Tôi nhớ xuân xưa là những háo hức mong đợi đến ngày mồng 10 tháng chạp, ngoại tôi khai trương lò tráng bánh, để được ngấu nghiến những chiếc bánh ướt đầu tiên nóng hổi, béo ngậy thơm lựng.
Tôi nhớ xuân xưa những ngày lon ton theo má ra đám rẫy trước nhà, vạch tìm cắt những trái bí đao già da nổi móc trắng, nhổ đám gừng, rồi hì hục trèo hái dừa rám đem vô mấy má con lụi hụi làm các loại mứt truyền thống. Mỗi khi nắng lên đem những thau mứt ra ngoài sân phơi, thì len lén véo vài miếng bỏ vào miệng ăn vụn, đã dễ sợ! Ở xóm tôi nhà nhà làm mứt tết, mấy ngày tết đến thăm nhà nào cũng đem nó ra đãi. Rồi giống như một sự bình chọn nhà nào làm khéo nhất, khi: Miếng mứt bí giòn tan, trắng trong khi ăn tan hết xác trong miệng, mứt gừng thì vẫn giữ được độ cay và tan hết bã, mứt dừa vừa dẻo vừa trắng còn độ béo…
Tôi nhớ xuân xưa khi mà nhà trường cho nghỉ tết, đám trẻ con quê bọn tôi kéo nhau ra thị trấn ngồi chầu chực cả ngày trời để uốn tóc, khi về nhà đầu đứa nào đứa nấy xoắn tít, hôi rình mùi thuốc uốn. Bị người lớn trêu là những cái đầu “bắp cải”, nghe mắc cỡ gần chết. Vậy chứ tết năm sau nữa vẫn cứ háo hức đi làm tóc mới.
Tôi nhớ xuân xưa là những lần theo má đi chợ tết ở chợ nổi trên sông, những chiếc ghe chòng chành giữa dòng nước cặp san sát nhau, mua bán tấp nập đủ các mặt hàng tết, nào là: Dưa hấu, các loại lagim, trái cây chưng tết: Mẵng cầu, đu đủ, xoài, sung; còn nào là hoa: vạn thọ, cúc, hướng dướng, mồng gà… đủ màu sắc. Lối 26 hay 27 tháng chạp năm nào nước cũng cạn sát lòng sông, khi đi chợ về xúm nhau bì bõm lội sình vận chuyển hàng hóa lên bờ, ta nó mệt muốn bở hơi tai nhưng vui gì đâu.
Tôi nhớ xuân xưa, cứ tờ mờ sáng ngày 28 tết má tôi thức thật sớm để qua bên lò heo chọn mua những miếng thịt vừa ra lò còn nóng hổi, mang về phân loại chế biến các món ăn cho ba ngày tết: Nạc đùi gọ má làm nem, ba rọi một phần cắt miếng vuông để tàu, phần để luộc cuốn bánh tráng; thị nách má làm món bì, lạp xưởng; chân giò má làm món hon nước dừa; phần thịt vụn thì băm nhỏ dồn khổ qua…
Cả nhà làm quần quật từ sáng đến tối mò mới xong, ai cũng rên cái lưng của mình mỏi nhừ vì ngồi cả ngày trời. Nhưng mà tôi mê nhất là khâu cùng thử thức ăn với má, chẳng hạn như món nem sau khi quết thịt nhuyễn bỏ gia vị vào nhồi cho đều, má kêu tôi lấy một miếng nắn vào chiếc đũa đem ra bếp lửa than nướng để má thử coi vị vừa chưa, lúc nào tôi cũng được má chừa cho một miếng bé tẹo bỏ vào miệng nhai nhóp nhép, ngon tuyệt vời.
Tôi nhớ xuân xưa là những ngày cận kề tết, cậu út tôi tháo bờ bao bắt tôm cá nhiều vô số kể. Tôm càng xanh to bằng cầm tay nhảy đành đạch đem về luộc hoặc chấm muối tiêu ngọt lịm, còn cá lóc thì nướng trui cuốn bánh tráng ngon hết sẩy luôn.
Tôi nhớ xuân xưa vào ngày 30 tết mấy má con ngồi quầy quần gói bánh tét, khi nếp và nhưn thừa tụi tôi xin má để gói những chiếc bánh bé xíu xui, để được phồng mũi vì nghe người lớn khen là khéo tay. Rồi trong lúc cả nhà thức canh nồi bánh tét và chờ đến giờ đón giao thừa, được nghe má kể những câu chuyện, tục ăn tết thời xa xưa nữa .
… Giờ đây thực phẩm ngày tết được bán đầy ắp, chỉ cần ra chợ hoặc siêu thị thì nhà chẳng còn thiếu thức gì. Dù đã xa quê nhiều năm, tết nay mọi thứ đều đã thay đổi giản tiện đi rất nhiều, nhưng mỗi lần năm hết tết đến, những ký ức về những ngày xuân xưa, khi gia đình còn đầy đủ ông bà cha mẹ cứ ùa về da diết trong tôi không thể nhạt nhòa.