TAND huyện Châu Thành , tỉnh Tiền Giang vừa xử sơ thẩm, tuyên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh T. đối với chị G.
Trong đơn ly hôn và tại phiên tòa, anh T. tha thiết trình bày anh chị đến với nhau và chung sống từ năm 2000 và có đăng ký kết hôn đúng quy định. Cuộc sống gia đình hạnh phúc thời gian đầu nhưng cho đến khoảng đầu năm 2015 thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.
Anh T. nói rằng nguyên nhân là do chị G. thường xuyên đi uống rượu, hay đi khuya và không có trách nhiệm với gia đình, với chồng con.
Anh kể: “Mâu thuẫn ngày càng trầm trọng nên chúng tôi đã sống ly thân từ năm 2015 cho đến nay. Mặc dù tôi đã nhiều lần chủ động muốn hàn gắn nhưng G. vẫn không thay đổi thói quen xấu mà cứ trượt dài để sự việc thêm trầm trọng. Đến nay thì tình cảm giữa tôi và G. không còn gì nữa, không thể níu kéo…”.
Từ đó anh T. làm đơn gửi ra TAND huyện yêu cầu được ly hôn với chị G. Về con chung, anh yêu cầu được tiếp tục nuôi dưỡng cháu bé và không yêu cầu chị G. phải cấp dưỡng nuôi con. Về tài sản chung và nợ chung không có nên anh T. không yêu cầu tòa giải quyết.
Quá trình thụ lý giải quyết vụ án, chị G. không hợp tác, không quan tâm đến việc chồng làm đơn xin ly hôn. Đến khi có thông báo đưa vụ án ra xét xử, dù đã được tòa án triệu tập hợp lệ nhưng chị G. không đến tham dự phiên tòa nên HĐXX tiến hành xét xử vắng mặt chị.
HĐXX nhận định theo lời trình bày của anh T. thì giữa anh và chị G. đã phát sinh mâu thuẫn từ năm 2015 cho đến nay vì chị G. thường xuyên uống rượu và đi về khuya nên không quan tâm đến chồng, con.
Bản thân anh T. xác định không còn tình cảm với chị G. và khả năng hàn gắn để vợ chồng đoàn tụ cũng không còn. Thực tế anh chị chính thức ly thân từ năm 2015 cho đến khi tòa án xét xử.
Ngoài ra, tại biên bản lấy ý kiến của tòa đối với mẹ anh T. thì bà này cũng cho rằng chị G. thường xuyên uống rượu và đi về khuya nên vợ chồng thường cự cãi. Do đó, HĐXX cho rằng mâu thuẫn giữa vợ chồng anh T. đã đến mức trầm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài.
Dù trong suốt quá trình giải quyết vụ án, tòa án đã tống đạt triệu tập hợp lệ từ giai đoạn hòa giải cho đến xét xử nhưng chị G. vẫn không đến và không có văn bản nào để trình bày ý kiến của mình. Việc này chứng tỏ chị G. không có cố gắng hàn gắn tình cảm với anh T. để vợ chồng đoàn tụ, tiếp tục chung sống với nhau.
Tại phiên tòa HĐXX cũng đã tốn nhiều thời gian động viên anh T. cho chị G. cơ hội để vợ chồng đoàn tụ, chăm lo cho con nhưng anh T. vẫn một mực cương quyết xin ly hôn.
Vì thế HĐXX chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của anh T. và tuyên giao con chung cho anh T. nuôi dưỡng, chị G. không phải cấp dưỡng nuôi con.