Thực tế, Minh Đăng đã được chú ý bởi dự án “Cùng con đi khắp thế gian” mà bạn ấy chia sẻ trong cuộc thi và được đánh giá cao. Đáng chú ý đó là dự án xuất phát từ tình mẫu tử và niềm mong ước đem văn hoá Việt với tà áo dài đi khắp thế giới. Báo Người Lao Động đã có cuộc trò chuyện với Trương Ngọc Minh Đăng - Giám đốc Công ty CP Truyền thông tin tức - nội dung này nhân dịp 20-10, Ngày Phụ nữ Việt Nam.
Phóng viên: Nhiều bạn đọc của Mực Tím trước đây hay các bạn trong giới truyền thông đã khá quen thuộc với gương mặt khả ái, dễ thương của Minh Đăng vì thường xuyên xuất hiện ở trang bìa hay các sự kiện.... Gần đây Minh Đăng lại được nhắc đến với danh hiệu "Trí Huệ Việt". Bạn có thể chia sẻ thêm về danh hiệu này?
Trương Ngọc Minh Đăng: Theo lời của giám khảo chuyên môn - Nhà thiết kế Nguyễn Tiến Doãn: “Danh hiệu Trí Huệ Việt là giải thưởng chính thức do giám khảo chuyên môn trao tặng cho cá nhân, doanh nhân có những đóng góp bằng các dự án cụ thể, nhằm cổ xúy cho cộng đồng vì vẻ đẹp văn hóa Việt Nam. Giá trị giải thưởng được xây dựng trên sự tôn trọng và bình đẳng. Thực tế, em tham gia cuộc thi một phần cũng vì công việc nhưng em cũng rất bất ngờ và vui mừng khi nhận được danh hiệu Trí Huệ Việt do Nhà văn Minh Ngọc và Nhà thiết kế Tiến Doãn - Giám đốc Sáng tạo Thương hiệu thời trang Elasen Paris Saigon - trao tặng.
Em được chú ý và trao giải nhờ dự án “Around The World- Cùng con đi khắp thế gian”. Giá trị giải thưởng không cao nhưng mang giá trị tinh thần rất lớn. Quan trọng hơn là em sẽ dành hết số tiền thưởng này để đưa vào quỹ hoạt động cho dự án của em trong thời gian tới.
Phóng viên: Dự án “Cùng con đi khắp thế gian” cụ thể ra sao?
Dự án “Cùng con đi khắp thế gian” được xây dựng dành riêng cho các bà mẹ yêu thích việc dẫn con đi du lịch. Thông qua đó là cơ hội để dựa trên mong muốn chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm dạy con từ các nền giáo dục uy tín trên thế giới. Đi kèm theo đó là chương trình giao thoa các giá trị văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới thông qua biểu tượng của Việt Nam chính là chiếc áo dài. Đây là một dự án em đã ấp ủ từ rất lâu với mong muốn một ngày nhìn thấy tà áo dài Việt Nam được phụ nữ khắp thế giới ngưỡng mộ và trân trọng.
Em dự kiến sẽ tổ chức thành nhiều phiên bản: phiên bản dành cho trẻ mẫu giáo, học sinh cấp 1, cấp 2 và cấp 3. Mỗi chuyến đi sẽ có 12 cặp mẹ con, đi 12 quốc gia, tại mỗi quốc gia sẽ được học 3 bài học về sự thành công trong nền giáo dục, kèm theo đó là lịch trình khám phá những nền văn hóa và du lịch của quốc gia đó để giới thiệu đến khán giả tại Việt Nam trên kênh Youtube và truyền hình.
Đặc biệt, trong lịch trình, Minh Đăng cũng mong muốn mang chiếc áo dài - biểu tượng của Việt Nam trong suốt hành trình giao thoa văn hóa với các quốc gia. Chiếc áo dài gắn liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam: thướt tha, mềm mại, nền nã, dịu dàng.
Dự án đã nhận được sự đồng ý hỗ trợ về trang phục áo dài từ nhà thiết kế Tiến Doãn - Giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang Elasen Paris Saigon, hứa hẹn sẽ mang đến cho những cặp mẹ con những bộ trang phục vừa thể hiện tinh thần văn hóa Việt Nam, vừa giao thoa với nền văn hóa của từng quốc gia mà chương trình đặt chân đến. Hiện nay, em đang lên ý tưởng cho những bộ áo dài này và hi vọng sẽ giới thiệu đến công chúng trong thời gian ngắn sắp tới.
Phóng viên: Nghe qua đã hấp dẫn và rõ ràng là dự án của em sắp thực hiện là nhằm cổ xuý cho phụ nữ đi chơi nhiều, du lịch nhiều?
Phụ nữ Việt Nam vốn dĩ luôn đặt gia đình lên trên những nhu cầu riêng của bản thân, em tin rằng với ý nghĩa của chương trình, người phụ nữ Việt Nam sẽ nhận được thêm nhiều kiến thức hơn, mở rộng những mối quan hệ của mình, giảm stress và qua đó, họ sẽ chăm sóc gia đình tốt hơn, có phương pháp dạy con khoa học hơn để góp phần xây dựng cho các tài năng Việt Nam ngay từ tấm bé. Bên cạnh đó, em cũng mong muốn thế hệ trẻ sẽ hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa của Việt Nam khi tham gia vào chương trình này.
Phóng viên: Vì sao lại là "Cùng con đi khắp thế gian" mà không là một ý tưởng nào khác?
Em đã từng chia sẻ trên facebook cá nhân về việc em đã rất buồn sau khi bác sĩ kết luận con em bị chứng khó tiếp xúc. Em nghĩ đó liệu có phải là hậu quả của việc trợt chân té ngã ở tuần thứ 33 của thai kỳ, khi ấy bác sĩ yêu cầu mổ lấy thai, em đã không đồng ý dù cho bác sỹ đã bảo: “Nếu cô không nhập viện sinh con lúc này, chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm nào về sự an toàn của đứa bé nữa!”.
Và rồi con em sinh ra, trông có vẻ bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến khi bé 8 tháng, em mới biết con mình dị ứng hoàn toàn với sữa, chỉ có thể tiếp nhận sữa mẹ. Con em bú sữa mẹ cho đến khi 33 tháng và bé chỉ nói được vài từ.
Trong suốt thời gian ấy, em đã buồn khổ, có khi khóc lóc... Trong thời gian ấy, em nhận được lời khuyên từ một người bạn rằng hãy cho con đi du lịch và tiếp xúc đa văn hóa, bé sẽ phát triển hơn. Cũng là một người yêu thích những chuyến đi, vậy là hành trình đi của em bắt đầu. Em đã sắp xếp thời gian và dẫn con đi 8 nước khác nhau và đi từ Nam đến Bắc chỉ trong vòng 2 năm. Khi đó em phát hiện con em thay đổi, từ những nơi và địa điểm, văn hoá khác nhau mà con em đã tiến bộ hơn, dễ tiếp xúc và hoà nhập hơn nên em nghĩ dẫn con đi nhiều nơi là điều thú vị và cũng là điều mà các bà mẹ cần có.
Phóng viên: Để thực hiện dự án, nguồn kinh phí sẽ như thế nào vì thực tế đi khắp thế gian rất tốn kém?
Nguồn kinh phí dự kiến để em thực hiện chương trình này đến từ 3 nguồn chính: từ nhà tài trợ, từ phía các quốc gia thông qua các Tổng cục du lịch và một ít từ chính người tham gia chương trình… Đặc biệt, em cũng rất mừng là nhờ tập trung vào giáo dục và phát triển văn hoá nên dự án của em đã nhận được sự quan tâm từ UNESCO- CEP. Với sự đồng hành này em tin dự án sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà tài trợ và đông đảo người tham gia. Chương trình sẽ có đợt đăng ký cho các cặp mẹ con tham gia thông qua cuộc thi nhỏ. Sau đó, cặp mẹ con được chọn sẽ được học kỹ năng khi đi du lịch, ngoại ngữ, khả năng xử lý tình huống, văn hoá lịch sử Việt Nam…. Em kỳ vọng dự án chính thức khởi động vào tháng 4 năm sau.
Em cũng mới nhận được tin vui là dự án của em chính là nhật ký sinh động, ghi lại tất cả những khoảnh khắc đẹp nhất của tình mẫu tử trong suốt chuyến đi. Cò lẽ vì đồng cảm, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã đồng ý cho em dùng nhạc phẩm "Nhật ký của mẹ" để đi cùng.
Phóng viên: Cảm ơn người mẹ trẻ- doanh nhân Trương Ngọc Minh Đăng về cuộc trò chuyện thú vị. Có lẽ những bà mẹ đều mong muốn có được những hành trình thú vị cho cuộc đời và cho những đứa con của mình.