Cứ tưởng anh ấy là doanh nhân
Mỗi ngày A.L., người đàn ông Ý gốc Iran có ngoại hình cao ráo, đều diện bộ cánh điệu nghệ để dạo quanh các khu trung tâm thương mại cao cấp. Bắt gặp bất cứ cô gái trẻ xinh xắn nào, A.L. cũng đến xin số điện thoại và chìa ra tấm danh thiếp ghi tên mình là chủ doanh nghiệp.
Đồng thời, anh ta tìm hiểu rõ đối phương xinh đẹp có phải là cô gái nhà giàu hay không. Anh ta thử các đối tượng của mình bằng cách mời đi ăn nhà hàng sang trọng, nhưng để các cô gái trả tiền. Khi các cô gái tỏ thái độ không bằng lòng thì anh ta đem chiêu bài mình làm chủ doanh nghiệp nhiều tiền nên sợ các cô gái trẻ lợi dụng. Vậy là các cô gái liền quyết tâm chứng minh sự trong sạch của mình.
Gần đây, A.L. phải chuyển chỗ trọ để trốn sau khi lấy trộm 50.000 USD của người yêu. Chị Liên Phạm kể rằng, sau khi rút tiền ngân hàng về, chị gửi số tiền này ở nhà người yêu (là A.L.) để đi làm tiếp. Chiều tan sở chị ghé nhà anh ta thì thấy nhà trống trơn, đồ đạc đã dọn đi hết. Gọi điện cho A.L. thì thuê bao của chị đã bị chặn.
Ảnh minh họa
Đến lúc này chị mới nhớ ra chỉ biết nhà và số điện thoại của người yêu doanh nhân giàu có đeo đồng hồ hiệu và cất vàng trong nhà. Ngoài ra, chị không biết thêm thông tin nào khác.
Dù đau lòng vì vừa mất tình vừa mất tiền, nhưng chị xấu hổ với bạn bè và người thân nên không dám kể với ai, càng không dám báo công an việc anh người yêu trộm tiền. A.L. là người yêu đầu của chị, nên mất mấy tháng chị mới bình tĩnh lại và bắt đầu tìm cách lấy lại tiền.
Tìm hiểu, chị biết thêm mình chỉ là một trong nhiều cô người yêu của anh ta. Tuy nhiên, các cô gái khác chỉ mất vài triệu, chị được xem là người yêu chính thức và mất tiền nhiều nhất.
Khi hiểu ra sự thật về kẻ đào mỏ, chị Liên bỏ ra 25 triệu đồng cho dịch vụ thám tử tư để tìm kiếm A.L. Cùng thám tử, chị chặn đường A.L. để bắt anh ta phải trả lại tiền. Thấy các thám tử quay video ở hai phía, A.L. hiểu anh ta không còn đường nào khác phải hứa trả tiền lại cho chị. Nhưng anh ta chỉ đủ tiền để trả mỗi lần một ít.
Ảnh: wavebreakmedia_micro
Kẻ trộm là bạn cùng nhà
Nhiều người có kinh nghiệm cũng không thoát khỏi bẫy lừa tiền của người tình ngoại quốc. Chị Nhiên đã có một đời chồng và đang là mẹ đơn thân cũng bị anh chồng Bangladesh cuỗm tiền.
Điều làm chị đau xót không phải vì mất số tiền 440 triệu đồng mà là cách người chồng trộm tiền của chị giống như kịch bản phim.
Tối hôm đó, anh chồng có biệt danh Sonny ở nhà chứ không đi chơi như thường lệ. Anh dỗ ngọt người vợ Việt mình đã cưới được năm năm ăn bánh có tẩm thuốc ngủ. Chờ chị Nhiên ngủ say, anh ta đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của chị để chuyển tiền sang tài khoản của mình. Lấy tiền xong anh ta ra sân bay vào TP.HCM rồi về Bangladesh.
Mất vài ngày chị Nhiên mới biết mình mất tiền, vì trước khi đi Sonny đã vứt bỏ sim điện thoại của chị nên không nhận được tin nhắn ngân hàng báo chuyển khoản. Anh ta cũng thường xuyên đi chơi bỏ vợ ở nhà nên thấy vắng chồng tới vài ngày chị mới cuống lên.
Nhiên kể, trước khi lấy Sonny, chị thấy anh ta hiền lành, mới đến Việt Nam không tìm được việc làm và sống khó khăn chật vật. Thương cho người hiền hậu lưu lạc xứ người, chị ra tay giúp đỡ anh ta về tài chính.
Khi hai người lấy nhau, anh ta ngày càng lười biếng, chỉ rong chơi như kẻ độc thân. Chị quá bận việc kinh doanh nên cũng chưa có thời gian ngồi lại nói chuyện với chồng để chấn chỉnh, cũng chưa kịp tạo việc làm cho chồng. Bây giờ muốn tìm anh ta rất khó, vì chị không biết nhiều về gia đình chồng bên Bangladesh.
Chị chỉ có thể gửi email cho anh ta dọa báo cảnh sát quốc tế và đại sứ quán, anh ta mới hồi âm. Anh ta hứa khi hết dịch sẽ quay lại Việt Nam để trả tiền cho chị, còn bây giờ anh ta chỉ có thể trả trước vài chục triệu.
Chị than: "Tôi còn biết làm sao bây giờ. Nếu tôi báo công an thì anh ta lại xóa dấu vết và lặn mất, biết khi nào mới lấy lại được tiền. Hơn nữa, nếu anh ta không chịu ly hôn thì làm thủ tục đơn phương ly hôn rất khó khăn. Nên nói gì thì nói, tôi cũng phải dịu giọng để hắn chịu quay lại rồi mới tính tiếp".
Người yêu bí ẩn
Khi qua cơn tức giận vì mất tiền, Nhiên hiểu rằng, lỗi của chị ở chỗ đã chấp nhận người chồng lông bông do quá cần một người đàn ông đỡ đần bên cạnh. Khi chồng không giúp đỡ, Nhiên nhắm mắt cho qua. Tuy nhiên, nếu nhìn sâu xa thì Nhiên đã kết hôn với một người nhân thân không rõ ràng, đến lúc cần không biết tìm ở đâu. Những thông tin sơ sài trên giấy kết hôn không giúp chị tìm được anh ta khi cần.
Người đàn ông của Liên cũng bí ẩn như vậy. Chị chỉ biết A.L., còn người thân, bạn bè và đồng nghiệp của anh ta là ai - chị chịu. Ngẫm lại, Liên thấy nhiều dấu hiệu lẽ ra phải cảnh giác. A.L. là chủ doanh nghiệp mà không bao giờ đến văn phòng cũng không làm việc ở nhà. Địa chỉ văn phòng của công ty trên danh thiếp không có thật.
Chị còn nhớ rõ, lúc trước khi A.L. nghe điện thoại của một người nào đó khiến chị biết được anh ta đã trốn khỏi Malaysia vì nợ tiền khách hàng. Nhưng vì thấy ảnh chụp A.L. nhận giải thưởng trên báo nước này trước đó nên chị không tin chuyện anh ta quỵt tiền. Chị tự an ủi rằng chắc mình hiểu lầm và người yêu của mình rõ ràng là người thành đạt.
Với chuyện A.L. có các cô gái khác, Liên thật sự không hiểu sao anh ta có thời gian cặp kè, trong khi thường xuyên đi chơi với chị. Nhưng Liên biết có một cô gái trẻ ở Vũng Tàu cuối tuần hay đến chơi ở lại nhà A.L. và ngủ lại đến chiều Chủ nhật mới quay về Vũng Tàu. Lúc đó vì quá yêu, chị không dám nghĩ người yêu mình có gì xấu xa hay không.
Ảnh: rawpixel.com
Đừng im lặng vì xấu hổ
Khi xảy ra chuyện, Liên và Nhiên nhận ra điểm chung, đó là họ đã trao tình yêu rất sớm, ngay khi chưa đủ hiểu người yêu. Họ đã ngộ nhận và tin tưởng hình ảnh được những người ngoại quốc xây dựng lên.
Thật ra, không ít phụ nữ gặp hoàn cảnh trớ trêu như Liên và Nhiên nhưng họ là phụ nữ trí thức thành đạt nên không dám bày tỏ khi bị lừa đảo với ai chuyện của mình. Với người thân, họ dễ bị chì chiết lấy chồng ngoại mà bị đào mỏ. Vì nhiều cha mẹ vẫn nghĩ con lấy chồng ngoại là được bảo đảm tài chính.
Với các phụ huynh không ủng hộ tình yêu với người ngoại quốc ngay từ đầu, cô con gái cũng khó quay về khi gặp khó khăn. Không những không giúp con vượt qua cú sốc tinh thần, họ còn mắng nhiếc con. Với bạn thân, những phụ nữ này cũng không dám kể gì vì sợ bạn chê cười.
Để ngăn người lấy tiền của mình cao chạy xa bay, chị em rơi vào cảnh bị lừa tình, lừa tiền có thể đến cơ quan công an trình báo vụ việc. Bên cạnh đó, họ có thể tìm đến các văn phòng luật sư, các trung tâm tư vấn pháp luật của Hội Liên hiệp Phụ nữ địa phương để được tư vấn pháp lý. Các trung tâm tư vấn tình yêu hôn nhân cũng là nơi họ có thể giải tỏa tâm lý và giúp họ lấy lại niềm tin với tình yêu, vượt qua cú sốc tâm lý.
Chị em kết hôn với người nước ngoài đã bỏ trốn, có thể tìm hiểu về thủ tục ly hôn với người nước ngoài tại cổng thông tin dichvucong.gov.vn và nộp đơn xin ly hôn đơn phương tại UBND cấp quận huyện.
Luật sư Phạm Thị Thoa, Công ty Luật TNHH Apolat Legal, cho biết nếu người vợ hoặc người yêu Việt Nam có cơ sở để tố cáo chồng hoặc người yêu ngoại quốc trộm tiền là tài sản riêng hoặc một phần trong khối tài sản chung thì có thể làm đơn tố giác về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đơn tố giác gửi đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát các cấp, công an cấp phường xã, tòa án các cấp, cơ quan báo chí… theo điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.
Nếu người ngoại quốc trộm tiền còn ở Việt Nam thì sẽ bị điều tra và xét xử theo quy định pháp luật về hình sự tại Việt Nam.
Nếu người ngoại quốc đó đã về nước thì cơ quan có thẩm quyền có thể yêu cầu tương trợ tư pháp nước của người này để điều tra và xác định hành vi trộm cắp. Nếu người này được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì trách nhiệm hình sự sẽ theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế mà Việt Nam có ký kết.
Nếu không, trách nhiệm hình sự của người này được giải quyết bằng con đường ngoại giao. Nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, đối tượng còn phải hoàn trả tiền cho vợ/người yêu Việt theo điều 48 Bộ luật Hình sự 2015.