Bài học tiêu tiền đầu tiên của bé Nguyễn Nhật Minh (tên ở nhà là Bin) ở bang Tasmania, Australia, thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh sau khi mẹ bé đăng bài viết lên trang cá nhân. Chị Luyến, mẹ bé Bin, chia sẻ, ghi chép lại những bài học của hai mẹ con là việc nên làm, ít nhất cũng là cách lưu lại những kỷ niệm dành cho con khi lớn lên. Thời gian trôi đi, mọi thứ thay đổi nhưng kỷ niệm sẽ còn mãi.
Hôm đó, chị đưa cho con 5 AUD với hai đồng 2 AUD và một đồng 1 AUD. Khi Bin đi học về, chị Luyến hỏi con đã tiêu tiền đó như thế nào. Bin kể, con đưa cho bạn Z một đồng 2 AUD, hai bạn khác hai đồng tiền còn lại rồi tất cả cùng ra căn tin mua đồ ăn.
"Tôi hỏi: "Con không mua gì cho mình sao?", Bin bảo bạn Z mua bánh và cho con một cái. Con thấy như vậy là đủ rồi và con rất vui. Con còn giải thích về giá của các thứ được bán trong căn tin. Trải nghiệm đầu tiên của con quả là không tồi và tôi nhận ra con có đức tính tốt là thích chia sẻ", chị Luyến kể.
Bin tự tin, tự lập và có chính kiến. Cậu bé hơn 5 tuổi học cách sử dụng đồng tiền hợp lý từ những trải nghiệm trong cuộc sống.
Vài tuần sau, Bin lại xin mẹ 4 đồng 50 xu để mua 4 cái bánh. Chị Luyến cũng hẹn con một ngày để cho. Chị đưa cho con một đồng 1 AUD và hai đồng 50 xu rồi giải thích: 1 AUD bằng hai đồng 50 xu. Bin không tin vì 1 AUD nhỏ hơn 50 xu rất nhiều. Cậu bé không hài lòng lắm nhưng cuối cùng vẫn chấp nhận. Lần này, Bin lại cho bạn đồng 1 AUD và dùng hai đồng 50 xu mua bánh rồi chia cho bạn khác một cái.
Cuối cùng, mẹ Bin quyết định sẽ thưởng cho con mỗi ngày từ 20 đến 50 xu tuỳ thuộc hôm đó con ngoan hay không. Số tiền nhận được, con được tuỳ ý sử dụng.
"Con rất trung thực. Buổi tối mẹ hỏi: 'Hôm nay mẹ nên cho con bao nhiêu tiền?'. Con ngồi ngẫm nghĩ rồi kể ra những việc làm tốt/chưa tốt rồi tự nhận 10-20-50 xu. Tôi rất hài lòng về thằng bé", chị Luyến tâm sự.
Tuần đầu tiền "thu nhập" của Bin là 2,1 AUD. Cậu bé rất vui và xin phép mẹ cho mang tiền đến trường để tiêu. Bin lấy tất cả tiền bỏ vào túi nhưng được hai phút, chị Luyến thấy con chỉ giữ một đồng 50 xu, còn lại cho vào hộp.
"Bin bảo với tôi: '50 xu là đủ mua một cái bánh rồi mẹ ạ. Con mang hết tiền đi như vậy sẽ không còn đồng nào cả. Con thích có thật nhiều tiền nên phải tiết kiệm'. Khi ra xe, con đề nghị mẹ chờ vì muốn cất đồng tiền đó lại. Thấy tôi thắc mắc sao không mang tiền để mua bánh, Bin bảo bánh đấy cũng không ngon lắm nên không mua nữa và để dành", bà mẹ một con kể.
Mỗi ngày trước khi nhận lương, con đều ngồi lại kiểm điểm những việc làm trong ngày. Việc này giúp con nhận thức về mọi hành động của mình tốt hơn. Ngoài ra, con bắt đầu hình thành suy nghĩ kiếm tiền không dễ, từ đó có ý thức khi tiêu tiền. Con cũng rèn được tính tự lập và chịu trách nhiệm đối với hành động của mình. Con sẽ không nhận được gì nếu không làm việc và không thể ỷ lại vào người khác.
Chị Luyến cho hay, cách con sử dụng tiền là bài học thú vị không chỉ với bé, mà còn với bản thân chị khi tiêu tiền của người khác thì không cần đắn đo nhưng tiền do mình kiếm được lại không đơn giản.
Chị Luyến cho biết ông xã người Australia của chị luôn tôn trọng ý kiến của con, dành thời gian xem phim, chơi Lego hay những thứ con yêu thích.
Bin sang Australia định cư cùng mẹ đã một năm rưỡi sau khi chị Luyến kết hôn cùng một người đàn ông ở xứ sở chuột túi. Lúc mới sang, Bin không biết tiếng Anh nhưng gần một năm sau, tiếng của con tốt dần lên và giờ bé giao tiếp thành thạo với bạn học. Bin tự tin và hòa nhập tốt với môi trường sống, học tập mới. Giống như nhiều bé khác ở đây, chị Luyến mua cho Bin lợn đất để dành tiền và mở tài khoản tiết kiệm cho con.
Hàng ngày, Bin giúp dọn nhà, làm vườn, hay tự làm đồ ăn, dọn phòng để đổi lại, mẹ sẽ cho tiền. Thỉnh thoảng có tiền mừng tuổi vào năm mới, sinh nhật hay Giáng sinh, Bin cũng bỏ vào heo đất. Khi heo đất đầy, chị Luyến dẫn con ra ngân hàng gửi vào tài khoản. Do con còn nhỏ nên trước đây, chị chỉ cho tiền mà không khoán việc hay giải thích giá trị đồng tiền.
Có lần Bin đòi lấy tiền mua đồ chơi nhưng khi nghe mẹ giải thích tiền đó để dành đến năm 18 tuổi sẽ cần cho cuộc sống tự lập. Khi đó, Bin sẽ có tiền mua xe, thuê nhà, mua đồ ăn... đến khi kiếm được việc làm và không cần xin tiền mẹ. Từ đấy, Bin không đòi tiêu tiền đó nữa. Bin thích tiền nên rất hăng hái giúp mẹ việc này việc kia và thỉnh thoảng lại lôi tiền ra đếm.
Khoảnh khác vui vẻ cùng cha dượng
Theo chị Luyến, Bin tự lập, tự tin và có chính kiến, một phần lớn nhờ môi trường giáo dục ở Australia cũng như ảnh hưởng từ chồng chị. Ông xã người Australia của chị Luyến không làm gì thay con mà để bé tự làm, luôn tôn trọng ý kiến của con, thay vì bắt bé phải nghe lời mình. Anh cũng dành thời gian xem phim với Bin, mỗi khi có bộ phim mới của trẻ con ra mắt, ngồi hàng giờ chơi Lego hoặc chơi thứ mà con yêu thích một cách kiên nhẫn.