Đợt nghỉ lễ dài ngày tôi quyết định về quê, mấy đứa bạn túm tụm lại bảo: Mày phải mang đặc sản Nghệ An ra nhé không là cấm cửa vào xóm trọ luôn đó nha. “Mà Nghệ An có đặc sản chi đó?”- cái Hạnh giả giọng lơ lớ miền trung hỏi khiến tôi không nhịn được cười. “Người Nghệ An có câu “nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn” là 2 món đặc sản của xứ Nghệ nhưng tao sẽ đưa một món đặc sản mà chỉ có huyện lúa Yên Thành “quê choa” mới có” - tôi làm ra vẻ bí hiểm còn bọn bạn không giấu được sự háo hức lẫn tò mò.
Ngày tôi ở quê ra, chúng bạn vây quanh liên tục hỏi đặc sản “quê choa” đâu rồi. Tôi lôi ra cái hộp được bọc kỹ qua ba lớp túi bóng trịnh trọng đặt xuống. Cái Hoa giơ lên dò xét: Gì mà bọc kỹ vậy mày, nhìn màu nâu nâu ngửi thì thấy mùi “thum thủm”.
Chiều hôm ấy, lũ bạn trong xóm trọ tụ tập cùng nhau ăn cơm ở phòng tôi. Lúc mọi người đông đủ tôi nói: Trước khi ăn tao xin giới thiệu sơ qua về “tiểu sử” của món ăn có tên là Mắm Vại này.
Quê tao nghèo lắm, mùa hè gió Lào thổi khô khốc cả ruộng đồng, rồi sau đó bão lũ. Cứ tới tháng 3 âm lịch là mẹ tao cùng các bác trong làng nhà nào cũng mua mấy chục ký cà pháo. Muối thì mua sẵn của mấy cô hàng rong ở dưới Diễn Châu lên bán.
Sau khi làm tai cà rửa sạch để ráo nước rồi đem phơi cho cà hơi héo một chút mẹ tao cho cà vào vại, có nơi gọi là cái lu. Cứ một lớp cà là một lớp muối. Sau đó, mẹ lấy viên gạch sạch đè lên tấm phiên tre nén cà thật chặt.
Vại cà muối khoảng hơn tháng cũng là mùa mít chín. Mẹ hái những quả mít thơm lừng từ ngoài vườn đem vào. Múi thì để ăn còn xơ mẹ giữ lại cho vào vại cà.
Cây đu đủ mẹ gọt lớp vỏ cứng bên ngoài, nạo lấy lớp thân mềm bên trong phơi cho héo một chút.
Rau muống vào mùa đông già cỗi mẹ nhặt sạch chần qua nước sôi, rồi mẹ đào mấy củ chuối ngoài vườn đem xắt thành miếng nhỏ tất cả những hỗn hợp trên đều cho vào muối chung với cà và gọi bằng một cái tên rất mộc mạc là Mắm Vại.
Món Mắm Vại là hỗn hợp của rất nhiều lại rau củ như cà rốt, su hào, lá bắp cải già, củ chuối, quả đu đủ xanh… tùy từng gia đình cho vào nhưng thành phần chính của nó vẫn là cà muối và xơ mít chín.
Có nhiều người nhầm tưởng đó là món nhút nhưng không phải vậy. Cách chế biến món này rất đơn giản chỉ cần phi hành tăm cho thơm rồi cho Mắm Vại vào xào, nhà nào dư giả thì xào chung cùng tóp mỡ.
Trong ký ức tuổi thơ nghèo khó của tao thì món Mắm Vại mà có tóp mỡ là một điều rất xa xỉ. Món ăn này đã từng một thời là thức ăn chính trong bữa ăn của người dân quê tau thay cho món mặn như thịt, cá. Bữa ăn độc chỉ có bát canh tập tàng và tô mắm vại lót dạ qua bữa. Vào mùa đông thức ăn khan hiếm lại thêm lũ lụt nên nhà nào cũng có món Mắm Vại dự trữ.
Không ai biết món này có từ bao giờ và tại sao lại có cái tên vậy chỉ biết nó được truyền từ đời này qua đời khác. Còn riêng tao nghĩ chắc món ăn được muối trong vại nên được gọi là Mắm Vại.
Khi tôi vừa kết thúc chương trình giới thiệu, cái Hoa gắp ngay một miếng, vừa ngai vừa nghiền ngẫm rồi phán: Tao cảm nhận được vị mặn của cà, vị chua của xơ mít, vị chát của củ chuối và mùi thơm nồng của hành tăm. Còn cái Lan nhận xét: Mới đầu ăn không quen nhưng ăn rồi lại nghiện, kiểu này mày kiếm cho tao một chàng về làm dâu xứ Nghệ để ăn món này mãi.
Thời gian trôi, giờ chúng tôi đã mỗi người một ngã. Mỗi lần nhắn tin cho nhau chúng bạn lại bảo: Tao thèm cái món “Mắm Vại quê choa” của mày quá. Có dịp vào Nghệ An ghé quê lúa Yên Thành là mày phải đãi tao món đấy nhé.
Nghe bạn nói mà tim tôi thắt lại. Bây giờ cuộc sống của người dân quê tôi đã no ấm và đầy đủ hơn trước. Những chiếc vại được thay thế bởi những chiếc tủ lạnh sang trọng và ít người chế biến món này nữa. Dần ngày món Mắm Vại đã trở thành ký ức của một thời nghèo khó. Nhưng cái mùi vị dân dã đậm đà bản sắc của miền quê lam lũ ấy luôn khắc ghi trong tim tôi như một niềm khắc khoải day dứt mãi không thôi.
(*) Xem thể lệ cuộc thi BÍ TRUYỀN CỦA MẸ tại đây.