Từ một vùng đô thị đậm đặc bản sắc của 5 cộng đồng cư dân người Hoa với Quảng Đông, Triều Châu, Hải Nam, Khách Gia (Hẹ), và Phước Kiến… sự đa dạng ấy khiến Chợ Lớn nổi tiếng ở thập niên những năm 1960 – 1970 đến mức giới nhà giàu Hồng Kông dịp cuối tuần thường đáp máy bay xuống Sài Gòn, vào Chợ Lớn chỉ để thưởng thức những món ngon không dễ tìm thấy ở các cộng đồng Hoa kiều khác trong khu vực.
Với lợi thế phát triển về kinh tế cùng sự tương trợ lẫn nhau của các bang hội người Hoa, nền tảng này đã hình thành sự hưng vượng, giàu mạnh cho cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Từ đó kéo theo sự phát triển các công trình đô thị phục vụ nhu cầu sử dụng, ăn ở, sinh hoạt, cả về đời thường lẫn nhu cầu tâm linh.
Kiến trúc Pháp - Hoa, với công năng tầng dưới làm nơi buôn bán, tầng trên để ở.
Hệ thống đền miếu, hội quán được tạo lập, chính là điểm kết nối hoàn hảo giữa thế hệ đi trước và người đến sau, giữa cộng đồng bang phái này với bang phái khác. Mối dây liên kết chặt chẽ, tương thân tương ái ấy đã sản sinh ra một vùng đô thị đặc biệt, phát triển mạnh mẽ sát bên đô thành Sài Gòn.
Có thể thấy ở Chợ Lớn sự phát triển song song của hai hình thái đô thị một cách rõ nét. Bên là hội quán, chùa miếu với bề dày lịch sử như đình Minh Hương Gia Thạnh - mái đình đầu tiên của người Hoa hình thành ở Chợ Lớn từ 1789, hay Nhị Phủ Miếu, Hội quán Tuệ Thành, Nghĩa An, Tam Sơn…, những công trình cổ vừa mang mục đích thờ tự, tín ngưỡng, vừa là điểm kết nối cộng đồng. Nhờ vậy qua hết đời nọ đến đời kia, bản sắc của việc tế lễ, thờ cúng, hội hè, đình đám… mỗi bang hội vẫn có những nét độc đáo, khác biệt rõ nét.
Nhiều công trình cổ ở Chợ Lớn ngày càng xuống cấp, bị bỏ quên theo thời gian.
Một góc độ phát triển khác của Chợ Lớn, ngoài các công trình cổ, phục vụ tín ngưỡng, thờ cúng tâm linh, các công trình nhà ở, công trình phục vụ an sinh xã hội như bệnh viện, chợ, các dãy phố lầu được xây mới theo kiểu hiện đại, phục vụ mục đích kinh doanh, làm ăn buôn bán.
Đề cập đến loại hình kiến trúc Pháp - Hoa này, ông Trần Hữu Phúc Tiến (tác giả chuyên viết về di sản và lịch sử) nhận định: "Đây là hình thái kiến trúc rất đặc biệt, mọi người hay gọi đó là nhà Tây, là kiến trúc thuộc địa, nhưng nếu quan sát và phân tích kỹ chi tiết, yếu tố Tây chỉ là tổng thể, còn lại là những hình thái phục vụ nhu cầu sử dụng, công năng, tập tính sinh hoạt… đều mang phong cách của người Hoa".
Từ đó, ông Phúc Tiến định danh thành một dòng kiến trúc mới, được gọi là: "Kiến trúc Hoa-Pháp".
Một góc phố thuốc bắc Hải Thượng Lãn Ông thuộc dự án bảo tồn phố cổ Chợ Lớn.
Xét về tính cộng đồng, người Hoa ở Chợ Lớn cũng là một cộng đồng Hoa khác biệt, từ tập tính sinh hoạt đến không gian quy hoạch kiến trúc phố thị. Khi hỏi về vấn đề này, TS-KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho biết: "Người Hoa khi đi ra thế giới, họ hình thành các cộng đồng. Khi nói đến bản sắc quy hoạch kiến trúc, cần nghiên cứu sâu tổ chức cộng đồng, vì việc hình thành và phát triển những công trình, những hạ tầng, thực sự do nhóm người đã thành công nơi đất mới, họ bắt đầu đầu tư, giúp đỡ, lôi kéo anh em bạn bè đồng hương, quần cư lại với nhau, thành khu đô thị. Trở lại vấn đề Chợ Lớn, bản sắc người Hoa ở đây khác với cộng đồng khác trên thế giới, đó là họ rất gắn bó với người Việt".
Nhìn lại những khu phố người Hoa từ Vancouver của Canada, London của Anh, đến thành phố lớn của các nước lân cận trong khu vực như Bangkok, Singapore, Jakarta, Kuala Lumpur, Penang… đó chỉ là sự tập hợp của cộng đồng, đô thị được hình thành, nơi người Hoa nói ngôn ngữ riêng của họ, đi siêu thị mua đồ theo phong vị riêng, nói như KTS. Nam Sơn, là nó gợi về hình ảnh "một đô thị với quốc gia trong một quốc gia". Chợ Lớn thì khác.
Không gian sống của người Hoa ở Chợ Lớn.
Chỉ có điều, những cái hay, cái đẹp của Chợ Lớn - đặc biệt ở diện mạo đô thị, dường như đang ngủ quên khi có nhiều công trình, dãy phố, di tích… xuống cấp trầm trọng. Bởi nhiều nguyên do, trong đó có nguyên nhân khách quan được KTS. Nam Sơn chia sẻ: "Để bảo tồn được các công trình cổ của Chợ Lớn, cần có sự tham gia và chỉ đạo của Nhà nước. Thực sự cộng đồng người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn hôm nay không mạnh như hồi xưa, sau những biến đổi về kinh tế, thời cuộc. Nhiều tầng lớp khá giả, giàu có của họ đã ra đi.
Nếu muốn nâng cao giá trị bản sắc của Chợ Lớn, cần có chính sách khuyến khích người Việt gốc Hoa thành công, đóng góp những công trình giá trị cho Chợ Lớn. Ví dụ trong lịch sử, Chú Hỏa thành công khi đóng góp công trình mà nay là di sản, là điểm nhấn của thành phố như Bệnh viện Từ Dũ, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, cụm nhà khách Chính phủ ở Lý Thái Tổ… Từ đó, hy vọng những doanh nhân người Hoa giàu có ngày nay cũng sẽ đóng góp những công trình mang ý nghĩa như vậy".
Mặt tiền một nhà phố đặc trưng của người Hoa, với lối kiến trúc ở nửa đầu thế kỷ XX.
Nói đến câu chuyện bảo tồn, là người từng tham gia bảo tồn dự án phố cổ Tân Thiên Địa ở Thượng Hải, với ưu tiên quy hoạch, giữ lại các công trình trọng điểm, phục vụ bảo tồn, nhưng vẫn có không gian cho phát triển kinh tế, KTS. Nam Sơn chia sẻ: "Ở đây nảy sinh hai vấn đề, đó là tầm quan trọng của bảo tồn và lợi ích kinh tế của bảo tồn. Nhiều nhà đầu tư ở Việt Nam nghĩ rằng bảo tồn không có lợi, nhưng thực ra bảo tồn đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn. Có dịp đến những thành phố nổi tiếng trên thế giới, những khu vực cao cấp nhất, những khu vực hút khách du lịch nhiều nhất, sẽ thấy khách đến tiêu tiền nhiều nhất không phải nhà cao tầng hiện đại, mà ở khu vực lịch sử, như Paris, Thượng Hải, Rome, Montreal…
Có dịp làm việc với Thượng Hải, tôi nghiên cứu quy hoạch khu phố Đông là khu đô thị hiện đại, khu phố Tây cũng hiện đại nhưng ưu tiên cho bảo tồn, giữ gìn. Ở phố Tây tôi cùng tham gia thiết kế khu Tân Thiên Địa, đây là khu vực có những công trình nhà cổ khoảng hai tầng, rộng vài chục hecta.
Có nhiều đề xuất từ trước là xóa sạch, xây mới, khi công ty chúng tôi vào làm, không xóa, mà tạo nên cảnh quan, thêm cảnh quan, giữ nguyên nhà cổ một khu vực và nâng cấp hạ tầng, khu vực gần đó đào hồ, làm công viên, không gian còn lại làm nhà cao tầng. Cho thấy giải pháp vừa bảo tồn, vừa phát triển, vừa tạo cảnh quan, rất hiệu quả. Gần đây có những tổng kết của thành phố Thượng Hải, cho thấy lợi nhuận tính trên mét vuông của khu Tân Thiên Địa, cao hàng đầu Thượng Hải, cho thấy rằng đó là hướng đi đúng. Điều thú vị là Thượng Hải rất giống với TP.HCM".
Nếu chúng ta học được bài học từ những đô thị như câu chuyện Thượng Hải, việc bảo tồn, phát triển một khu đô thị như Chợ Lớn, hay khu trung tâm Sài Gòn hiện nay, hẳn không là điều nan giải. Và đô thị đặc sắc như Chợ Lớn, đang từng ngày chờ một phép mầu để… hồi sinh.