Gạo Ba Chăm Mang Yang là sản phẩm gạo đặc sản gắn liền với nhiều thế hệ đồng bào dân tộc thiểu số BahNar của huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai. Theo đó, khu vực địa lý bao gồm: Xã Đăk Trôi, xã Đê Ar, xã Kon Chiêng, xã Kon Thụp, xã Lơ Pang huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai.
Gạo Ba Chăm
"Ba" theo tiếng Bahnar có nghĩa là "lúa", còn Chăm là người dân tộc Chăm, giống lúa Chăm. Những già làng trong xã Đăk Trôi huyện Mang Yang đều không thể xác định được nguồn gốc giống lúa Ba Chăm có từ khi nào, chỉ biết rằng người dân nơi đây đã ăn gạo Ba Chăm từ rất lâu rồi và cho đến bây giờ cũng vẫn chỉ ăn một loại gạo này.
Cũng có một lưu truyền khác về giống lúa này là vào khoảng những năm 1960, những người Chăm vùng Bình Định, Phú Yên khi tham gia hoạt động cách mạng thời chống Pháp đã đem loại giống lúa này lên huyện Mang Yang để gieo trồng, và gìn giữ cho đến ngày nay.
Hạt gạo Ba Chăm Mang Yang thuôn, bụng hạt gạo hơi tròn, màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng. Đây là giống lúa truyềnthống, được đồng bào BahNar chọn lọc từ ngàn đời, canh tác theo phương thức truyền thống không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học... Bởi vậy, gạo Ba Chăm là loại gạo hoàn toàn sạch, chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Khu vực trồng lúa Chăm tại huyện Mang Yang là vùng cánh đồng trũng phân bố ở độ cao từ 700m - 1.000m so với mực nước biển, biên độ nhiệt độ ngày đêm vào các tháng cây lúa trỗ bông và vào hạt (tháng 9 - tháng 10) là từ 9 - 10 độ C, độ ẩm không khí trên 80% trong suốt mùa vụ canh tác (tháng 4 đến tháng 11).
Người nông dân thu hoạch lúa Ba Chăm
Đặc thù địa hình và khí hậu này cùng với mùa vụ canh tác dài (giống lúa Chăm là giống lúa cạn dài ngày) đã tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa trồng tại huyện Mang Yang có thời gian tích lũy chất dinh dưỡng, hạt gạo có màu trắng đục và có mùi thơm đặc trưng.
Lúa Ba Chăm chỉ trồng mỗi năm một vụ. Người Bahnar xuống giống lúa vào những ngày cuối mùa khô (thường vào tầm tháng 3-4) khi ruộng đồng còn hừng hực nóng. Từng hạt lúa Ba Chăm kiên trì giấu mình trong đất cả tháng trời, đợi những cơn mưa đầu mùa trút xuống mới nứt mầm vươn lên.
Cứ thế, ròng rã suốt mùa mưa Tây Nguyên kéo dài từ tháng này qua tháng khác, cây lúa Ba Chăm sinh trưởng, phát triển nhờ vào nước trời và dưỡng chất tích tụ trong đất. Khi những cơn mưa vơi dần thì hạt lúa Ba Chăm cũng thành hình. Sau vụ thu hoạch cho đến tháng 4 năm sau, người Bahnar ở Đak Trôi lại phơi ruộng, cho đất nghỉ ngơi chờ mùa gieo sạ mới…