Không chỉ khách mời tham gia tọa đàm gồm đạo diễn Luk Vân, diễn viên Quang Tuấn, diễn viên – người mẫu Phan Ngân, diễn viên Liên Bỉnh Phát,.. mà cả khán giả đều thừa nhận dịch Covid-19 đã thay đổi thói quen xem phim của khán giả.
Không riêng Việt Nam, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong năm qua – một năm dịch bệnh tác động mạnh đến thị trường giải trí, xu hướng xem phim trên OTT (Over The Top - các nền tảng giải trí trực tuyến) tăng mạnh. Sự tăng trưởng này đặc biệt ấn tượng trong 2 năm trở lại, khi dịch bệnh xuất hiện và có những ảnh hưởng lớn đến đời sống.
Diễn viên Quang Tuấn tiết lộ trong thời gian cao điểm dịch tại TPHCM, khi không được đi đóng phim, diễn kịch tại sân khấu, anh buộc thay đổi một số thói quen. Ngoài phụ vợ chăm con, làm bánh, đọc sách, anh tìm đến các nền tảng xem phim trực tuyến để giải trí, khoả lấp nỗi nhớ phim trường.
"Bây giờ thuận lợi hơn ngày xưa rất nhiều, khán giả có thể xem phim trên các nền tảng, ứng dụng như Netflix. Vợ và tôi hay xem phim ở ứng dụng này. Ngày trước, các nền tảng có một hạn chế là ít phim nhập về. Sau này, lượng phim nhập về nhiều, chất lượng càng ngày càng cải thiện", diễn viên Quang Tuấn chia sẻ.
Diễn viên Phan Ngân cho biết cô là tín đồ của phim rạp. Nhưng khi rạp phim đóng cửa vì ảnh hưởng của dịch bệnh, cô buộc phải tìm đến những nền tảng phát phim trực tuyến. "Tôi là tín đồ đi coi phim rạp, khi không biết làm gì, tôi sẽ đi xem phim.
Có lúc, tôi xem 2 – 3 phim một lượt. Nhưng thời điểm ở nhà, xem phim trên các app, tôi thấy có nhiều điểm thuận tiện như khi đang xem phim kinh dị cảm thấy quá sợ hãi, tôi có thể dễ dàng đổi sang phim hài – lãng mạn – tình cảm...
Ngoài ra, tôi có thể tìm xem những bộ phim kinh điển với chất lượng tốt, hay xem lại phim mình từng đóng bất kể khi nào và bao nhiêu lần cũng được. Đó là điểm cực kỳ thú vị", diễn viên Phan Ngân tiết lộ.
Theo chia sẻ của các nhà sản xuất, khán giả hiện nay đang dần quen với việc chi một số tiền nhất định để được tiếp cận với nhiều bộ phim chất lượng. Hiện nay, rạp phim cũng dần mở cửa toàn bộ nhưng tâm lý khán giả vẫn ngại đến rạp.
Đó là lý do, hệ thống rạp phim khẳng định: "dù mở cửa hoàn toàn thì phải mất cả năm nữa, hệ thống rạp phim mới có thể thoát lỗ". Không chỉ vậy, theo ghi nhận của nhiều nhà sản xuất, khán giả cũng khắt khe hơn với các lựa chọn phim để thưởng thức, yêu cầu chất lượng cũng cao hơn. Các nhà làm phim từ đó cũng chú trọng chất lượng khi sản xuất.
Đạo diễn Luk Vân khẳng định: "Những bạn trẻ sau này sớm tiếp cận với công nghệ, thế giới quan được mở rộng nên khi làm phim điện ảnh, truyền hình hay series – người làm phim cũng phải chú trọng nâng cao chất lượng hơn vì chỉ có chất lượng mới thuyết phục khán giả chọn xem phim của mình. Còn không, phim sẽ bị đào thải ngay. Phim hiện nay không chỉ cần nội dung hay, quay đẹp mà diễn viên, bối cảnh cũng phải đẹp thì khán giả mới chọn xem. Từ yêu cầu này, thị trường xuất hiện những cuộc cạnh tranh lành mạnh bởi ai làm hay hơn, khán giả sẽ chọn xem".
Diễn viên Liên Bỉnh Phát và đạo diễn Luk Vân cho rằng trải nghiệm xem phim tại rạp vẫn là trải nghiệm thú vị, khó có thể thay thế vì chúng cộng hưởng nhiều yếu tố bên cạnh chất lượng phim. Tuy nhiên, trên các nền tảng OTT, chất lượng phim đã được nâng cấp và sự đầu tư này tạo ra những "cú nổ lớn".
Thời gian qua, khi Squid Game (tựa Việt: Trò chơi con mực) – series do Netflix kết hợp các nhà làm phim cùng Hàn Quốc thực hiện, tạo nên hiện tượng trên toàn cầu thu về nguồn lợi khủng, các nhà làm phim, các nền tảng OTT khác có thêm niềm tin rằng chỉ cần được đầu tư xứng đáng, kết quả thu về sẽ bất ngờ.
"Càng ngày, người xem càng có thể tiếp cận được với những sản phẩm phim ảnh chất lượng, mà không nhất thiết phải ra rạp nhờ vào sự phát triển của công nghệ, của các app chiếu phim. Chính nhu cầu cao của khán giả đối với phim ảnh cũng là động lực để cho những nhà làm phim hoàn thiện mình hơn để đáp ứng đúng nhu cầu như khán giả mong muốn", Liên Bỉnh Phát chia sẻ.
Nhìn vào cuộc đua của các OTT nội địa và quốc tế, về sự đầu tư cho nội dung và các ưu đãi đi kèm, khán giả dễ dàng hình dung bức tranh chung của thị trường phim ảnh trực tuyến. Bởi một khi nhu cầu của khán giả tăng, các đơn vị sở hữu nền tảng cũng sẽ tìm cách thích nghi, bắt kịp xu hướng khán giả.