Bãi biển Hòn Tranh, một điểm đến không thể thiếu khi tới Phú Quý.
Là huyện đảo của tình Bình Thuận, nằm trong hệ thống đảo phía Nam Trung Bộ, đảo Phú Quý cách TP Phan Thiết 56 hải lý về phía Đông với diện tích khoảng 17,82km2. Năm 2020, Phú Quý được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh.
Cột cờ Phú Quý là một trong bảy cột cờ thuộc dự án Xây dựng cột cờ chủ quyền Tổ quốc tại các đảo tiền tiêu trải dọc đất nước. Sáu đảo còn lại của dự án gồm đảo Trần (Quảng Ninh), Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Hòn La (Quảng Bình), Cù Lao Xanh (Nhơn Châu, Bình Định), Côn Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thổ Chu (Kiên Giang). Cột cờ được khởi công xây dựng vào ngày 17-6-2015 trên diện tích khoảng 200 m2 tại mỏm Đông đồi Chuối, nhìn xuống bãi biển Gành Hang. Đây cũng là nơi lý tưởng để ngắm bình minh trên đảo.
Bình minh nhìn từ đồi Chuối.
Bình minh ở bến cảng.
Tương truyền rằng hình dáng hòn đảo như một con cá thu, nên người ta gọi đây là Cù Lao Thu. Tên chính thức của hòn đảo này thời Pháp thuộc là là Poulo-Cécir-de-Mer (Cù lao của biển), cùng với Poulo - Cecir-de-Terre (Cù lao của đất) để chỉ Cù Lao Câu (đảo Hòn Câu, Bình Thuận).
Cái tên Phú Quý xuất hiện từ thời vua Thiệu Trị, khi đổi tên quần đảo này thành tổng Phú Quý, thuộc huyện Tuy Phong, phủ Ninh Thuận, tỉnh Bình Thuận.
Hồ bơi vô cực tự nhiên giữa biển hiếm có.
Trước kia để ra đảo, người dân phải đi tàu mất sáu tiếng. Nhưng kể từ khi Bình Thuận triển khai tàu cao tốc có giường nằm, thời gian rút ngắn lại chỉ còn 2,5 tiếng, khiến hòn đảo vốn vắng vẻ được biết tới nhiều hơn, đặc biệt là các bạn trẻ ưa khám phá, nhất là vào mỗi dịp cuối tuần.
Nước trong lòng hồ không quá sâu, khá an toàn để bơi lội.
Du lịch Phú Quý mới phát triển chưa lâu, đa phần điểm đến còn hoang sơ, giữ nguyên vẻ đẹp tự nhiên vốn có. Trên đảo cũng chỉ có bốn khách sạn tầm trung, còn lại là hệ thống homestay, nhà nghỉ nhỏ. Nhiều dịch vụ còn hạn chế nhưng lại là điểm hấp dẫn với những ai yêu thích trải nghiệm du lịch xanh, về với tự nhiên.
Lạch nước ở Gành Hang, cũng là điểm bơi lội của nhiều bạn trẻ. Đây cũng là đường đi xuống hồ bơi vô cực.
Thời điểm tháng 3, tháng 4 biển êm ả, thời tiết rất thuận lợi để khám phá Cù Lao Thu và “sắm” cho mình những bộ ảnh “sống ảo” để đời.
Mốc tọa độ ở phía Mộ Thầy, phía tây đảo
Đường ra mốc tọa độ được gọi là sống lưng rồng vì hình dáng đặc biệt
Một lô cốt còn sót lại trên đảo, vô tình trở thành điểm tham quan lạ mắt.
Khu vực này cũng là điểm "check-in" hấp dẫn với nhiều du khách.
Núi Cao Cát, đỉnh núi cao nhất phía Tây Phú Quý. Gió bào mòn qua vách đá khiến những tảng đá ở đây có nhiều hình dáng đa dạng, cho bạn những góc chụp hình độc đáo.
Phú Quý cũng là một ngư trường lớn với nhiều hải sản phong phú như nhum, cua huỳnh đế, tôm hùm, các loại ốc biển...
Du khách có thể tắm biển, lặn ngắm san hô trong làn nước biển trong vắt.
Hoàng hôn trên cảng biển Phú Quý