Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến Côn Đảo là màu xanh cây cỏ che phủ khắp nơi, nhất là khi đến Côn Đảo vào mùa mưa, không phải mùa cao điểm du lịch. Khi đó, Côn Đảo trông thật mướt mát. Rất nhiều cây bàng trên đảo đã góp phần làm nên màu xanh ngút ngàn ấy.
Cây di sản và đảo của những cây bàng
Cây bàng Côn Đảo
Trên khắp đất nước ta, không quần đảo nào có nhiều cây di sản như Côn Đảo và cũng chưa nơi nào có nhiều cây bàng cổ thụ được vinh danh là cây di sản như ở Côn Đảo.
Côn Đảo mùa mưa cây xanh đầy sức sống, thảm thực vật khá dày nhưng không có nhiều loại cây cao. Có lẽ bàng là một trong những loại cây cao nhất ở đảo. Bàng mọc khắp nơi, đi đâu bạn cũng có thể thấy những dáng lá, dáng cây quen thuộc.
Nếu ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… những năm sau này, bàng bị cấm cửa không cho trồng trên đường phố vì thuộc loại rễ ngang, dễ ăn và bứng hại các công trình xây dựng cạnh nó, thì ở Côn Đảo, bàng mọc vô tư. Đi đâu cũng thấy bàng, cả trên bờ biển chen với mấy cây dương, hốc đá cũng thấy. Nhiều nhất là quanh thị trấn, trước hiên nhà dân, trong resort, bên những biệt thự cổ bỏ hoang, trên các con đường nhỏ... Và nhiều, nhiều lắm ở các nhà tù, trại cải huấn, chuồng cọp… ngày xưa. Trại nào cũng sừng sững vài đến hàng chục cây bàng cổ thụ.
Nhiều chỗ, bàng gần như là cây xanh duy nhất nơi đó, mọc rất tốt, tán nhiều và xanh rì lá. Có điều, những nơi phố thị, người ta quen nhìn cây bàng có tán ngang chia làm nhiều tầng còn ở Côn Đảo, hiếm có cây bàng nào đứng thẳng băng với tán cũng thẳng băng theo phương nằm ngang quen thuộc như bàng phố thị.
Cây bàng di sản trước bến Cầu tàu 914
Cây bàng ở đảo mọc với vô vàn tư thế, nghiêng ngả, tán vươn lên hay xòa xuống rất tự nhiên như minh họa cho một đời cây đã phải tồn tại vất vả giữa biển khơi. Những thân bàng có gốc xù xì dễ khiến người ta, nếu không để ý, nghĩ đó là những gốc cây cổ thụ nào đó.
Có rất nhiều cây bàng cổ thụ ở Côn Đảo được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản. Riêng ở Côn Đảo, có 53 cây bàng được công nhận là cây di sản Việt Nam.
Cụ thể, trên đường Tôn Đức Thắng có 19 cây, trên đường Lê Duẩn có 11 cây, Di tích trại Phú Hải (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) có 8 cây, Di tích trại Phú Sơn (thuộc hệ thống Nhà tù Côn Đảo) có 7 cây, Di tích Nhà Chúa Đảo có 8 cây.
Trong đó, dễ thấy nhất là ở đường Tôn Đức Thắng, ngay trước quán cà phê Côn Sơn là hai cây bàng cổ thụ có thân rất to, đứng sừng sững đối diện cầu tàu 914 lịch sử.
Hạt bàng - đặc sản khó quên
Hạt bàng phơi khắp nơi trên hè phố Côn Đảo
Cây bàng nhiều, hẳn nhiên cho trái nhiều. Trái nhiều, nhưng đâu mấy ai siêng năng đi hái trái bàng, lượm hạt bàng về để ăn ngoại trừ đám con nít hiếu động.
Đi bộ trên đảo, bạn hay gặp những vạt trải toàn trái bàng khô phơi trên vệ đường vắng - là người ta đang phơi trái bàng để lấy hạt. Cho nên lên đảo, bạn sẽ thấy món hạt bàng mặn ngọt cũng "thông dụng" như thể bạn vào rạp phim mua bắp rang bơ mặn ngọt mà ăn.
Nhiều người dân đảo kể tôi nghe, rằng hạt bàng ăn hoài không hết, ăn riết cái hạt sống cũng ngán, chưa kể ăn nhiều sẽ có cảm giác bị say như khi ăn đậu phộng sống. Rồi một ngày nọ, cư dân đảo nghĩ ra cách phơi khô, chế biến hạt bàng thành một món ăn chơi mang vị mặn - ngọt.
Công đoạn chế biến hạt bàng tuy đơn giản nhưng cũng tốn không ít thời gian. Phơi khô chừng bốn - năm nắng rồi dùng dao đập vỏ tách lấy hạt, dùng tăm khều hạt ra. Thoạt nghe thì thấy không có gì ghê gớm nhưng có lần trải nghiệm với người dân đảo, tôi nhẩm ra mất ba tiếng đồng hồ mà chỉ làm được vài trăm gram hạt.
Hạt bàng mới tách ra có màu nâu thẫm giống như màu gỗ đã đánh vẹc-ni, được mang đi rang muối hoặc rang đường theo phương pháp thủ công. Mà phải rang sao cho khéo léo để nhìn hạt bàng trông bắt mắt chứ không được gãy, vụn. Đây là lý do vì sao món hạt bàng Côn Đảo có giá cao.
Ăn thấy ngồ ngộ, ngon ngon nên người ta thử đem hạt bàng bán cho du khách, từ đó xuất hiện một số nhà chuyên thu gom hạt bàng về làm để bán. Không biết từ lúc nào, hạt bàng nghiễm nhiên trở thành thứ đặc sản trứ danh của Côn Đảo và là món luôn được khách phương xa mua về làm quà nhất.
Hạt bàng ngào đường
Đặc sản hạt bàng không được quảng bá rộng rãi ồn ào mà chủ yếu theo kiểu thấy thì mời, hỏi thì bán. Vì vậy, khi ăn thấy vừa miệng, nhiều người đâm tiếc cho món đặc sản đáng ra cần được "phổ biến rộng rãi" hơn.
Du khách ra đảo được giới thiệu hay tình cờ ăn thử hạt bàng đều thích. Tuy nhiên, các chủ tiệm hạt bàng thật ở Côn Đảo cũng chưa nghĩ tới việc sẽ đem món đặc sản trên vào đất liền "phổ biến" vì… cung không đủ cầu.
Có hai loại phổ biến: mặn và ngọt. Người thì nói hạt bàng Côn Đảo rang muối không bị mặn, chỉ đậm đà hơn hạt bàng tươi và gần như giữ được vị bùi bùi nguyên gốc của nó, khi cắn vào thì thấy các lớp màu trắng ngà của hạt xếp cuộn khít vào nhau, rất vừa ăn. Người lại bảo hạt ngọt tuy dễ ăn hơn nhưng lớp đường phủ ngoài và gừng làm át hẳn vị, trong khi hạt bàng mặn thì còn giữ nguyên chất, vị.
Bên cạnh hai loại trên, mứt hạt bàng được khá nhiều người lựa chọn bởi sự hòa quyện giữa muối và đường cho ra một vị đặc biệt lôi cuốn. Thậm chí, nhiều loại còn có cả vị cay, kích thích vị giác.
Hạt bàng ở đảo và hạt bàng đất liền
Trong hạt bàng có chứa một số chất rất giống như hạt hạnh nhân (hạt óc chó) nên ăn hạt bàng rất tốt cho sức khỏe. Hạt bàng từng là món quà hiếm hoi đúng nghĩa "made in Côn Đảo".
Bây giờ, muốn mua hạt bàng, bạn phải nhờ người quen là dân địa phương hoặc chủ các nhà nghỉ, khách sạn liên hệ giúp bởi nếu không khéo sẽ mua trúng hạt bàng Côn Đảo nhưng có gốc gác… trên đất liền. Cách phân biệt cũng khá đơn giản, hạt bàng Côn Đảo nhỏ nhắn, thon dài và… "còi cọc" hơn hạt bàng nơi khác.
Dân Côn Đảo trả lời rất gọn cho lý do này: "Cây bàng Côn Đảo chỉ có chừng ấy, khách mỗi lúc một đông, đâu sẵn nhiều hạt đến mức lúc nào cũng có mà bày bán như vậy".
Không chỉ Côn Đảo mà vài nơi khác cũng có bán hạt bàng nhưng theo suy nghĩ chủ quan của tôi, hạt bàng Côn Đảo vẫn ngon hơn cả. Hạt bàng Côn Đảo được bán với giá khoảng 250.000 đồng/gói nửa ký.
Giá mứt hạt bàng khoảng 50.000 đồng một lọ ngọt chừng 200 gram và 60.000 đồng cho lọ mặn cùng trọng lượng. Vào lúc trái mùa, thời tiết khắc nghiệt, mứt hạt bàng có khi lên đến 600.000 đồng/kg mà vẫn không đủ để bán cho du khách.