Từ quê lên Sài Gòn trọ học, ba má cho mỗi tháng đôi ba trăm ngàn, trong đó gần một nửa chi tiền nhà trọ, điện, nước. Một nửa còn lại là tiền quỹ lớp, giáo trình, bút, tập, gởi xe và ăn uống. Học là ưu tiên hàng đầu nên cái khoản dành cho ăn uống luôn được tính đến sau cùng. Mà sinh viên tỉnh, đứa nào cũng nghèo như nhau, được vào đại học là mừng rồi nên thở không khí mà sống cũng thấy vui.
Mỗi ngày học hai buổi nên buổi trưa hầu hết ở lại trường. Trường có căn tin nhưng có lẽ cái xóm nhà lá bọn tôi suốt 4 năm đại học chưa từng ghé vào, đơn giản vì sợ viêm màng túi. Chỗ của bọn tôi là cổng trường với đủ thứ hàng rong: Bún gạo, chè, canh bún, xôi,… mà chỉ với 3.000 đồng là có một bữa no nê. Trong đó, canh bún là món mà cả bọn lê la thường xuyên.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Canh bún, còn gọi là bún đỏ vì chị bán hàng cho màu điều vào nồi nước dùng gồm cà chua, đậu hủ, huyết heo, chả cua rồi cho cọng bún lớn, loại dùng để nấu bún bò vào nên tất cả đều nhuộm một màu đỏ cam rất bắt mắt. Trong khi ở một đầu quang gánh là nồi canh bún đặt trên lò than liu riu thì đầu gánh còn lại để mắm tôm, ớt bằm, rau muống luộc và chén đũa các loại.
Trưa tan học ra cổng trường đã thấy chị ngồi đó chờ sẵn với mấy cái ghế thấp lè tè để quanh quang gánh, cả bọn chỉ việc sà xuống. Một tay với lấy tô, một tay dùng đôi đũa dài vơ mớ bún chìm dưới nước, chị trút bún vào tô rồi chặn, ngắt, chia từng tô đều như đếm.
Gắp vào mỗi tô 2 miếng đậu hủ, chả cua, huyết, cà, nhúm thêm mớ rau muống luộc, chị chan nước dùng rồi điểm cho nó chút hành, ngò, mắm tôm, nước me, ớt và trao cho từng đứa một.
Cọng bún được ninh lâu trong nước dùng trở nên đậm đà và dịu dàng đến lạ. Huyết mềm, đậu hủ xốp, chả cua mịn màng kết hợp với vài cọng rau muống luộc sơ giòn rụm và chút nước dùng thoang thoảng mùi mắm tôm làm những cơn sóng ầm ào trong những cái bụng lép kẹp của đám sinh viên nghèo bỗng chốc chỉ còn gợn lăn tăn. Chị bán hàng biết đám sinh viên cũng nghèo như mình nên không hà tiện khi đứa nào ăn khỏe xin thêm chút nước, mớ rau độn thêm cho đầy bụng.
Sau bữa mặn, nếu rủng rẻng cả bọn lại kéo nhau vây xe chè của chị gái người miền Trung, giá mỗi ly chỉ 1.000 đồng. Còn không cả nhóm hùn nhau mua mớ trái cây ướp lạnh ăn cho mát ruột.
Giàu có thì sinh lễ nghĩa còn nghèo thì chẳng phát sinh gì cả. Với nhiều người, một bữa ăn phải có chỗ ngồi đàng hoàng, mát mẻ, hợp vệ sinh nếu không thì ăn không vô hoặc bị chột bụng. Nhưng với chúng tôi, nắng, mưa, khói bụi, không đủ tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm hay chuyện thanh tra giao thông quét qua làm cả đám phải bưng tô chạy tan tác chẳng là gì cả khi mỗi tô canh bún giá chỉ 2.000 đồng - ngon, rẻ và chưa từng làm đứa nào bị Tào Tháo rượt.
Chỉ 2.000 đồng nhưng không phải lúc nào cũng có thể thoải mái thưởng thức. Nhớ đứa bạn nghèo có bữa trưa không ra cổng trường mà ngồi lại lớp học nhai trệu trạo gói xôi khúc 1.000 đồng mua từ sáng sớm. Ban đầu hỏi thăm bạn ngại nên nói dối là muốn đổi món. Sau thân thiết hơn bạn tâm sự vì cuối tháng kẹt tiền nên cả tuần phải gặm xôi trưa. Nghĩ mà thương nên sáng chịu khó ghé nhà chở bạn tới trường. Hai đứa đi một xe, 2 ngày là bạn đã có thể dư ra chút tiền ăn canh bún.
Thời sinh viên qua đã lâu lắm rồi nhưng cái mùi dịu dàng của gánh canh bún trước cổng trường vẫn còn đâu đó trong ký ức dẫu bây giờ kẻ ở Sài Gòn, người về quê chạy theo những cuộc mưu sinh. Có lẽ do quen ăn kiểu giản dị như vậy nên giờ ăn tô canh bún mỡ màng với thịt, giò heo, chả đầy ú bỗng dưng ngán ngược.
Nhớ cái thanh tao của tô canh bún nghèo nàn thuở hàn vi, thi thoảng đi ngang cổng trường vẫn ngoái đầu nhìn kỹ. Cũng một gánh canh bún nhưng hình như người bán không phải là người xưa. Cũng định ghé ăn thử nhưng ngần ngại rồi lại đi. Bởi cũng như nhà thơ Nguyễn Khuyến từng viết: “Rượu ngon không có bạn hiền/ Không mua không phải không tiền không mua”.