Nhìn bước chân cha dứt khoát kéo hành lý lên taxi chị em cô không còn lý do gì để níu giữ, tình yêu gia đình chẳng có đủ sức mạnh lưu luyến người ra đi. Chị hai hất bộ ấm chén trên bàn ra hiên nhà, vỡ choang. Cha bình thản, không đưa mắt nhìn lại!
Hôm cưới cô, cha có nói: “Út đi lấy chồng xong ba sẽ lấy vợ”. Cô tưởng cha đùa cho vui, không ngờ cô chưa kịp hưởng trọn tuần trăng mật, cuộc điện thoại của chị hai khiến cô điếng người: “Út ơi, cha quyết định bỏ mẹ và chị em mình chuyển đến ở với “con kia” rồi”.
Nước mắt cô trào ra vô thức, hạnh phúc riêng của cô bất giác chuyển về phía trời chứa đựng những gam màu đen tối, xám xịt. Cô thấy đau đớn như ai đó cố tình lấy dao dùi khoét vào tim, tóe máu. Cô nghĩ về mẹ, về tháng ngày vất vả mẹ con cô trải qua nhưng cô chưa từng nghe mẹ than thở nửa lời. Mẹ chắt chiu gom góp từng đồng kiếm được, tằn tiện chi tiêu khoản tiền cha gửi từ nước ngoài để nuôi ba chị em cô học hành. Trong câu chuyện với cha, mẹ luôn tươi cười để cha yên tâm lao động nơi đất khách quê người.
Vậy mà…
Đây không phải lần đầu tiên cha dứt áo ra đi. Năm năm trước, mãn hạn cha lại tức tốc sang Đài Loan lần hai. Rồi hết ba năm, cha cô trở về sau thời gian “vô âm bặt tín”. Mẹ cô chấp nhận tha thứ, chị em cô chấp nhận bỏ qua nhưng niềm tin trong cô không thể vá lại trong ngày một ngày hai. Hồi ấy, cô học năm hai trường ngành báo chí nên không quá khó để cô nhận diện mối nghi ngờ của mình với cha.
Tim cô như rụng rời khi phát hiện cha thường xuyên qua lại với người đàn bà khác, chắc chỉ hơn chị hai độ chục tuổi. Thần tượng trong cô sụp đổ.
Cô buồn hơn khi nói cho mẹ biết, mẹ nhắc: “Mẹ biết rồi, Út kệ bố nhé”. Vậy là ngoài tha thứ mẹ còn chấp nhận chung đụng người đàn ông thuộc “quyền sở hữu” của mình. Và cô đã hiểu vì sao ngày trước khi cha và chị hai còn lao động bên Đài Loan, chị Hai hay gọi điện về khóc với mẹ, lần nào chị cũng nói với em: “Cha bây giờ khác lắm”. Cô hỏi thêm thì chị nghẹn ngào nói: “Út biết thế là đủ”.
Những ngày cha thường xuyên vắng nhà, ai cũng biết cha đi đâu. Nhìn bề ngoài, gia đình cô là một gia đình hạnh phúc. Lớp vỏ bọc hạnh phúc đã có lúc có hơi thở của hạnh phúc thật sự khi mẹ cô mang bầu lần thứ tư, bác sĩ nói là con trai. Chẳng phải nói, cha cô là người vui mừng nhất, vì đó là điều ông khao khát bấy lâu, điều ấy cũng giúp ông “mở mặt” với anh em, làng xóm khi họ dè bĩu rằng: “không có thằng con nối dõi tông đường”.
Nhưng rồi, trời không chiều lòng người. Đến ngày sinh cận kề mẹ có biểu hiện rất lạ. Cả nhà đưa bà đến viện, bác sĩ báo tin vì ngoài tứ tuần, mẹ cô yếu, thai bị chết lưu. Vậy là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự mong mỏi trong đôi mắt cha, mẹ bỗng chốc tan vỡ, tím ngắt.
Sau thời gian ấy, cha nối duyên công khai với người tình. Cha không còn xấu hổ, hay ngượng ngùng trước sự dèm pha của mọi người. Mẹ thì âu sầu, buồn bã, ốm đau quặt quại. Có điều chị em cô vẫn nhìn thấy sự chịu đựng khắc tên trên khuôn mặt bà, không đòi ly hôn, không chửi bới cãi vã hay đánh ghen giống như bao người đàn bà có chồng ngoại tình.
Nhìn dáng mẹ rộc gầy theo năm tháng, lặng lẽ, trầm trũi đến lẩn thẩn, chị em cô vừa căm giận cha vừa thương mẹ đến xé lòng.
Ba chị em cô đều yên bề gia thất nhưng thường xuyên về thăm mẹ, động viên bà vượt qua khủng hoảng tinh thần. Cuộc đời trớ trêu, cứ vô tình đùa giỡn số phận người đàn bà. Sự cố gắng gượng dậy sau giông bão của mẹ con cô nhanh chóng lụi tàn. Cha thông báo, người tình đã sinh cho ông con trai, cha muốn đón mẹ con người tình về nhà chung sống. Mẹ ngã khụy trước tuyên bố thẳng thắn của cha…
Mẹ và chị em cô không thể ngờ tới là bên nội cũng hùa theo bắt mẹ cô phải chấp nhận, họ ném những lời lẽ thô thiển, cay đắng vào mẹ cô. Người thì nói: “Không đẻ được con trai thì phải chấp nhận”, người thì bảo: “Thôi, ở vậy cho có chị có em, càng vui”… Những người cô ruột, bác ruột của cô đã chẳng động viên mẹ con cô thì thôi, lại còn hí hửng rủ nhau mua quà cáp, đến thăm rồi đón “cháu đích tôn” về. Họ hàng của cha kéo đến nhà “giảng dạy” cho mẹ con nàng hiểu đạo làm người, câu chốt cuối cùng vẫn là: “Một đám vịt trời cuối cùng cũng bay đi hết. Giờ có thằng cu mẹ con chúng mày phải mừng mới đúng…”
Ba chị em cô quả không thể so sánh với một thằng cu? Ôi chao, sự đời, sự ích kỷ, sự ấu trĩ trong tư tưởng nó làm cho lương tâm của con người thỏa thích vui cười, sung sướng trên nỗi đau của người khác…
Hằng ngày, mẹ cô chăm con riêng của chồng như chăm chút cho những đứa cháu ngoại của mình, thế mà cha và người đàn bà kia vẫn có lúc hậm hực, quát tháo bà như ô sin. Chị em cô nhất quyết đòi mẹ ly dị cha nhưng bà không đồng ý, cứ sau vài tháng con cái đón bà lên chơi bà lại khăn gói trở về căn nhà chan chứa đau thương.
Cô không chịu nổi cách đối xử của cha và tình nhân với mẹ. Cô không hiểu nổi vì tình yêu, vì cao thượng hay vì trả thù cho cha day dứt lương tâm mà mẹ cô nhẫn nhịn, nhún nhường đến đáng thương như thế? Sao mẹ có thể gạt bỏ tổn thương, gạt bỏ lòng tự trọng bị người ta dày xéo để trao yêu thương cho “kẻ thù”?
Thương mẹ, khuyên mẹ ly hôn với cha không thành công, cô bất lực to tiếng với mẹ. Mẹ cô khóc. Nước mắt của bà chỉ làm cho nỗi đau, nỗi hận của cô thêm sâu. Mẹ thều thào nói: “Cuộc đời mẹ đi qua khổ đau quá nhiều, nhìn thấy ba con gái của mẹ hạnh phúc là niềm vui lớn nhất của mẹ rồi. Mẹ xin con, cho mẹ được sống theo ý nghĩ của mình. Mẹ có bỏ cha con vẫn không thể giải thoát hết đau đớn trong lòng, không thể vá lại trái tim bị rách đã bị tổn thương làm khô héo sự sống. Các con hãy chấp nhận đứa bé”…
Chuông điện thoại của cô reo. Là số lạ. Cô chần chừ vài giây rồi nhấc máy. Đầu dây bên kia, một giọng nói chậm rãi, quen quen: “Cô ấy bị ung thư giai đoạn cuối con ạ….”. Trong lòng cô hả hê, đau buồn lẫn lộn….