LTS. Trần Tiến ở trong số ít các nhạc sĩ có thể hát thành công các ca khúc của mình. Hay nói cách khác, là một ca sĩ tầm cỡ có khả năng sáng tác những ca khúc đi cùng năm tháng. Lúc còn là ca sĩ trẻ trưởng thành từ công tác hậu đài của Đoàn ca múa Hà Nội và khi đi hát phục vụ ở hỏa tuyến trước 1971; lúc là sinh viên nhạc viện mới ra trường hay khi đã thành một nhạc sĩ - ca sĩ có sự nghiệp lừng lẫy, Trần Tiến vẫn là một nghệ sĩ mà tác phẩm luôn bám sâu vào ngõ ngách tâm hồn con người, để từ đó bật ra sự gắn bó của mỗi phận người với xã hội mà họ đang sống.
Chiến tranh và Hòa bình. Cũ kỹ và Đổi mới. Chật hẹp và Phóng khoáng. Đớn hèn và Dũng cảm. Bằng ca khúc và giọng hát của mình, Trần Tiến đã cổ vũ cho lòng Yêu nước, cho niềm Lạc quan trong cuộc sống, cho sự Tiến bộ và Tình yêu con người. Các ca khúc nổi tiếng của Trần Tiến trong những năm 80, Nhóm du ca Đồng Nội và Nhóm rock Đen Trắng với các chương trình Đối thoại 87 là một minh chứng cho sự đóng góp của ông vào sự đổi mới của âm nhạc trong đời sống. Suốt nhiều thập kỷ, những sáng tác của Trần Tiến đã song hành với bao thế hệ yêu âm nhạc, để họ phấn khích hát lên khởi đầu một cuộc tình hay khi cần thầm thì xoa dịu tâm hồn vào những lúc khốn cùng không lối thoát.
Từ những thông tin đầy hào hứng về một chương trình âm nhạc mà Trần Tiến dự tính xuất hiện vào tháng ba năm nay ở Hà Nội, cùng với đợt công chiếu bộ phim tài liệu âm nhạc đầu tiên về Trần Tiến, Người Đô Thị đã gõ cửa những người yêu mến người nhạc sĩ – ca sĩ tài ba và quyết Không gục ngã để họ trải lòng về Trần Tiến, qua những trang viết trong số báo tân niên này.
Chúng tôi đến Vũng Tàu - quê hương mới của nhạc sĩ Trần Tiến để thăm ông với tư cách những người bạn, người em, người yêu mến âm nhạc. Doanh nhân Nguyễn Chí Cư - một mạnh thường quân nổi tiếng của giới văn nghệ, đã giúp chúng tôi cuộc gặp gỡ đầu xuân này. Chúng tôi dự định phỏng vấn ông về đêm nhạc sắp tới trong tháng 3.2021 ở Hà Nội, về mọi thứ xoay quanh âm nhạc và cuộc đời của "gã du ca Trần Tiến". Nhưng đã không có cuộc phỏng vấn nào diễn ra. Trần Tiến chỉ trò chuyện với chúng tôi như với những người em đến thăm, chứ ông không đồng ý chia sẻ bất cứ điều gì theo kiểu báo chí. Ông thích thú nhắc lại điều ông tâm đắc với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Mình là nhạc sĩ, mình cống hiến cho công chúng những bài hát của mình, chứ mình không có nghĩa vụ phơi cuộc đời của mình ra cho công chúng mổ xẻ"…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu lúc 10 giờ. Và đúng 11 giờ, ông lái xe "dẫn đường" đưa chúng tôi đi ăn trưa. Và cũng "chính xác từng giây" như vậy, khi đồng hồ chỉ 12 giờ, ông rời bàn ăn trở về nhà để nghỉ ngơi "theo thời khóa biểu của bác sĩ". Một chế độ ăn - nghỉ nghiêm ngặt mà Trần Tiến phải tuân thủ trong cuộc hồi sinh để chiến thắng hoàn toàn bệnh tật.
Tại căn hộ ấm cúng ngay Bãi Dài yên tĩnh, Trần Tiến cười rổn rảng, ánh mắt vẫn ấm áp và giọng nói vẫn trầm vang như Trần Tiến xưa nay. Dù đang trong giai đoạn chữa bệnh nhưng lạ thay, chúng tôi vẫn được ông truyền cho năng lượng tích cực từ tinh thần không bỏ cuộc, không đầu hàng; rồi chúng tôi tự hình dung ông đã như thế nào khi hát và thu nhạc bằng laptop trên giường bệnh ca khúc mới nhất của ông mang tên Không gục ngã.
Nhạc sĩ Trần Tiến
Tự tay pha trà ân cần đón khách, song Trần Tiến chừng như vẫn còn xúc động về chuyện cách đây không lâu có tờ báo đăng thông tin rằng ông đã… qua đời: "Qua câu chuyện truyền thông báo tin tôi từ trần, tôi mất hết cảm tình với báo chí. Lãnh đạo cơ quan truyền thông đó sau khi biết mình sai đã gọi điện thoại xin lỗi. Tôi trả lời tôi có thể tha lỗi cho anh, nhưng làm sao anh có thể xin lỗi hết tất cả bạn bè, anh em, họ hàng ruột thịt, những khán giả yêu thương tôi, họ đã bị xúc động mạnh vì thương tiếc tôi. Anh thử tưởng tượng trong một tiếng đồng hồ, gần trăm cuộc điện thoại gọi về, và tôi phải liên tục trả lời rằng "tôi còn sống, tôi còn sống, tôi còn sống"… Trả lời điện thoại đến cuộc thứ 30 thì có thể ngất và chết thật. Đấy là chưa kể, gia đình phải tiếp mấy chục đoàn người từ các tỉnh về thăm, muốn biết tin Trần Tiến như thế nào. Trần Tiến sau khi nghe tin mình chết, có vẻ như sắp chết thật!".
Nhắc đến cái chết, bất chợt Trần Tiến bật cười. Ông kể nhiều bạn bè nói cứ mỗi lần sắp chết thì Trần Tiến lại viết được một bài hay. Hồi xưa là Sắc màu. "Hồi đó, khi nằm trên giường mổ khoảng hai tiếng rưỡi vì bể ruột thừa, trong giây phút chết lâm sàng, dường như hồn tôi đã lìa khỏi xác, bay lên trần nhà, tôi nhìn thấy xác của mình rồi, tôi đã giao tiếp với cái chết rồi. Lúc đó, tôi chợt thấy mình thật sự vô hình, nay mượn xác thân này, mai thành hình hài khác. Từ chiêm nghiệm ấy, tôi đã vượt qua cái chết và viết Sắc màu. Mà thật ra không phải tôi viết, mà chính là cái chết và sự sống đã viết nên ca khúc Sắc màu. Trời cho...", ông kể.
Lần này cũng vậy. Từ những người là bạn bè thân thiết ở bên cạnh Trần Tiến những lúc khó khăn, chúng tôi biết rằng, khi đối diện với cái chết, ông đã viết Không gục ngã. Ca khúc được viết cách đây khoảng 4 tháng. Trần Tiến viết, trước tiên là cho chính mình. Mỗi buổi sáng, ông nghe bài này để tập thể dục, để tự thắng mình. Bài hát này nhắc ông mỗi ngày rằng mình đã nói với mọi người như thế nào trong ca từ bài hát thì mình phải làm trước, vì thế mọi người mới yêu quý mình, mới biết mình không phải là "thằng nói phét". Chính bài hát của mình đã dạy mình, đã động viên mình, rằng mình sẽ trở lại từ căn bệnh nan y này. Cho đến bây giờ, đều đặn mỗi ngày, Trần Tiến chạy bộ 3 vòng, ăn ngủ đúng giờ theo kỷ luật của bác sĩ. Chính vị Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam khi trực tiếp khám cho Trần Tiến đã nói rằng, đúng là ông đã thực hiện được những gì trong nội dung bài hát của mình - Không gục ngã.
Vợ chồng nhạc sĩ Trần Tiến trong cuộc gặp bạn bè năm 2019. Từ phải: nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, doanh nhân Nguyễn Chí Cư. Ảnh: TL
Vấn đề của người nhạc sĩ - ca sĩ đặc biệt này không chỉ là sống mà phải hồi phục sức khỏe vì hiện nay sức của ông chỉ mới được một nửa như trước khi bị bệnh. Các bác sĩ điều trị cho Trần Tiến, khi nghe ca khúc Không gục ngã đã nói rằng đây là bài "Bệnh nhân ca". Điều thú vị là nhiều bệnh viện đã chọn ca khúc này để các bệnh nhân nghe, để họ bắt chước Trần Tiến vượt lên bệnh tật… Nghe những gì người khác nói về mình, người nhạc sĩ tài ba xúc động chia sẻ: "Người ta không lớn lên trong gian khó, trong bão tố, người ta chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình, nếu không tuyệt vọng. Và khi con người còn yêu, trái tim còn đập, họ sẽ vượt qua số phận của mình. Đó là tâm trạng của tôi khi viết Không gục ngã".
Khi ngồi với Trần Tiến, chúng tôi có gọi cho Bạch Dương - con gái út của nhạc sĩ Thanh Tùng hỏi về đêm nhạc Trần Tiến - Thanh Tùng sắp tới ở Hà Nội. Bạch Dương cho biết đó là đêm nhạc do những người yêu quý âm nhạc của Trần Tiến và Thanh Tùng tự tổ chức, chứ không kết hợp gì với gia đình các nhạc sĩ. Trần Tiến xác nhận đúng là vậy. Ông sẽ xuất hiện trên sân khấu đêm nhạc này ở Hà Nội nhưng đến nay, kịch bản vẫn là một bí mật, chính ông cũng chưa biết mình sẽ làm cụ thể điều gì.
Nhân lúc chúng tôi nói về đêm nhạc Trần Tiến – Thanh Tùng sắp diễn ra, Trần Tiến bỗng bộc bạch kỷ niệm về những chuyến "road-show" của mình trước đây. Ông nói: "Tôi chưa bao giờ tự bỏ tiền ra làm show để kiếm tiền, ngoại trừ một lần. Hồi đó chúng tôi nuôi 27 trẻ mồ côi, tôi lấy nhà của mình làm trường, nuôi chúng ăn ở, chăm sóc, học nhạc… Muốn duy trì được việc này thì cần phải có tiền. Vậy là chúng tôi 3 người, đi xe jeep, tự bưng bê đồ đạc, set up âm thanh, ánh sáng, tự bán vé, tự quảng cáo, dán áp phích... Chúng tôi đi khắp đất nước trình diễn, gần một năm trời, và đã kiếm được một tỷ hai. Vào thời điểm năm 1992, số tiền này lớn lắm. Rồi 3 anh em chán đi hát, lại về dạy đám con nít. Lúc đó, Trương Gia Bình (Chủ tịch FPT- PV) thấy tôi nuôi trẻ mồ côi nên tặng 3 cái máy vi tính. Tôi rành vi tính cũng từ đó"...