N.B.T sau 4 năm hành nghề bán dâm ở Macau đã quay trở về VN tìm gái cho “động” của má mì tên Y. theo lời gợi ý của thị. Mỗi cô gái kiếm được, Y. cho T. 300 USD. Lần đầu về VN, T. rủ Th. và H. qua Macau hành nghề mát xa, T. được 600 USD. Còn hai cô gái Th. và H.- thì đi vào con đường bán thân chỉ sau một thời gian ngắn ở Macau. Tiếp đó, T. nhờ người bạn tên A. tìm giúp gái ở VN. Và A. đã giới thiệu N. Một tháng sau, T. về VN đón N. với lời hứa sẽ giới thiệu N. đi làm mát xa. Tuy nhiên, đến Macau, T. nói: “Nơi này không có mát xa, chỉ có bán thân thôi”. Sợ hãi, N. một mực đòi về. T. ra điều kiện, nếu về phải bồi thường 2.000 USD. Biết được thông tin này, gia đình N. đã vay mượn nhiều nơi để có đủ 2.000 USD chuộc N. về nước. Sau đó, gia đình N. làm đơn tố cáo. Ngoài T. và A., trong đường dây này còn có em trai của T., người chịu trách nhiệm mua vé máy bay và làm visa cho các cô gái.
Trước tòa hôm ấy, T. thừa nhận có đưa N., Th. và H. qua Macau nhưng chỉ vì “muốn giúp đỡ” họ. Chuyện bán dâm T. không ép, chỉ gợi ý “ai muốn có nhiều tiền thì làm”. Với tư cách là người bị hại, dù chỉ mới mười tám, đôi mươi, nhưng Th. và H. đã kể lại những tháng ngày lưu lạc ở xứ người rất dạn dĩ, bình thản rồi khẳng định lại, chuyện bán thân là do họ tự nguyện: “Xin HĐXX giảm nhẹ tội cho T. T. không có ý định dụ dỗ chúng tôi. Cũng vì muốn có nhiều tiền hơn nên chúng tôi tình nguyện bán thân. T. không ép buộc...”.
Dẫu biết giữa T., Th. và H. có quan hệ bà con với nhau (cô cậu, bạn dì), nhưng thêm một lần nữa, người dự khán lại ngạc nhiên. Dường như mãi đến bây giờ, họ vẫn chưa ý thức được mình là nạn nhân và là món hàng của bọn buôn người?
HĐXX nhận định, ở VN, N.B.T hoàn toàn không nói rõ chuyện qua Macau bán dâm cũng không nói nếu các cô gái không đồng ý thì phải bồi thường 2.000 USD. Mãi đến khi qua Macau, nơi đất khách quê người, các cô gái không có tiền, không biết tiếng cũng không có giấy tờ tùy thân, muốn sống, buộc lòng phải bán thân. Và như thế, dù T. không có những lời nói ép buộc các cô gái thì họ cũng chẳng còn cách nào khác là đi theo con đường mà T. đã vạch sẵn.
Theo báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm trong hội nghị về phòng chống mua bán phụ nữ toàn quốc diễn ra vào đầu tháng 4-2007. Năm 2006, số vụ buôn bán người được phát hiện tăng 72% so với năm 2005, số người bị hại tăng gần 140%. Trong hai năm 2005-2006, cả nước đã phát hiện 568 vụ, với 1.518 phụ nữ và trẻ em bị lừa bán. VN đang trở thành điểm nóng về tình trạng này.
Dễ hiểu, lợi nhuận cao, làm giàu nhanh chóng là một trong những động cơ khiến nhiều người bất chấp đạo lý, tình người lao vào con đường phạm tội. Hoàn cảnh kinh tế khó khăn và hạn chế về trình độ nhận thức là nguyên nhân khiến các cô gái bị lợi dụng.
Nhưng không chỉ có thế. Một số cô gái từng bị lợi dụng, từng sống đau khổ, nhục nhã trong cảnh cưỡng bức tình dục, lại vì hám lợi trước mắt mà nhẫn tâm quay về VN dụ dỗ, lừa gạt chính người thân, bạn bè của mình (điển hình như N.B.T). Đau lòng hơn nữa khi những cô gái như Th. và H., bị lợi dụng, bị bóc lột tình dục mà vẫn không ý thức được điều đó, vẫn luôn “biết ơn” kẻ đã hại mình. T. bật khóc nức nở khi nghe tòa tuyên án 12 năm tù- mức án cao hơn VKS đề nghị 3 năm. Một cô gái quê ít học như T. có thể đã không ngờ được, hành vi của mình lại bị quy kết là “mua bán phụ nữ” và phải chịu án nặng như thế.
“Còn 15 ngày để kháng cáo”, đôi mắt đỏ hoe, vừa đi nhanh theo T. ra xe tù, Th. và H. vừa nói...