Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng (Giám đốc Trùng Dương Audio):
Không có tiền để đầu tư
Những sản phẩm giải trí của nước ngoài đang phát hành tại Việt Nam là đối thủ khó cạnh tranh. Ảnh: Tấn Thạnh
Thực tế cho thấy ca khúc thiếu nhi Việt Nam là một kho tàng phong phú. Tuy nhiên, các nhà sản xuất chương trình không đụng đến vì yếu tố doanh thu. Các sản phẩm nhạc thiếu nhi Việt Nam không hấp dẫn chỉ vì lý do duy nhất “không có tiền để đầu tư”.
Nhạc sĩ Vũ Đình Ân (hãng sản xuất Đạt Vũ) :
Thiếu đủ thứ
Thiếu tiền để đầu tư sản phẩm có chất lượng, thiếu giọng ca nhí thật sự xuất sắc, không có đầu ra để duy trì hoạt động kinh doanh… các nhà sản xuất đành buông tay vì lực bất tòng tâm. Trước đây, hãng Đạt Vũ rất chuyên tâm cho các chương trình ca nhạc thiếu nhi, thậm chí chúng tôi còn tự đào tạo giọng ca nhí để phục vụ các chương trình của mình nhưng dù vòng kinh doanh có khép kín, tiết kiệm đến mấy thì lỗ vẫn là điều không tránh khỏi. Gần đây, với sự xuất hiện hằng hà các chương trình giải trí nước ngoài dành cho thiếu nhi mà ngay cả người lớn như tôi còn thích thì việc các sản phẩm nhạc thiếu nhi của các đơn vị sản xuất trong nước làm ra không còn sức hấp dẫn là điều dễ hiểu.
Ông Huỳnh Tiết (Giám đốc Bến Thành Audio - Video) :
Tiêu thụ khó khăn
Thực tế thì bản ghi âm (tất nhiên ghi hình) nhạc thiếu nhi vẫn có thị phần dù khá chậm trong việc tiêu thụ. Thế nhưng điều khiến các nhà sản xuất ngại nhập cuộc vì mức đầu tư cho một sản phẩm nhạc thiếu nhi không hề rẻ, trung bình cũng ở mức 200 triệu đồng/sản phẩm. Minh chứng rõ nét là sản phẩm Chú bé chút chít vừa ra mắt của hãng.
Thời nay, sự cạnh tranh không chỉ dừng lại giữa các hãng mà là cạnh tranh với các sản phẩm được đầu tư hoành tráng, dàn dựng công phu bằng công nghệ kỹ thuật hiện đại nhất của nước ngoài. Chính vì vậy, để sản phẩm có thể thu hút sự chú ý của khán giả thiếu nhi, sản phẩm đó phải thể hiện được sự ưu tú vượt bậc chứ không chỉ dừng lại ở việc tìm một giọng ca nhí đứng hát với những cảnh quay sơ sài được. Thậm chí, các tiết mục thiếu nhi hiện nay phải đầu tư kỹ lưỡng từ khâu hòa âm phối khí, không thua gì các sản phẩm âm nhạc người lớn nhưng vẫn phải bảo đảm tính trong sáng, đáng yêu của sản phẩm.
Thế nhưng, thực tế, dù sản phẩm có đầu tư lớn thì đầu ra của các sản phẩm cũng rất chậm. Thời cơn sốt giọng hát Xuân Mai chỉ còn là hoài niệm bởi các bé thiếu nhi hiện nay có nhiều sự lựa chọn hơn cho mình. Không có đầu ra, chắc chắn các hãng cũng không thể phiêu lưu hay liều lĩnh với khoản tiền đầu tư của mình được.
Hải Yến (biên tập viên Sài Gòn Vafaco): Khách hàng cần những sản phẩm trí tuệ hơn Sau nhiều lần sản xuất các sản phẩm băng đĩa nhạc thiếu nhi trong tình trạng cầm chừng, Sài Gòn Vafaco phát hiện nhu cầu của đối tượng khán giả nhí hiện nay không chỉ dừng lại ở giải trí đơn thuần. Thực tế, những người mua sản phẩm thiếu nhi là phụ huynh nên những đòi hỏi này bắt nguồn từ chính đối tượng khán giả phụ huynh là chính.
Vì vậy, thời gian gần đây, những sản phẩm tiêu thụ được của Sài Gòn Vafaco là các chương trình kết hợp giải trí với yếu tố giáo dục, như Tele Tubbies (mua bản quyền từ BBC), dạy tiếng Anh song ngữ bằng hoạt họa, chương trình truyện tranh mang giá trị dạy con nên người hay chương trình tập aerobic dành cho thiếu nhi...
Trong khi đó, Sài Gòn Vafaco cũng cố gắng thực hiện những chương trình ca nhạc thiếu nhi để làm phong phú thêm sản phẩm của hãng nhưng hầu như các sản phẩm này làm ra đều để đó.
Điều kỳ lạ là nếu có khách hàng mua sản phẩm ca nhạc thiếu nhi đơn thuần thì họ lại tìm những sản phẩm của cả chục năm trước như của bé Xuân Mai.
Họ cho biết chỉ thích những ca khúc cũ. Hẳn nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ca khúc mới dở hơn nhưng vì tâm lý thói quen. Trong khi đó, một lớp đối tượng khán giả thích cái mới thì họ lại thích những chương trình giải trí của nước ngoài. |