Quê tôi là một tỉnh dọc duyên hải miền trung đầy nắng, gió. Vì thế, ở nơi đây, hầu như nhà nào cũng có mặt chiếc nón lá. Chiếc nón là vật dụng che nắng che mưa.Nhưng đôi lúc, mẹ lại biến tấu cho nó thêm nhiều công dụng khác.
Nhớ lúc bé, mỗi khi đang nấu ăn, hết chai nước mắm hay gói đường, mẹ hay bảo tôi chạy đi mua. Những lúc ấy, tôi hớn hở chạy vù đi. Mẹ gọi ngược lại, mắng yêu "nắng vậy mà đi đầu trần hả con?" rồi nhanh tay lấy chiếc nón mẹ đang đội úp lên đầu tôi. Những khi ấy, tôi trông giống như cái nấm vậy. Người thì bé tí, cái nón rộng che hết cả khuôn mặt đen nhẻm, gầy gò.
Tôi còn nhớ rõ, mỗi khi mẹ từ nhà hàng xóm hay đi đâu đó về, mẹ hay gọi tôi từ ngoài cổng. Khi đó, dù đang chơi trò gì, thú vị đến đâu tôi cũng mặc kệ để chạy ù ra cổng đón mẹ, vì tôi biết thể nào mẹ cũng có gì đó cho tôi. Mẹ dựng xe đạp bên hiên nhà, ngồi xuống bậc tam cấp, đưa cho tôi chiếc nón với những thức quà trong đó. Mấy cái bánh nếp, quả xoài chín, mấy trái vú sữa, hay đôi khi đơn giản là nhánh hoa dại tôi yêu thích. Những lúc đó, tôi vui mừng đón lấy và nhảy lơn tơn sung sướng. Tôi còn không quên trầm trồ: "mẹ cầm nhiều thế mà vẫn đi xe được, mẹ thật giỏi!" Mẹ luôn mỉm cười hiền hậu mỗi khi tôi nói vậy.
Chiếc nón của mẹ kỳ diệu vô cùng đối với tôi
Lớn lên một chút, tôi hay đòi theo mẹ vào rừng. Ở quê tôi lúc ấy hầu như nhà nào cũng dùng củi để đun. Vì thế, những hôm nào rỗi việc đồng, mẹ lại vào rừng kiếm củi. Trong rừng, mẹ lọ mọ trong đám bụi rậm kiếm củi, còn tôi thì mải leo trèo, hái hoa, bắt bướm. Thỉnh thoảng, mẹ đi lại chỗ tôi chơi, chìa cho tôi chiếc nón với bao nhiêu là thức quả rừng ngọt lành mà mẹ tìm thấy được. Khi thì mấy quả ổi chín thơm lừng, khi thì mấy chùm dủ dẻ chín vàng ươm, mỡ màng; lúc lại là vốc quả móc, nắm chùm mòi chín mọng. Những khi ấy tôi sung sướng leo nhanh xuống khỏi cây và đón lấy chiếc nón của mẹ, ra sức gom cho hết số quả trong ấy cho vào túi. Trong lúc tôi loay hoay với món quà ngọt lành của mẹ thì mẹ ngồi xuống, với chai nước lã mang theo, tu một hơi thật dài. Xong đâu đấy, mẹ đứng lên, cầm chiếc nón đội lên đầu và đi tiếp. Còn tôi, khi ấy, vừa cho mấy quả vào miệng nhai ngồm ngoàm, vừa gọi với theo "có quả gì ngon hái cho con nữa nhé". Và khi ấy, bao giờ mẹ cùng ngoái đầu lại cười bảo "chỉ được cái theo nghịch là giỏi". Nói vậy thôi, nhưng lần nào mẹ đi rừng tôi xin theo, mẹ đều vui vẻ đèo tôi đi cùng.
Khi tôi học cấp hai, bắt đầu ra đồng phụ mẹ vài việc vặt. Khi thì đi tỉa đậu, khi thì bẻ bắp. Tôi còn nhớ rõ, những mùa ấy, trời rất nắng. Làm giữa đồng không một bóng cây, dưới cái nóng như thiêu đốt nên rất khát. Mỗi buổi đi làm, mẹ đều bảo tôi đem theo vài chai nước. Nhưng đa phần, cứ chưa được nửa buổi làm là nước đã cạn. Những lúc ấy, khi đang làm mà thấy khát, mẹ ngẩng lên nhìn xung quanh xem thử có máy bơm nước nào không. Rồi khi tìm thấy, mẹ nhanh chân đi đến bên máy bơm, gỡ chiếc nón trên đầu, lật ngửa ra rồi đưa vào dòng nước đang tuôn ra để hứng. Trước khi đưa vào miệng uống, bao giờ mẹ cũng hứng bỏ đi nước đầu tiên. Bởi theo mẹ, biết đâu chiếc nón có dính mồ hôi trong đó. Uống xong phần mình, khi nào mẹ cũng hứng một nón tràn đem đến cho tôi. Đón lấy những giọt nước mát lành từ tay mẹ giữa trời nắng nóng quả thật không còn gì bằng. Tôi ngửa cổ uống thật nhanh, thật nhiều. Nước no căng bụng. Nước tràn ra miệng, chảy xuống cổ, xuống ngực ướt đẫm nhưng rất mát. Khi ấy, mẹ hay mắng yêu tôi "con gái con lứa, uống từ từ thôi". Tôi nhìn mẹ, cười vang. Mẹ cũng mỉm cười, xoa đầu tôi.
Bây giờ, khi đi học xa nhà, rất hiếm khi tôi được thấy chiếc nón của mẹ; lại càng không còn được nhận những thứ quà từ chiếc nón của mẹ nữa. Thỉnh thoảng, ở nơi xa, tôi lại nhớ đến quay quắt mùi hương của mấy quả ổi rừng, của chùm dủ dẻ đựng trong chiếc nón cũ; nhớ đau đáu cái nón chứa đầy nước vừa mát, vừa ngọt của mẹ.
Tin, bài cộng tác cho chuyên trang Phụ Nữ, vui lòng gởi về phunu@nld.com.vn