Sáng rằm tháng chạp nhằm cuối tuần, trời lạnh lạnh, tôi đang quấn chăn ngủ nướng thì chuông cửa nhà reo inh ỏi. Mắt nhắm mắt mở ra mở cửa, giật mình khi thấy mẹ chồng hai tay xách hai túi kiệu to đùng đứng ở cửa. Thấy tôi ngạc nhiên, mẹ giải thích: “Bữa nay rằm, làm kiệu là đúng cử. Mẹ đi chợ sớm mua được mớ kiệu Huế củ vừa ngon quá chừng nè. Loại này ngon hơn loại lớn nhiều, nhanh thấm lắm”.
Vừa vô tới nhà, mẹ hối tôi trút kiệu vào cái chậu to rửa cho sạch đất cát rồi lường 5 chén muối hột trộn chung đổ nước vào cho ngập kiệu để ngâm. Mẹ nói món dưa củ kiệu này do bà nội truyền lại, năm nào mẹ làm cũng cỡ 5 ký vừa ở nhà ăn vừa biếu cho cô chín, chị ba, anh Tâm ở xóm.
Để có dĩa dưa kiệu ngon phải bỏ rất nhiều công phu
“Mấy năm trước có mình mẹ, già cả rồi ngồi cắt mớ kiệu nó mỏi lưng quá trời, năm nay có con mẹ giao hết cho con đó”. Tôi ú ớ chưa kịp nói thì gì mẹ dặn tiếp: “Con ráng tập làm để mai này mẹ yếu cũng giữ được nếp nhà. Con đừng mua kiệu ở ngoài nghen, vì không biết người ta có làm thiệt tình như mình không hay bỏ hàn the và chất tẩy trắng, ăn vào mang bệnh thôi”.
Nghĩ tới cảnh ngồi còng lưng làm kiệu tôi ngán ngược nhưng biết làm sao, mẹ chồng đã bảo sao dám cãi lời. Kiệu ngâm được hai ngày, mẹ kêu tôi xả nước nhiều lần cho sạch muối rồi dùng dao tỉa sơ phần rể, ngọn và lột vỏ kiệu. Cuối năm, công việc ở cơ quan tùm lum, về tới nhà mệt nhoài, nhìn đống kiệu tôi muốn khóc quá chừng mà mẹ cứ đi qua đi lại căn dặn: " Con nhớ cắt khéo khéo coi chừng phạm vô phần củ khi làm kiệu không giòn đâu nghen".
Còng lưng vật lộn với mớ kiệu suốt buổi tối tôi bỗng nhớ má quá chừng. Lớn lên đi Sài Gòn học rồi đi làm, có chồng nên năm nào về đến nhà cũng giáp Tết. Về tới đã thấy những hủ củ kiếu trắng ngần trong veo của má, tôi chỉ biết vô tư thưởng thức mà đâu biết má phải thức đêm thức hôm cực khổ thế này.
Cắt xong đống kiệu, lưng tôi như muốn gãy đôi nhưng có được đi nằm ngay đâu, mẹ kêu tôi pha một thau nước với một ít phèn chua, đổ kiệu vào ngâm qua đêm để sáng hôm sau đem ra phơi nắng. Tối tới lại đem thau kiệu vào xả nhiều lần với nước sạch. Thiệt tình tôi không nhớ mình đã xả bao nhiêu lần, chỉ đến khi thấy mấy ngón tay vọp hết trơn mẹ mới nói: “Được rồi đó con!”
Cứ như vậy, cái điệp khúc ngâm kiệu vao nước phèn chua, phơi nắng, xả diễn ra 3 ngày liên tục. Đến ngày thứ 3, sau một hồi hì hục xả sạch mớ kiệu, tôi như muốn xỉu khi mẹ nói: “Vậy là được rồi, con lấy kéo tề phần ngọn và rể kiệu một lần nữa cho đẹp". Vậy là mất vài tiếng đồng hồ ngồi còn lưng cắt kiệu nữa. Nhưng có lẽ đã quen nên lần này lưng tôi bớt đau hơn.
Sau khi để ráo nước, mẹ đem đường cát trắng trộn đều với kiệu. “1 ký kiệu thì tương đương với 200gr đường mà phải là đường trắng kiệu mới trắng nghe con" - mẹ dặn.
Kiệu trộn đường xong đem phơi chừng 2 nắng nữa. Tiếp đó, nấu 2,5 lít giấm hòa với 1 ký đường và 5 muỗng cà phê muối. Mẹ kêu tôi sắp kiệu vào hủ sao cho phần đầu kiệu xoay ra thành lọ cho đẹp rồi đổ nước kiệu đã nguội vào cho ngập.
“Vậy là xong rồi, một tuần là ăn được. Để mẹ đem mấy cái lọ qua, chia ra cho bà con mỗi người một ít” - mẹ nói. Tôi thở phào nhẹ nhõm, bụng thầm nghĩ: “Chắc khi mẹ trăm tuổi con tạm biệt món này mẹ ơi, cực quá con không làm nổi đâu".
Tết năm đó tôi đi ra đi vào xóm, ai gặp cũng khen món dưa kiệu tôi làm khéo quá chừng: Trong veo, trắng tươi, ăn giòn tan mà vừa miệng nữa. Tôi vừa vui vừa xấu hổ vì mình có làm gì đâu, toàn là một tay mẹ “chỉ giáo” đã vậy còn vùng vằng trong bụng, cứ nghĩ mẹ "đì" con dâu.
Mấy năm sau, tôi có hai đứa nhỏ, vừa chăm con vừa đi làm, mẹ thấy tôi bận bịu quá nên một năm, gần Tết, mẹ nói: "Con coi chỗ nào đáng tin tưởng đặt mua dưa kiệu đi con, mẹ già làm hết nổi rồi mà con thì lu bu cực quá”. Biết là cực nhưng tôi vẫn tình nguyện: “Thôi để con làm, nhà làm ăn mới ngon mà mẹ".
Từ khi về làm dâu mẹ cho đến khi mẹ khuất núi, tôi làm dưa kiệu chưa lỗi năm nào, không chỉ làm cho nhà ăn mà còn cho bà con xóm giềng như lúc sinh thời bà hay làm. Tôi giữ cái nếp đó không chỉ vì ngại mua kiệu làm sẵn mất vệ sinh mà vì thích cảm giác bận bịu những ngày giáp Tết, cực thì có cực nhưng mà vui.