Năm đó chị thất thân với chàng trai mình yêu, người mà sau đấy, vì nhiều lý do, đã không trở thành chồng chị. Chị mặc cảm vì mình chẳng còn giá trị gì, mình mất rồi, mình vô nghĩa quá. Mình thật có lỗi với người đàn ông đang là chồng…
Giá trị của đàn bà tất nhiên không nằm ở một cái màng sinh học mỏng tanh, có thể dễ dàng bị rách vì một lý do thể thao hay tai nạn bá vơ nào đó. Chị hiểu rõ điều ấy. Thế nhưng, từ ngày kết hôn, chị vẫn nơm nớp trong lòng một tâm niệm rằng, chị nợ chồng một ơn huệ, chị mắc một cái phốt dối trá vô hình nào đó với chồng. Là vì chị đã chẳng dám thẳng thừng cùng chồng rằng mình không còn con gái, anh có sẵn rộng lượng bỏ qua, ưng thì ưng…
Đó là chị nghĩ vậy. Nhiều thế hệ đàn bà nghĩ vậy. Cay đắng thay, cũng không ít đàn ông nghĩ vậy.
Rất nhiều chị em coi chuyện "mất" là cái tội của mình
Trinh tiết của đàn bà không phải cứ tự nguyện hoặc miễn cưỡng trao đi là xong. Mà thứ "mất mát" ấy nó ám ảnh, dai dẳng, trở thành nỗi khổ sở dằn vặt, thành ký ức buồn thương, thành một vết nhơ trong tinh thần lẫn đời sống tình dục sau đấy.
Dẫu là vui lòng dâng hiến hay bị ép uổng vào tình thế phải "cho" để chứng minh tình yêu, thì cái lần đầu tiên ấy dễ khiến cho phụ nữ cảm thấy phiền muộn, đau đáu. Như một cái mốc nhắc nhớ rằng, mình đã cùng người đàn ông ấy bước qua lằn ranh của thời thiếu nữ, trở thành đàn bà. Mình đã... mất đi giá trị rồi!
Đối với nam giới, việc chiếm đoạt hoặc được dâng tặng sự trong trắng của một cô gái là một thành tích khá là đặc biệt. Đời người không phải nhiều lần hưởng được sự ưu ái đó. Quan điểm ấy khiến cho một khái niệm khá là bệnh hoạn mang tên "mua bán trinh tiết" tồn tại mãi. Đàn ông vốn là những kẻ đại khiếm khuyết trong sự cầu toàn của chính họ. Để rồi luẩn quẩn trong cái vòng tròn làm khổ mình, khổ người trong cái sự nghi hoặc còn hay mất, "gin" hay không "gin", vậy mà…
Giá trị của một phụ nữ đâu phải do một cái màng?
Không phải cứ một cô gái khi đã "mất", trở thành đàn bà là tự coi mình thành vô giá trị. Mà chính những suy nghĩ thiển cận và hủ lậu đeo đẳng kia đã khiến cho đàn bà luôn thấy mình thấp đi một chút khi không còn món quà mỏng manh kia mà mang về nhà chồng, làm của hồi môn cho người đàn ông chẳng rõ cưới vợ vì bản thân người phụ nữ đó, hay đơn thuần là vì một cái màng…
Một người đàn bà trải qua dăm ba người tình trước khi kết hôn, thì sự day dứt kia có vẻ sẽ giảm bớt, không còn quá nặng nề căng thẳng nữa. Thêm chút trải nghiệm ở đời, đàn bà sẽ nhận ra, giá trị của một nữ nhân không phụ thuộc vào mấy thứ vớ va vớ vẩn mang tên trinh tiết, loại có thể gia cố bằng hàng giả hoặc may vá thẩm mỹ, mà do nhiều giá trị khác tạo thành.
Tính cách, học vấn, sự nghiệp, kiến thức, bản lĩnh… những liệt kê mang tính vĩ mô và đôi chút phù phiếm, nhưng thật sự tạo nên sự vững chãi cần thiết cho một người đàn bà. Phụ nữ sẽ không ở vị thế thụ động chờ đợi được lựa chọn, bị cân đo đong đếm, dò xét xem còn hay mất, mà họ có thể ngẩng cao đầu bởi một loại nhan sắc thứ hai rạng ngời. Đàn bà khi ấy đủ sức để tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo trước vị hôn phu, muốn ngây thơ có ngây thơ, dễ mà!
Đàn bà vì muộn phiền lo lắng với cái bí mật be bé của mình mà chẳng thể thư thái tận hưởng niềm vui vợ chồng, cứ thấp thỏm, muộn phiền. Giữa cuộc vui có khi bật khóc. Một chút ân cần chiều chuộng của chồng là áy náy. Chẳng ít lần chỉ muốn thú nhận. Bao phen day dứt một mình…
Một câu xa xôi vô tình của chồng thôi cũng đủ để đàn bà đã nếm qua trái cấm trước ngày cưới phải lo nghĩ. Nhưng, thử một lần lỡ dại xin lỗi chồng thôi là dằng dặc đau đớn vì bạo hành tinh thần và thể xác.
Sao phải khổ sở nhiều đến vậy. Nghĩ chi mà lắm thế? Quên đi và vui sống, thì đàn bà cảm thấy như đang lừa dối nhau ư? Chẳng phải chỉ mẫu đàn ông cũ kỹ mới đặt nặng chữ trinh ngàn vàng, coi vợ như tội đồ nếu như lỡ dại mất mát trước khi trao thân gởi phận cho họ hay sao? Nếu phụ nữ vẫn luôn hoang mang tự hỏi, mình có còn gì đâu để mà dám tự hào - tự tin - tự chủ về bản thân, thì bao giờ mới biết nâng niu và trân trọng chính mình?