Chàng thanh niên mười tám, sau những ngày học thi vất vả, biết tin mình đỗ vào trường Đại học như ý nguyện, lại còn đỗ cao, anh la lên sung sướng: "Đỗ rồi, đỗ rồi..." và ôm chầm lấy người thân, hành động ấy biểu hiện của niềm hạnh phúc.
Ngày một vị cư sĩ từ bỏ tất cả, quỳ trước Tam bảo phát nguyện xuất gia. Khi thầy bổn sư đặt lên đầu cây kéo và lấy đi dúm tóc đầu tiên, để vị ấy chính thức bước vào hàng tu sĩ - là giây phút hạnh phúc nhất của người nguyện đi trên đường vui tu tập đạo giải thoát...
V.v... Dường như, với mỗi người, hạnh phúc gọi tên theo một cách khác. Người thiếu phụ trẻ măng và người chị của mình gọi tên hạnh phúc của nhau bằng phút giây về nhà chồng, bắt đầu cuộc sống mới, sự viên mãn trong hôn nhân và trong những mối quan hệ bên chồng, làm vợ, làm dâu suôn sẻ chính là niềm hạnh phúc.
Đỗ đạt, bước chân vào giảng đường, chính thức chinh phục ước mơ hay đi tới dự định của chàng trai trẻ chính là hạnh phúc, lúc đó điều ấy là điều làm cho chàng cảm thấy tuyệt vời, không có gì hơn thế nữa cả...
Còn người chọn lý tưởng khác, nguyện từ bỏ niềm vui thế tục để gửi trọn đời mình trong nếp sống thiền môn chính là thực hiện lý tưởng giải thoát, vì thế được xuất gia tu học là hạnh phúc đối với vị đó.
Có thể, chúng ta sẽ không đồng quy hoặc không bao giờ đồng quy với những niềm hạnh phúc mà người khác đang hưởng, thậm chí thước đo hạnh phúc của ta còn có lúc ngược lại với họ nếu con đường mình bước tới ngược hướng hay có mâu thuẫn với hướng và cái đích người kia đi về. Chính vì thế mà trong cuộc sống, ta vẫn thấy những nước mắt, nụ cười đan xen trong cùng một tình huống, khi kẻ bên này, người bên kia trái hướng, trái lý tưởng, ước mong...
Xem một trận bóng, khi ta là "đội nhà" của áo đỏ thì áo xanh thua, sẽ có vô số những người có "đội nhà" áo xanh phải thất thểu ra về trong nỗi thất vọng. Còn ta thì hân hoan, phấn khích. Khi ta hơn trong một cuộc thi thì chắc sẽ có người thua ở trong chính sự lựa chọn hoặc chấm điểm tương tự của giám khảo. Do vậy, khi ta đang hưởng niềm vui thì ở nơi nào đó cũng sẽ có người ngậm ngùi, tiếc nuối.
Hạnh phúc vì thế có thể nói luôn xuất hiện cùng với khổ đau, mất mát, tổn thương... Nên, nếu chúng ta không thừa nhận khổ đau, mất mát... thì cũng có nghĩa ta đang không thừa nhận hạnh phúc! Cái quan trọng khi đó là chúng ta biết vui đến mức nào đủ để dừng lại, và sẻ chia niềm vui, hạnh phúc của mình một cách chân thành, biến hạnh phúc thành ngọn đèn thắp sáng cho nhiều người thay vì khư khư giữ cho riêng mình.
Nếu ví hạnh phúc như mồi lửa thì ngọn đèn kia đang ẩn tàng trong mỗi người, chỉ cần ta biết cách nhìn tích cực về mọi biểu hiện. Khi chúng ta hiểu rằng, khỏe mạnh là hạnh phúc thì lúc bệnh đau lại là hạnh phúc khác khi mình nhìn được sự quan tâm, săn sóc của người thân, bạn bè... như một món quà tình thương dành tặng cho mình. Khi ta nhận ra, thành công là điều mình mơ ước nhưng nhờ thất bại ta biết có những người luôn nâng đỡ mình, nhất là khi mình bị lùi lại phía sau.
Khi đó, ta sẽ biết, niềm vui là điều ta hướng tới nhưng nỗi buồn xuất hiện cũng đã cho ta cơ hội rèn luyện nội tâm thêm vững chãi, để không chủ quan trước cuộc sống vô thường...
Hạnh phúc vì thế là con đường, là giây phút hiện tại, là lúc ta trải qua tất cả vui, buồn, được, mất... và soi chiếu mọi thứ qua đôi mắt của người học Phật, thấy nhân-duyên-quả của vấn đề nên không chấp, giữ, nắm chặt, mà sẽ biết mỉm cười trước mọi đến, đi.
Thực ra, quan trọng là mỗi ngày mình đều vui sống, không hoài phí bất cứ phút giây nào, không bao giờ nguôi sống theo lời Phật dạy là "đoạn ác/ làm lành", thì sợ gì không "ngày an lành/ đêm an lành", sợ gì hạnh phúc không gõ cửa nhà mình, phải hông?
Khi đó, mình sẽ biết, hạnh phúc không phải là cái này, cái kia cụ thể; không phải là số lượng những điều mình sẽ đạt được hay ai đó mình sẽ chiếm lấy... mà chính là sự-bình-yên trong lòng mình vì mỗi lúc nghĩ về những gì đã qua, sẽ tới, ta đều không mảy may hối tiếc cũng như chẳng thấy lo sợ gì cả, vì lý-sự của nó mình đã hiểu, đã sống trọn rồi!