Theo phong tục địa phương, khi một vị vua băng hà, người kế vị sẽ được thừa hưởng tất cả các người vợ của vua trước và sau đó được cưới hoàng hậu của riêng mình.
“Các hoàng hậu có một vai trò rất lớn trong vương quốc” – hoàng tử Nickson cho biết.
“Đằng sau mỗi người đàn ông thành công phải là một người phụ nữ cực kỳ thành công và kiên cường. Truyền thống của chúng tôi là khi một người trở thành vua, những người vợ lớn tuổi được giữ lại để chỉ dạy truyền thống cho những người vợ trẻ cũng như nhà vua” – người vợ thứ 3 của vua Bumbi, bà Constance, tự hào nói.
Mặc dù hình thức đa thê hợp pháp tại Cameroon, các số liệu cho thấy có rất ít cuộc hôn nhân đa thê trên khắp lục địa châu Phi. Nguyên nhân là do những thay đổi về giá trị, sự phát triển của đạo Thiên Chúa, sự hấp dẫn ngày càng tăng của phong cách sống phương Tây và cả chi phí đắt đỏ để duy trì một gia đình lớn. Chính vì vậy, những nhà cai trị của Cameroon phải bước đi trên ranh giới giữa 2 truyền thống đối nghịch nhau.
Vua Abumbi II, vị vua thứ 11 của vương quốc Bafut - Cameroon. Ảnh: Alfred Weidinger
“Trong quá trình thuộc địa, các giá trị khác du nhập vào và rất khác biệt so với những truyền thống của chúng tôi. Vì vậy, những xung đột giữa giá trị truyền thống và giá trị phương Tây liên tục xảy ra” – quốc vương Abumbi II, nhà cai trị Bafut trong 47 năm, thừa nhận.
“Nhiệm vụ của tôi là hòa trộn chúng, tìm ra con đường tiến bộ để thần dân của tôi có thể tận hưởng thành quả của sự phát triển và hiện đại mà không phá hủy văn hóa của họ. Nếu không có văn hóa, anh không phải là con người mà chỉ là một con vật” – vị quốc vương nói tiếp.
Mặc dù hình thức đa thê thường bị chỉ trích ở các nước phương Tây, vẫn có những người xem đây là một truyền thống giá trị.
Sau khi yết kiến vua Abumbi II, cô Soni Methu, người dẫn chương trình Inside Africa của đài CNN, nhận định: “Tôi hiểu rằng chúng ta có thể vội vã phán xét phong cách sống của các vị vua. Tuy nhiên, cũng giống như Vương quốc Anh, các vương quốc ở châu Phi và các vị vua gắn liền với một nền văn hóa và lịch sử phong phú. Các tục lệ như thừa kế vợ của cha ông chính là một nghĩa vụ đạo đức”.
Vua Abumbi II và cung điện hoàng gia. Ảnh: Alfred Weidinger
Theo quan sát của cô Methu, nhiều thành viên hoàng gia được đánh giá rất cao. Sau khi gặp gỡ các hoàng phi của vua Ndofua Zofoa III ở vương quốc Babungo, cô Methu nói: “Tất cả những người vợ trẻ của ông ấy nói tiếng Anh hết sức thành thạo ở khu vực chuyên nói tiếng Pháp. Họ đều là những nhà tiếp thị tuyệt vời”.
Chính những điều trái ngược này đã khiến cuộc sống hoàng gia trở nên hấp dẫn và khó hiểu. Liệu họ có bị mắc kẹt trong quá khứ hay vẫn bắt kịp hiện tại? Vua Zofoa III lại không nghĩ rằng ông bị bắt buộc phải chọn lựa. Mặc dù phải “thừa kế” 72 người vợ và hơn 500 đứa con sau cái chết của vua cha nhưng ông cho rằng mình là một vị vua rất hiện đại.
“Để điều hành vương quốc trong thời đại này, bạn phải là người có học thức bởi vì mọi việc đang chuyển động rất nhanh. Như người ta đã thường nói, giáo dục là ánh sáng còn sự thiếu hiểu biết là bóng tối” – vua Zofoa III nói.