Tôi có chị đồng nghiệp thân thiết. Chị em gắn bó với nhau từ hồi tôi còn làm ở công ty đầu tiên, cách đây hơn 20 năm. Lần nào gặp nhau, tôi cũng thấy mắt chị sung húp vì vợ chồng chị vừa cãi nhau. Lúc đó, tôi đã nghĩ thầm trong đầu, sao lại trùng hợp đến vậy, lần nào chị em gặp nhau cũng cãi nhau với chồng trước đó là sao? Cho đến lần gần đây, tới chơi nhà chị, tôi mới thấy, có lẽ chị đã phải lặng lẽ khóc mỗi ngày, chứ không phải là thi thoảng cãi nhau như chị đã nói.
Chồng chị làm chủ thầu, tiền kiếm được kha khá nên từ hồi chị em quen nhau đến giờ, chị cũng đổi vài lần nhà và nhà sau bao giờ cũng to đẹp hơn nhà trước. Hồi còn trẻ, gặp chồng chị, tôi chỉ có một ấn tượng, anh này có vẻ lạnh lùng. Nhưng một người như chị, có rất nhiều "vệ tinh" vây quanh mà lại "chấm" anh thì chứng tỏ anh có thể là kiểu người "ngoài lạnh trong nóng". Hồi chị mới cưới, tôi từng đùa như thế và chị cũng gật đầu. Chị nói mình may mắn vì anh cũng là "soái ca" trong lòng bao cô gái.
Hôm tôi đến, chị đang tất bật chuẩn bị bữa trưa. Anh và hai con gái, người "ôm" điện thoại, người dán mắt vào tivi, không một ai có ý định đứng lên giúp chị. Dù tôi đã gặp anh nhiều lần trước đó nhưng anh không có ý định trò chuyện với bạn của vợ dù chỉ là xã giao. Ngồi được một lúc, anh thông báo: "Bố đi cà phê một lúc!". "Bao giờ anh về?", chị hỏi với theo. "Uống xong thì về thôi!", anh đáp. Tôi thấy chị nén tiếng thở dài, đôi mắt buồn mênh mang... Lúc đó, vì muốn chị vui, tôi đã bảo: "Chắc anh ấy muốn chị em mình thoải mái trò chuyện đây mà. Công nhận chồng chị tâm lý thật đấy!". Chị cúi mặt không đáp lại.
Trưa đó, dù biết nhà có khách, chị phải gọi tận 3 cuộc điện thoại, hơn 12h trưa chồng chị mới về. Không một lời xin lỗi cả nhà đã phải chờ cơm, anh dõng dạc hô: "Chén thôi!". Ngồi vào bàn, thấy thiếu thứ nọ thứ kia, anh không sai con mà hất hàm bảo chị: "Lấy thêm bát mắm, quả ớt. Nhạt quá, lấy gia vị đi!". Chắc vì trước mặt tôi, chị gượng cười, lặng lẽ làm theo mệnh lệnh của anh.
Chứng kiến cảnh đó, tôi thấy thương chị đến thắt lòng. Chiều hôm đó, tôi nói với chồng chị: "Cho em mượn bà xã anh một lúc nhé!". Mắt vẫn dán vào điện thoại, anh tưng tửng nói: "Cứ thoải mái đi!". Có lẽ hôm đó, chị không muốn giấu nữa, vừa vào quán nước mắt đã lã chã rơi. Chị bảo, cưới nhau hơn 20 năm cũng là ngần đó thời gian chị phải sống trong cảnh kìm nén mọi cảm xúc. Bởi nếu không, chị sợ sẽ tung hê hết, người chồng coi thường vợ và hai đứa con cũng đứng về "phe" bố.
Chị hết lòng chăm sóc chồng con nhưng đổi lại, chị như cái gai trong mắt họ. Dù 3 bố con sai, chị vẫn phải là người hạ mình xin lỗi. Chỉ cần chồng con nhăn mặt, chị không dám nói thêm một lời nào. Những lần mâm cơm dọn lên mà chờ mãi không thấy 3 bố con về, chị gọi điện thì nghe chồng quát, con gắt "không phải đợi", "ăn trước đi", khiến nước mắt chị lại lã chã rơi. Chị quen dần với cuộc sống của một người lép vế trong tổ ấm của chính mình. "Nhiều khi chị muốn giải tán vì chán quá nhưng lại không dám!", chị nghẹn ngào nói.
Nghe chị kể, tôi thương chị quá. Ở công ty, chị là một phó phòng đầy năng lực vậy mà về nhà chị lại trở thành người phụ nữ cam chịu. Dù biết sẽ khó để thay đổi nhưng tôi vẫn khuyên chị, hãy sống vì mình và trân trọng bản thân. "Chị đừng để cả ba bố con tiếp tục quen với việc chị là người nhận lỗi trong mọi chuyện. Trong gia đình, không cần quá coi trọng chuyện đúng sai nhưng đây cũng là thể hiện sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Những gì chị thấy chồng con chưa đúng, chị phải lên tiếng bởi nếu chị tiếp tục chọn cách sống không cảm xúc và lệ thuộc vào chồng con, họ sẽ không còn trân trọng chị như lâu nay từng làm thế với chị".
Đừng xin lỗi khi rõ ràng chị không sai. Chị có thể xin lỗi khi chồng chị nhận ra anh đã sai - đó là thể hiện chị trân trọng tình cảm với anh, chứ không phải vì chị sợ như hiện tại. Nghe những chia sẻ của tôi, chị đã khẽ mỉm cười...