Chị ơi Hạnh Dung ơi,
Ngày nào em cũng đánh con. Nhà có 2 thằng con trai. Ngày chưa vào học chúng đã nghịch như quỷ sứ. Từ khi học online, chúng tranh giành máy móc, cãi cọ tập vở, giấy bút... Thần kinh của em không còn bình thường nữa. Vào lớp, chúng vừa không học, vừa chọc phá nhau. Em phải bỏ công việc bán hàng của mình để canh hai con. Mới học mấy hôm đã hư điện thoại 2 lần, đi sửa mất vài triệu thay màn hình đó chị. Hỏi làm sao em không stress.
Bạn bè nói em cố nhịn, cứ kệ cho con tự va chạm mà lớn lên, nhưng em nhìn thấy chúng hư hỗn với nhau, hư hỗn với mẹ thì sợ quá, em la mắng rồi lại cáu giận và mất kiểm soát. Em chỉ chia sẻ vậy thôi, chứ em biết chị sẽ lại nói em phải bình tĩnh, phải kiên nhẫn, phải yêu thương con. Những điều ấy em biết hết, nhưng em không làm được.
Hoàng H. (Q.9, TPHCM)
Em Hoàng H. thân mến,
Đây là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn với rất nhiều người, từ trẻ con, người lớn cho đến người già. Lo sợ bệnh tật, lo lắng về kinh tế, thay đổi về cách sinh hoạt... Hầu như ai, đối tượng nào cũng gặp những áp lực riêng của mình. Và càng khó khăn hơn khi ai cũng chỉ nhìn thấy mình đang căng thẳng, mệt mỏi mà không nhận ra sự chịu đựng, khổ sở, bực bội của người khác.
Ảnh minh họa
Những người làm cha làm mẹ, trụ cột gánh vác kinh tế gia đình chắc chắn là những người mệt mỏi nhiều nhất, Hạnh Dung hiểu điều đó, và hiểu tâm trạng của em, cảm giác vượt ngưỡng chịu đựng mọi chuyện của em khi vừa không thể làm việc kiếm tiền, vừa lo cho các con, vừa nhìn thấy những hư hỏng, tổn thất tiền bạc vì việc học online của con.
Tuy nhiên, các con của em cũng đang gặp những vấn đề về tâm lý vì phải thay đổi cách học hành, vì bị bó cột chân tay ở nhà, không được giao tiếp bạn bè bình thường, không được chạy chơi thoải mái. Các con ngồi vào bàn học online trong một tinh thần không hề thoải mái như thế, những giờ học có thể cũng không thú vị vì thầy cô chưa có kinh nghiệm dạy online.
Giống như người lớn, trẻ em khi gặp khó khăn trong tâm sinh lý của mình thì sẽ có những cách tự giải quyết khác nhau nếu không được người lớn hiểu và giúp đỡ. Có những đứa gần như trầm cảm, né tránh, lầm lì, không chịu trò chuyện. Thậm chí có những trường hợp kỳ lạ như các cháu... ăn và ăn rất nhiều, vừa ăn vừ lo sợ mình sẽ mập lên, đi học lại sẽ bị trêu chọc...
Riêng các con em, có thể chúng chọn cách giải phóng những ức chế, bực bội đó bằng cách cãi cọ nhau, tranh giành nhau, thậm chí bướng bỉnh, không nghe lời mẹ. Những biểu hiện đó của các con không có nghĩa là chúng hư hỗn với nhau hay hư hỗn với em đâu. Em đã giải phóng những ức chế của mình bằng cách... đánh con, còn các con em thì là cách... phá phách và cãi cọ.
Khi có thể hiểu được những nguyên nhân khiến các con có những hành động mà em không thể nào hiểu và bỏ qua được, em sẽ tìm ra cách nói chuyện với con, giúp con nói ra được những gì các con không thích, không muốn làm.
Khi trẻ đã tự nói ra được thì trẻ sẽ bắt đầu dựa vào chúng ta để giải quyết các vấn đề mà chúng đang gặp. Kết nối được với các con sẽ giúp mẹ và con cùng tìm ra cách giải quyết vấn đề, tìm ra những thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất tốt hơn để mọi việc nhẹ nhàng hơn.
Điều quan trọng nhất, em đừng áp đặt lên hành động của các con những suy nghĩ của mình. Đánh con chính là một cách em thể hiện sự trừng phạt những khó khăn của các con, và vì thế những khó khăn sẽ chồng lên khó khăn, chứ không thể tháo gỡ được gì.
Thay vì nóng giận lên, ngay khi muốn đánh con, ép con phải ngồi yên học, em hãy cho các con nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh xa khỏi em, thoải mái xem ti vi hay chơi trò chơi gì đó với nhau, để cho chính em được ngồi yên một mình và lắng xuống.
Đừng vội kết luận mình không thể bình tĩnh, không thể kiên nhẫn khi chưa thử mọi cách, kể cả việc thả lỏng cho ba mẹ con một vài giờ để trò chuyện theo cách hết sức bình đẳng về những việc không thể không làm, như là con không thể không học và mẹ không thể không kiềm chế bản thân. Cả hai bên cần phải hợp tác cùng với nhau. Trẻ con rất thích được thỏa thuận một cách công bằng. Em hãy thử nhé.
Chúc em và các con tìm được cách hiểu và thông cảm với nhau, để cả mẹ và con đều vui.