Ăn trứng giảm cân trong thời gian dài, có hại cho sức khỏe?
Mặc dù trứng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng khi ăn trứng quá nhiều sẽ tiềm ẩn rủi ro với sức khỏe người dùng.
Nguy cơ sỏi túi mật nếu ăn trứng quá nhiều
Mới đây, bệnh nhân V.V.K. (23 tuổi, An Giang) tình cờ phát hiện mình có sỏi túi mật trong đợt khám sức khỏe tổng quát.
Tại Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, bệnh nhân được siêu âm bụng, các bác sĩ phát hiện có nhiều viên sỏi trong túi mật, viên lớn nhất có kích thước gần bằng với một quả trứng cút nhỏ.
Tuy nhiên, anh K. không có bất cứ triệu chứng nào của sỏi túi mật như: đau bụng vùng hạ sườn bên phải, vàng da hay chán ăn…
Qua khai thác về chế độ ăn uống, bệnh nhân cho biết ăn trứng mỗi ngày, và ăn rất nhiều, trong suốt thời gian dài.
Bác sĩ Trần Xuân Phúc - khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức - cho biết trứng là một thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ ăn và dễ chế biến. Nhưng lòng đỏ trứng gà chứa nhiều cholesterol và việc tiêu thụ quá nhiều trứng trong chế độ ăn làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
Theo khuyến cáo, ở người trưởng thành khỏe mạnh nên ăn trung bình khoảng 2-3 quả trứng một ngày và không nên quá 3 ngày trong tuần.
Điều trị sỏi túi mật hiện nay, phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp điều trị chính.
Các điều trị sử dụng thuốc tiêu sỏi hoặc các thuốc Nam trong y học cổ truyền vẫn mang tính điều trị hỗ trợ và chưa được xem là điều trị chính thức để điều trị bệnh lý này.
Nên ăn trứng bao nhiêu hợp lý?
Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến - Viện Dinh dưỡng quốc gia - cho biết trứng là loại thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao, có chứa các thành phần dinh dưỡng: chất đạm, chất béo, canxi, sắt, kẽm, selen, vitamin B12, vitamin D, các acid béo no, cholesterol... Tỉ lệ các chất dinh dưỡng trong trứng rất phù hợp và cân đối.
Theo đó, lòng đỏ và lòng trắng trứng có độ đồng hóa khác nhau. Với lòng đỏ, do độ nhũ tương và các thành phần dinh dưỡng phân tán đều nên ăn sống hoặc chín cũng rất dễ đồng hóa, hấp thu. Lòng trắng trứng ăn sống hoặc trần tái dễ gây đầy bụng khó tiêu. Vì vậy, lòng trắng trứng cần được làm chín trước khi ăn.
Trứng có nguồn chất béo rất quý đó là lecithin, lecithin thường có ít ở các thực phẩm khác (trừ đậu nành). Lecithin giúp giảm cân, giúp phá vỡ và phân tán mỡ trong thức ăn và trong máu thành những phân tử nhỏ hơn.
Khi đó, cơ thể sẽ sử dụng lượng mỡ đã được phân chia nhỏ này để làm nguồn nhiên liệu cung cấp năng lượng cho cơ thể hơn là dự trữ trong các mô tế bào.
Mặc dù chứa nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng cần ăn trứng đúng khuyến cáo:
Với trẻ nhỏ từ 6-7 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1/2 lòng đỏ trứng gà; trẻ từ 8-9 tháng tuổi, mỗi bữa ăn 1 lòng đỏ trứng gà hoặc 4 quả trứng chim cút; trẻ từ 10-12 tháng tuổi cho ăn cả lòng đỏ và lòng trắng và mỗi bữa ăn 1 quả; trẻ từ 1-2 tuổi ăn từ 3-4 quả/tuần.
Với người lớn, một tuần chỉ nên ăn 3 quả, người bị tăng huyết áp hoặc cholesterol cao trong máu vẫn có thể ăn trứng, vì nó không làm tăng huyết áp và cholesterol máu, tuy nhiên một tuần chỉ nên ăn từ 1-2 quả.
9 thức uống giảm cân mùa hè
Nước dưa leo
Nước dưa leo tính mát, hỗ trợ giải độc, bổ sung nước phù hợp để giảm cân, tăng cường dinh dưỡng cho cơ thể. Thay vì chỉ uống nước lọc, thêm vài lát dưa leo vào cốc nước để nhận được lợi ích gấp đôi.
Trà thảo mộc
Uống một tách trà thảo mộc vào buổi sáng tốt cho quá trình giảm cân. Các loại trà thảo mộc gồm bồ công anh, gừng, rễ cam thảo vừa giải độc cơ thể vừa giữ dáng.
Rễ bồ công anh có tác dụng lợi tiểu tự nhiên. Gừng hỗ trợ tiêu hóa và tăng cường trao đổi chất. Trà rễ cam thảo giảm thèm ăn.
Nước chanh
Nước chanh rất giàu vitamin C, tăng cường trao đổi chất. Pectin là loại chất xơ trong trái cây họ cam quýt giúp tăng cảm giác no, giảm ăn vặt.
Uống nước chanh vào buổi sáng góp phần loại bỏ độc tố và hỗ trợ giảm khó tiêu. Tính axit của chanh cũng có khả năng giảm đầy hơi, viêm nhiễm.
Trà xanh
Trà xanh rất giàu catechin, chất chống oxy hóa mạnh có thể tăng cường quá trình trao đổi chất và đốt cháy chất béo. Trong đó, epigallocatechin gallate (EGCG) trong trà xanh thúc đẩy trao đổi chất, kết hợp với caffeine - chất kích thích làm tăng tiêu hao calo.
Trà đen
Giống như trà xanh, trà đen có caffeine (khoảng 47 mg trong mỗi cốc), thúc đẩy quá trình oxy hóa chất béo. Nó còn chứa nhiều polyphenol, hợp chất có khả năng giảm lượng calo nạp vào, tăng vi khuẩn lành mạnh trong ruột và quá trình phân hủy chất béo.
Nước nghệ
Nghệ là loại gia vị giúp giảm viêm trong cơ thể. Viêm kéo dài góp phần gây tăng cân. Nước nghệ có thể giúp cải thiện trao đổi chất, giảm đầy hơi, tốt cho tiêu hóa. Trộn bột nghệ với nước ấm, thêm một chút mật ong hoặc chanh để tạo thành thức uống thơm ngon, bổ dưỡng.
Nước giấm táo
Giấm táo là nguyên liệu phổ biến để giảm cân. Axit axetic có trong đồ uống này phân hủy chất béo, góp phần giảm lượng đường trong máu, nhờ đó ngăn cảm giác thèm đồ ăn có đường. Uống giấm táo pha với nước, mật ong và nước chanh vào buổi sáng để kiềm hóa cơ thể và giảm đầy hơi.
Nước ép rau củ
Nước ép trái cây thường chứa nhiều đường nhưng nước ép rau tươi lành mạnh hơn vì ít đường và carb. Chúng cung cấp nhiều vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe, tăng khẩu phần rau hàng ngày. Các loại rau củ phù hợp làm nước ép gồm cà rốt, bina, cần tây, xà lách, cải xoăn...
Nước dừa
Nước dừa có hương vị thơm mát, không chỉ bổ sung điện giải mà còn tăng năng lượng sau tập luyện. Thức uống này ít calo, chỉ số đường huyết thấp, không chứa chất béo, có lợi cho quá trình kiểm soát cân nặng.
Các chất dinh dưỡng như kali và enzyme trong nước dừa còn cải thiện trao đổi chất, đốt cháy nhiều calo trong cơ thể.
Mối nguy từ việc giảm cân độc hại ở thanh thiếu niên
Dựa trên hàng chục nghiên cứu trong 4 thập kỷ qua, các chuyên gia ước tính khoảng 9% thanh thiếu niên toàn cầu đã dùng các sản phẩm giảm cân gây hại như thuốc giảm cân không kê đơn, thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu...
Đây đều là các sản phẩm gây nhiều rủi ro đối với sức khỏe thể chất và tinh thần, không được khuyến khích về mặt y tế trong việc giảm cân lành mạnh. Nghiên cứu trước đây cho thấy sử dụng bừa bãi sản phẩm không kê đơn có thể gây ra chứng rối loạn ăn uống, tự ti, trầm cảm và lạm dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên. Chúng cũng có thể khiến người dùng hấp thụ dinh dưỡng kém, tăng cân không lành mạnh ở tuổi trưởng thành.
Tiến sĩ Paula Cody, giám đốc y tế của khoa y học vị thành niên tại Trường Y tế Công cộng Đại học Wisconsin, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của thuốc giảm cân và chất bổ sung từ 6 năm trước, sau khi nghiên cứu về vấn đề này.
"Tỷ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống tăng đáng kể sau đại dịch. Đây vốn không phải vấn đề nhỏ. Giờ đây, nó thậm chí đáng lo ngại hơn", bà nói.
Nghiên cứu năm 2022 cho thấy số trẻ nhập viện vì chứng rối loạn ăn uống ở Mỹ trong năm Covid-19 đầu tiên tăng nhanh hơn 10 lần so với những năm trước đó. Các phân tích khác cũng cho thấy số lượt đến khoa cấp cứu tăng lên.
Khi làm việc với những bệnh nhân mắc chứng rối loạn ăn uống, tiến sĩ Cody nhận thấy sự thay đổi đáng kể về nhịp tim, huyết áp hoặc lịch trình ngủ. Nguyên nhân của tình trạng này là thói quen sử dụng thuốc giảm cân chứa caffeine.
Bà cho biết một số bệnh nhân chủ động ngừng dùng thuốc khi nhận thấy những hậu quả tiêu cực với sức khỏe. Nhưng đối với những người khác, chứng rối loạn ăn uống không là gì so với số cân nặng của họ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng béo phì đang gia tăng trên toàn thế giới. Khoảng 39 triệu trẻ em bị béo phì năm 2022. Tại Mỹ, đây là một vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến gần một phần 5 số trẻ từ hai đến 17 tuổi, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ.
Tuy nhiên, các nước đã có chương trình giảm cân xây dựng trọng hệ thống chăm sóc sức khỏe chính thức, nhằm bảo vệ các em trước một số rủi ro. Chương trình không thể hoàn thành nếu thanh thiếu niên tự ý chuyển sang dùng thuốc giảm cân hoặc các sản phẩm giảm cân không kê đơn khác.
5 bước giảm cân cho người mới bắt đầu
Với người mới bắt đầu, bạn có thể tham khảo 5 bước sau:
Bước 1: Ăn theo thứ tự.
Đầu tiên là một ly nước nhỏ trước bữa ăn để loại bỏ hoàn toàn cảm giác đói, tiếp theo uống một bát canh rau để phủ 2-3 phần dạ dày. Sau đó, ăn nhiều protein, cuối cùng nạp cơm ít lại. Với thứ tự ăn này, bạn dễ dàng kiểm soát lượng calo nạp vào hơn.
Bước 2: Tăng thêm rau củ và protein mỗi bữa ăn.
Ăn quá ít rau, protein khiến bữa ăn bị mất cân đối, thiếu các yếu tố làm đầy làm no lâu, từ đó nhanh đói bụng, thèm ăn vặt - một trong những lý do khó giảm cân. Một bữa chính chuẩn sẽ giúp bạn no lâu 4-6 tiếng. Để làm được vậy, với người nặng khoảng 50-70 kg, mỗi bữa cần ăn ít nhất 20-25 g protein, hai khẩu phần rau củ tương đương một bát đầy rau luộc hoặc 2 đĩa salad cỡ bàn tay.
Bạn nên để trên bàn ăn luôn có một đĩa rau và một bát canh, đồng thời có sẵn một số món nạp protein dễ dàng như trứng, rong biển, khô gà lành mạnh, ruốc nấm đông cô để tăng lượng protein mỗi bữa ăn.
Bước 3: Thay thế loại tinh bột từ tinh chế sang nguyên cám, tập nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn ít nhất 25 phút.
Tinh bột là một trong ba dinh dưỡng đa lượng cần nạp mỗi ngày, chiếm tỷ lệ 30-60% năng lượng thiết yếu. Do đó, thay thế từ các loại tinh bột tinh chế (mất cám, mất vỏ) sang các loại nguyên phần (lứt, cám, vỏ) là ưu tiên số một trong hành trình thực hành ăn uống lành mạnh. Đơn giản nhất, bạn thay gạo trắng thành gạo lứt trắng, gạo xát dối (khô dẻo, thơm...). Ngoài gạo lứt, có thể kết hợp thêm với ngô khoai sắn, yến mạch, diêm mạch hoặc độn các loại đậu hạt khi nấu ăn để đa dạng, đỡ nhàm chán.
Tập nhai kỹ, kéo dài thời gian ăn ít nhất 25 phút. Nhai kỹ sẽ giúp bạn giảm tính phàm ăn tục uống, đồng thời giúp no lâu hơn. 25 phút mỗi bữa là thời gian não nhận được tín hiệu no từ dạ dày, giúp bạn no lâu hơn.
Bước 4: Tập thể dục trước khi ăn các món ít lành mạnh.
Nếu muốn ăn món kho, xào chiên nhiều dầu mỡ, nên tập thể dục ít nhất 30 phút trước khi ăn. Dầu mỡ có hàm lượng chất béo cao (9 kcal/g dầu mỡ), do đó cơ thể rất dễ dư thừa năng lượng, không tạo ra được sự thâm hụt calo cần thiết theo mục tiêu giảm cân.
Nếu thường xuyên luyện tập ít nhất 30 phút mỗi ngày, bạn có thể ăn thực phẩm có dầu mỡ, ngược lại chỉ nên ăn món luộc, hấp.
Bước 5: Tập nấu ăn hằng ngày với các gia vị lành mạnh hơn.
Bạn nên hạn chế sử dụng gia vị công nghiệp, tinh sấy, tinh luyện quá mức như bột nêm, bột ngọt công nghiệp, muối tinh sấy, đường tinh luyện. Thay vào đó là chuyển sang tạo vị bằng thực phẩm tự nhiên như tôm khô, nấu với nước hầm xương, nước luộc thịt, củ cải trắng, cà rốt, rong biển, bột nêm healthy (ngưu bàng, sốt rau củ...). Đây là một bước khó do vị giác đã quá quen với cách nấu gia vị công nghiệp, tuy nhiên là bước rất quan trọng và vì sức khỏe đường ruột.
Bác sĩ Phan Thái Tân
(Huấn luyện viên sức khỏe giảm cân HomeFiT)