Tôi năm nay 30 tuổi, chưa lập gia đình cũng chưa có người yêu. Tuy nhiên, tôi hay để ý những người đàn ông chung quanh mình; nhất là những anh cao ráo, đẹp trai, hát hay, đàn giỏi, tốt bụng, kể cả khi những người ấy đã có gia đình.
Mỗi khi nhìn họ, tôi thấy trong lòng có nhiều cảm xúc và hay suy nghĩ vẩn vơ, ước ao phải chi người ấy là của mình. Từ năm 18 tuổi, tôi thích đã xem phim tươi mát, xem xong thì trong người rất khó chịu và hay tưởng tượng này, nọ...
Tôi biết như vậy là sai nhưng không có cách nào dứt bỏ những suy nghĩ ấy ra khỏi tâm trí. Tôi phải làm sao để lành mạnh hóa cảm xúc của mình? Xin nói thêm là đã từng có người rủ tôi làm chuyện ấy ở ngoài đời thật nhưng tôi từ chối...
minhanh...@gmail.com
Ban minhanh thân mến,
Trong cuộc sống của chúng ta, có những điều thuộc về bản năng, nghĩa là nó tự nhiên có chứ không cần phải học hỏi, tìm kiếm ở bên ngoài. Chẳng hạn như uống khi khát, ăn khi đói, đặc biệt là vấn đề tình cảm của người khác giới.
Nam nữ lớn lên, đến một độ tuổi nào đó, cùng với sự phát triển và thay đổi của cơ thể thì tự nhiên nảy sinh một thứ cảm xúc mới mẻ, đó là sự yêu thích người khác giới. Sự yêu thích ấy tăng dần cung bậc: Ban đầu có thể chỉ thích ngắm đôi mắt đẹp, miệng cười xinh, giọng nói thanh thoát, mái tóc đen dài... Cung bậc cao hơn một chút nữa là thích được nắm bàn tay, quàng bờ vai; hôn lên đôi má, đôi môi của người ấy. Và đỉnh cao của cảm xúc ấy là sự ham muốn được cho và nhận một cách trọn vẹn cả thể xác lẫn tâm hồn.
Đó là quá trình phát triển bình thường ở một con người; cũng chính là nguyên nhân làm cho loài người tồn tại và phát triển... đông vui như ngày hôm nay. Vì vậy, bạn minhanh cũng không đi ngoài quy luật tự nhiên này.
Chuyện một người phụ nữ để ý người khác, tơ tưởng người khác và... thích xem phim tươi mát rồi nghĩ chuyện nọ kia chẳng phải là chuyện lạ. Có thể các chị em khác cũng giống như vậy, có điều họ giữ kín trong lòng nên không ai biết đó thôi.
Tuy vậy, ở bạn có một điều không phải là bất bình thường nhưng có thể nói là hơi... cá biệt. Bạn xem phim “tươi mát” trong một thời gian dài như vậy kể ra cũng là vấn đề đáng quan tâm. Có thể nói, đây là tình trạng "nghiện" nhưng ở mức độ nào thì chưa thể khẳng định. Mà một khi đã “nghiện” thì phải tìm cách “cai” để giảm bớt những tác dụng tiêu cực có thể có do hành vi này mang lại.
Vấn đề ở đây là “cai” bằng cách nào? Tạm thời, để hạn chế sự hưng phấn và... tơ tưởng nọ kia, bạn nên hạn chế xem phim tươi mát mà thay bằng phim ảnh, sách vở vui tươi, nhẹ nhàng, có chiều sâu. Khi nào thấy “có nhu cầu xem phim” thì nên đi ra ngoài để cách ly bắt buộc với “thiết bị nghe nhìn”; có thể đi gặp người thân, bạn bè để “tám” nhằm xả bớt bức xúc và quên đi ham muốn. Nên tập thể dục, chơi thể thao để ăn ngủ tốt, ngăn chận tình trạng... trằn trọc mỗi khi đêm về.
Tóm lại, nếu bạn không yêu nhưng suốt ngày cứ tơ tưởng đến người khác, làm ảnh hưởng đến công việc, thậm chí nghĩ đến... tấn công người khác thì đó là bệnh lý phải chữa trị. Còn chỉ nghĩ thoáng qua trong khi cô đơn một mình giữa đêm vắng thì vẫn chưa đến nỗi nào.
Ở độ tuổi ba mươi, nếu chưa một lần yêu ai đó thì có lẽ là bạn quá khắt khe với người, với mình. Bạn cần nghiêm túc xem xét lại là nhận thức của mình về tình yêu, tình dục và hôn nhân. Nếu bạn không phải bị sang chấn tâm lý khi chứng kiến bạo lực gia đình dẫn đến hội chứng sợ yêu thì có thể là do bạn đặt tiêu chuẩn quá cao với người bạn đời. Nên cởi mở, nghĩ thoáng hơn thì sẽ thấy cuộc sống vui vẻ, nhẹ nhàng.