"Thành phố bầu trời" là tên gọi mà người phương Tây ưu ái đặt cho núi Phạm Tịnh (Phạm Tịnh sơn), thuộc thành phố Đồng Nhân, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc). Tương truyền, chính tại ngọn núi này, đức Phật Di Lặc giác ngộ.
Trước kia, núi có tên Tam Sơn cốc, sau đổi thành núi Cửu Long rồi Nguyệt Kính. Từ thời nhà Minh trở về sau, cái tên Phạm Tịnh ra đời, lấy ý từ câu "Phạm thiên tịnh thổ" trong Phật giáo, ý rằng đây là mảnh đất thanh tịnh, thoát tục.
Đứng trên đỉnh núi, du khách sẽ thấy khung cảnh lúc nào cũng đầy sương sa khói phủ, mơ màng và tráng lệ như đang ở chốn bồng lai tiên cảnh. Phạm Tịnh sơn cao 2.336 mét so với mực nước biển, là di sản thế giới được Unesco công nhận vào năm 2018, thuộc dãy núi Vũ Lăng (gồm nhiều quần thể núi), Trung Quốc.
Về danh tiếng, so với Nga Mi sơn, Ngũ Đài sơn hay Cửu Hoa sơn, Phạm Tịnh sơn không hề kém cạnh. Quang cảnh Phạm Tịnh sơn đẹp nhất sau mưa, khi sáng sớm hoặc lúc hoàng hôn. Thời điểm đó, nếu may mắn, du khách sẽ được chứng kiến quầng sáng đầy màu sắc hiện ra trên những đám mây đang là đà bay, giơ tay ra tưởng có thể chạm đến được.
Đặc biệt hơn, du khách còn có thể nhìn thấy ảo ảnh bóng người di chuyển trên những đám mây. Chính sự bí ẩn này đưa danh tiếng Phạm Tịnh sơn vượt xa khỏi lãnh thổ Trung Hoa.
Điểm nhấn của Phạm Tịnh sơn là tảng đá hình nấm cao 9,4 mét có niên đại khoảng 1 tỷ năm tuổi. Nhiều nghệ sĩ đã lấy cảm hứng từ tảng đá này tạo nên các tác phẩm nghệ thuật.
Tuy nhiên, đường lên tảng đá nổi tiếng ấy vô cùng khúc khuỷu, chỉ dành cho những ai mê bộ môn leo núi. Thông thường, du khách chọn đến thăm hai ngôi đền (đền đôi) Phật giáo nằm trên đỉnh núi, xây dựng từ thời nhà Minh với niên đại hơn 500 năm.
Để tham quan đền, du khách phải leo 8.800 bậc thang, mất khoảng bốn giờ đồng hồ. Du khách cũng có thể chọn cách đi cáp treo một phần quãng đường. Khi leo đến đỉnh, du khách sẽ đến đền thờ Phật phía nam đền đôi - đại diện cho thế giới hiện tại. Để sang đền thờ Phật Di Lặc bên kia, du khách phải đi trên chiếc cầu nhỏ bắc qua hẻm núi Kiếm Vàng. Đền này được cho là đại diện thế giới trong tương lai.
Thực tế, trong nhiều thế kỷ, rất nhiều đền chùa được xây dựng dọc theo núi, một số ngôi đền có niên đại cổ xưa, từ thế kỷ thứ VII. Nhưng, theo thời gian và thăng trầm của cuộc sống, nhiều ngôi đền hoặc bị phá hủy hoặc chỉ còn lại vài dấu tích.
Hiện đường lên núi còn lại khoảng 50 ngôi đền, trong đó có đền đôi trên đỉnh núi. Năm 2019, tạp chí du lịch danh tiếng National Geographic Traveler đã đưa Phạm Tịnh sơn vào danh sách Những chuyến đi ấn tượng của năm. Tạp chí này miêu tả việc leo núi giống như "leo qua một biển mây".
Đường lên đền quanh co, nhiều sương mù, do đó, chỉ một số tháng trong năm du khách được khuyến khích đi, tháng Hai, tháng Năm, tháng Tám và tháng Mười một. Tuy nhiên, những ai yêu du lịch và ngại cảnh đông đúc thường tránh thời điểm này. Trang bị đồ giữ nhiệt, giày thể thao và nước nóng là những điều cần thiết khi bạn quyết định chinh phục Phạm Tịnh sơn.