Thưởng thức cháo cóc trong những mùa mưa là một trong những sở thích của đám trẻ quê nghèo khó chúng tôi. Một phần là sự hấp dẫn của món ăn đặc biệt này nhưng phần khác là khi ăn, chúng tôi được ngồi bên nhau nói chuyện, tâm tình hay kể lại những lúc dầm mưa đi bắt cóc trên cánh đồng xa.
Nhớ những mùa mưa ngày ấy nơi chốn quê nghèo, chúng tôi dăm ba đứa bưng cái đèn chong đi “dạo” khắp cánh đồng làng để soi cóc (bắt cóc). Cóc chủ yếu sống ở những nơi hoang sơ hay những cánh đồng, đêm đến nó lại “họp”.
Cóc bắt về, chúng tôi mang làm thịt nấu cháo ăn ngay trong đêm. Cóc lột da, làm thật sạch rồi băm nhuyễn, chấy mỡ hành cho thật đều, đợi cháo nhừ cho hỗn hợp cóc với mỡ hành vào nấu khoảng 15 phút sau nhắc xuống.
Múc cháo ra, nêm tí hành ngò vậy là mỗi đứa 1 tô húp soàn soạt. Mùi hương ngạt ngào tỏa ra từ tô cháo cóc thật đậm đà, dư vị của nó làm cho người thưởng thức nhớ mãi không quên.
Theo lệ thường cứ độ tháng 7 là cóc “rộ”. Theo kinh nghiệm của dân gian, cứ vào ngày rằm là cóc “hội” vì vậy nên đến ngày ấy là chúng tôi rủ nhau ra đồng tìm cóc. Có khi nấu cháo không hết chúng tôi chia cóc cho nhau để ngày sau làm món cóc nướng trong bữa cơm gia đình.
Khi quê tôi thay đổi theo “nông thôn mới”, nhiều công trình nhà máy mọc lên, các khu vườn tạp ngày nào đã biến thành vườn cây đặc sản, cóc đồng không còn nơi trú ẩn, không “hội” vào những ngày rằm nên nồi cháo cóc vào những ngày mưa cũng thưa thớt dần đi. Hơn nữa, chúng tôi giờ đã không còn sống ở quê, làm sao tụm năm tụm ba ra đồng để bắt cóc về nấu cháo. Món cháo cóc chân quê ngày xưa dần dần thiếu vắng và dường như chỉ còn lại trong kí ức mà thôi.
Xa quê, tôi luôn nhớ về những món ăn dân dã nơi chốn quê nghèo, nó mặn mà, đầm thấm mang nặng mùi sông nước quê hương, không thể trộn lẫn được với các món ăn sang trọng nơi chốn thị thành. Trong đó có món cháo cóc dân dã ngày xưa, mùi hương ngạt ngào xông vào mũi, cái vị ngọt lành của gạo, của cóc đồng làm tôi không thể nào quên được.