với buổi ban đầu. Chẳng hạn, nếu ai đó đang đối mặt với căn bệnh tâm thần, mối quan hệ sẽ có rạn nứt lớn. Chúng ảnh hưởng đáng kể đến cách hai bạn ở bên cạnh đối phương.
Nếu cả hai cùng phát triển và học hỏi kinh nghiệm, hai bạn có thể cùng nhau tiến về phía trước. Song, nếu một người tiến lên còn người kia thì không, sẽ có sự cách biệt lớn.
Không tôn trọng đối phương khi cãi vã
Tất cả các cặp đôi đều cãi nhau nhưng thái độ mới là yếu tố quan trọng nhất. Theo bà South, những cặp tôn trọng quan điểm của đối phương hay có thể nhìn thấy sự hài hước khi tranh cãi sẽ có cơ hội ở bên nhau lâu hơn so với người bày tỏ khinh miệt hay chỉ trích nhau.
Không hoàn toàn cởi mở
Có sự khác biệt trong cách mọi người chia sẻ về bản thân. Chẳng hạn, người hướng ngoại có thể thoải mái chia sẻ cuộc sống hơn người hướng nội. Tuy nhiên, việc chúng ta có muốn mở lòng không cũng rất khác nhau. "Nếu bạn không muốn chia sẻ nhiều hơn, người này có thể không phù hợp với bạn", bà South nhận xét.
Theo thời gian, một hoặc cả hai nhận ra có những khía cạnh bản thân mà họ không thoải mái khi chia sẻ cho đối phương, dẫn đến việc chia tay để đi tìm mảnh ghép hoàn hảo.