Xanh ngắt. Cái màu xanh ấy làm dịu mát cả mùa hè đổ lửa, quất quýt cùng tôi đi qua bao năm tháng. Từng lá chất chồng, đỡ đần vươn lên thành từng bụi, từng rặng rồi thành cả hàng rào ngăn nhà này với nhà kia.
Và món canh thân thương đã gắn bó với biết bao lớp người từ già đến trẻ, gây nhớ thương mỗi lần xa xứ, làm sống dậy bao kỷ niệm thuở thiếu thời là canh lưỡi rồng.
Ai muốn ăn chua thì hái lưỡi rồng vào buổi sáng và trưa, ai không thích vị chua thì nhất định phải hái vào buổi chiều. Tôi cứ thắc mắc hỏi má vì sao kỳ lạ như thế, má cười nói rằng “lưỡi rồng dị ứng” với mặt trời, chỉ khi nào mặt trời đi ngủ nó mới hết chua”, và tôi đã tin như thế.
Thường hái tầm một chục lá lưỡi rồng non là đã đủ cho một nồi canh. Chưa bao giờ sơ chế loại nguyên liệu nào mà vất vả như lưỡi rồng, thấy má tỉ mẩn ngồi gọt hết gai là tôi cứ chép miệng: “Lâu quá!”.
Gọt, rửa sạch sau đó lựa những miếng có kích cỡ xem xem nhau cầm trên tay và xắt nhỏ. Ai cắt lần đầu sẽ bị trượt liên tục vì không quen với cái nhơn nhớt của loại cây này. Cắt xong rồi rải ra rổ đem ra hong nắng một lát cho héo, làm vậy khi nấu sẽ đỡ nhớt.
Lưỡi rồng dễ tính, nấu được với tất tần tật các loại cá biển. Chỉ cần làm sạch cá, ướp, đợi nước sôi cho cá vào nấu chín, nêm nếm chút muối và bột nêm cho vừa ăn đợi sôi lại rồi cho lưỡi rồng vào. Canh sôi bùng lại lần nữa, nước trong nồi đặc và sền sệt như món súp là canh chín.
Bên mâm cơm chiều, chị em tôi tranh nhau chan canh, chẳng cần dùng đũa, cứ cầm chén lên mà húp, cả cơm lẫn canh cứ trôi tuột xuống tận bụng, chẳng cần nhai. Quả thật là món canh của những người lười biếng.
Từng sợi lưỡi rồng giòn sần sật trên đầu lưỡi làm sướng rơn cả người. Với đũa gắp thêm miếng cá vừa mềm vừa ngọt bỏ vào miệng là tròn vị. Bữa cơm nào có canh lưỡi rồng, Má chẳng cần nấu gì thêm, chỉ cần chén nước mắm nguyên chất để chấm cá là đủ để chúng tôi cười tít mắt và no căng bụng.
Lâu lâu không thấy Má nấu canh lưỡi rồng là chị em tôi lại thèm quay quắt. Cực nỗi, mùa mưa lưỡi rồng chẳng mọc lá non, chỉ xanh tươi vào những ngày nắng nên chúng tôi cứ chép miệng mà thòm thèm.
Cái món canh nhơn nhớt ấy trở thành vũ khí bí mật mà bà ngoại mách với má khi chị em tôi bắt đầu ăn cơm nhai vì nó làm cho những đứa trẻ dù biếng ăn đến mấy cũng trở nên ngoan ngoãn. Đút muỗng nào là nuốt ngay muỗng đó cứ y như có phép màu, chẳng cần ỉ ôi dỗ dành hay nổi nóng đét đít.
Món canh ấy trở thành đặc sản để đãi khách của nhà tôi. Lần đầu nếm, những vị khách cứ mà nhăn lấy mặt vì vừa nhớt vừa lạ, cả nhà tôi lại được dịp cười. Tôi nói: “Chú cứ ăn đi, ngon lắm, chỉ ở nhà con mới có, sau này về Sài Gòn sẽ thương nhớ cho coi.” Thật vậy, vài năm sau lúc ghé qua nhà, họ lại nằng nặc đòi ăn canh lưỡi rồng.
Ghiền ăn vậy nhưng tôi sợ và ghét gai trên cây lưỡi rồng. Mỗi khi đâm vào đầu ngón tay thì nhổ mãi chẳng ra, khó chịu, ngứa ngáy vô cùng làm tâm trạng trở nên cáu bẩn. Lúc ấy, Má lại dỗ ngọt và nhẹ nhàng nhổ ra.
Tôi nhớ những buổi chiều tà, cắp rổ líu ríu chạy theo má đi hái lưỡi rồng về nấu canh. Tôi nhớ hai lúm đồng tiền của má sâu hoắm mỗi khi cười vui với dì hàng xóm bên rặng lưỡi rồng. Giờ, bước chân của Má đã vĩnh viễn lưu dấu nơi miền ký ức, tiếng cười cũng đã tan vào dĩ vãng.
Món canh bình thường nơi xứ “Nẫu” trở thành nỗi nhớ cứ ám ảnh tôi suốt những năm tháng xa nhà. Nó da diết, cồn cào để mỗi lần về lại quê, tôi cứ đảo mắt kiếm tìm rặng lưỡi rồng thân quen để được nhìn lại một dáng hình thân thuộc. Đâu đó vọng lại tiếng cười của những ngày hạnh phúc làm cay cay nơi khóe mắt.