Nhắc tới nghề chài lưới của ba, trong mùa nước nổi này, tôi nhớ tới những con cá éc của ba. Đó là những con cá mà những người trung lưu và thượng lưu đều không ai ưa nó nên nó được liệt vào hạng “cá nhà nghèo”. Tuy bủa lưới giăng câu kiếm được khá nhiều tiền, nhưng ba tôi vẫn dành những con cá éc bị người đời dè bỉu cho bữa cơm gia đình thêm phần no đủ.
Cá éc con nhà nghèo, đổi vận nằm trong thực đơn nhà hàng trong mùa nước nổi. Ảnh: T.L
Cá éc thường dính lưới, dính chài, dính câu. Nhưng ba tôi lại có khiếu bắt nó một cách nhàn nhã. Là, chịu khó một lần tiện mấy khúc tre già, thông mắt, đục một số lỗ quanh thân tre rồi cắm chặt bãi bờ sông. Một đêm sáng ngày chỉ việc dỡ ống tre lên là nghe tiếng cá kêu “éc, éc” một cách... đáng yêu! Chính bởi tiếng cá kêu sau khi lên khỏi mặt nước mà người ta đặt tên cá như vậy. Nhìn những con cá ba bắt được, tôi thấy nó giống con cá chép nhưng thân mình dài và thon hơn, lại có những chiếc vảy màu xám đen.
Hồi đó, có cá là má tôi chỉ biết kho hoặc chiên mỡ ăn suông với cơm trắng. Dù thịt cá không mấy ngọt và dai như các loại cá sông khác, nhưng với chén cơm bới ra từ nồi mới nhấc khỏi bếp còn bốc hơi nghi ngút, nóng hổi, anh em tui lúc nào cũng vét sạch chén, cạn nồi.
“Con cá của nhà nghèo” sau hàng chục năm đã thay danh đổi tánh, trở thành “con cá thời thượng” trong mùa nước nổi ở đầu nguồn sông Cửu Long. Được vậy là nhờ tài nghệ của các đầu bếp. Họ đã “hóa thân” con cá éc thành “đặc sản mùa nước nổi”, quyến rũ thực khách nhiều nơi tìm tới thưởng thức. Đó là các món nướng như: Nướng tươi, nướng muối ớt, chiên sả nghệ, chiên tươi dằm nước mắm, đặc biệt là làm chả. Hầu như món nào cũng ăn kèm với bún, rau thơm, dưa leo, chuối chát, khế chấm nước mắm dâm ớt đường theo đúng khẩu vị miền Tây sông nước. Chính nhờ “cái hồn” này mà cá éc dai thơm và ngon, “đổi đời, đổi vận”, chễm chệ trong thực đơn nhà hàng.