Với sự phát triển kinh tế, văn hóa những năm gần đây, vai trò của người vợ, chồng trong một gia đình, đặc biệt là tại các nước châu Á, đang dần thay đổi rõ rệt so với quan niệm truyền thống.
Theo đó, phụ nữ cũng có thể kiếm tiền giỏi, giải quyết những việc lớn lao, ngược lại, đàn ông hoàn toàn có thể làm tốt việc hậu phương, lo việc nội trợ thay vợ.
Tuy nhiên, theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), không phải người đàn ông "xây tổ ấm" nào cũng có thể thoải mái công khai việc mình làm bởi những áp lực về hình tượng, vai trò của người đàn ông vốn đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người trong xã hội mà họ phải đối diện.
Định kiến
Trong quan niệm lâu đời của nhiều nước Á Đông, người đàn ông luôn gắn liền với hình ảnh mạnh mẽ, nam tính, là trụ cột tài chính trong gia đình. Ngược lại, người phụ nữ sẽ đảm nhận công việc bếp núc, chăm lo cho con cái, cha mẹ già.
Bởi vậy, trong nhiều năm, trong khi phụ nữ bị trói buộc với công, dung, ngôn, hạnh, nam giới cũng được kỳ vọng phải làm được những thứ "đao to búa lớn", mạnh mẽ, đáng tin cậy.
Theo một nghiên cứu của ISDS, tài chính và sự nghiệp là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới Việt Nam ở cả nông thôn và thành thị. Gần 1/4 đối tượng tham gia khảo sát thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống. Trong đó, hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính, gần 70% gặp áp lực về sự nghiệp.
Những áp lực này có xu hướng giảm dần theo độ tuổi, song lại gia tăng theo trình độ học vấn và thời gian làm việc.
Trong quan niệm của nhiều người, việc nội trợ không dành cho nam giới. Ảnh: Getty.
Cũng theo nghiên cứu của ISDS, những tiêu chí được coi là phải có ở "đàn ông đích thực" trong lĩnh vực "bổn phận gia đình" cũng gồm 4 yếu tố chính: là trụ cột trong gia đình; lấy vợ, sinh con; kiếm đủ tiền nuôi được vợ con, thờ cúng tổ tiên.
Với những định kiến ấy, nếu một người đàn ông không ra ngoài kiếm tiền, ở nhà làm nội trợ để vợ lo tài chính thì nhiều khả năng sẽ phải đối mặt không ít áp lực, đặc biệt là sự đánh giá từ người xung quanh.
"Có thể nhiều người sẽ cho rằng anh ấy kém cỏi, không bằng vợ. Theo tôi, mỗi người có khả năng của mình, nếu trong một cặp vợ chồng ai có thể kiếm tiền tốt hơn, người đó nên ra ngoài lo tài chính, người còn lại ở nhà phụ trách gia đình. Nhưng trong cách nghĩ phổ biến của nhiều người, đàn ông vẫn phải đi kiếm tiền, người nào làm ngược lại sẽ bị xung quanh bàn tán, nói này nói kia", TS Hồng nói với Zing.
Đàn ông Hàn Quốc ở nhà làm nội trợ từng bị coi là kẻ bỏ đi. Ảnh: Asia One.
Theo bà, đó cũng chính là cái khó của những người đàn ông muốn lui về lo việc bếp núc, con cái. Vì sợ bị đánh giá thấp, nhiều nam giới dù khả năng kiếm tiền ít hơn vợ nhưng cũng không dám ở nhà.
Tại Hàn Quốc, những người đàn ông nội trợ từng bị coi là "kẻ bỏ đi", thiếu bản lĩnh và "núp bóng" vợ. Trong khảo sát "Liệu một người đàn ông ở nhà toàn thời gian để chăm sóc con cái có bị coi là thất bại?" của công ty nghiên cứu thị trường quốc tế Ipos, Hàn Quốc đứng đầu danh sách đồng tình với tỷ lệ 76%, theo VICE.
Thay đổi
Tại nhiều nước phương Tây như Anh, Mỹ, việc đàn ông làm việc nhà, chăm con, vợ đi làm kiếm tiền trở thành điều bình thường trong những năm qua. Theo South China Morning Post, xu hướng này cũng ngày càng lan rộng đến các nước châu Á.
Zhang Baoyi, giáo sư xã hội học tại Viện Khoa học Xã hội Thiên Tân (Trung Quốc), cho rằng khuôn mẫu xã hội cũ sẽ thay đổi khi xã hội phát triển.
"Sự đóng góp và giá trị của công việc nội trợ cần được ghi nhận. Với những ông bố sẵn sàng dành cả ngày để chăm con, họ cho thấy thái độ coi trọng việc giáo dục thế hệ tương lai và các quan điểm truyền thống như ‘chồng kiếm tiền, vợ nội trợ’ đang dần mất đi", ông Zhang nói.
Ngày càng nhiều nam giới châu Á chọn ở nhà lo việc bếp núc. Ảnh: Istock.
Theo Bộ Lao động Hàn Quốc, vào năm 2019, cứ 10 người làm nội trợ thì có 1 người là đàn ông. Số nam giới xin nghỉ việc để ở nhà chăm sóc con cái cũng tăng 21%.
Tháng 8/2019, nghiên cứu tổng hợp bởi China Youth Daily và website câu hỏi Wenjuan cũng cho thấy 52,4% nam giới Trung Quốc ủng hộ việc đàn ông trở thành người nội trợ toàn thời gian. Trong khi đó, chỉ 45,8% nữ giới ủng hộ ý kiến này.
Theo TS Hồng, số nam giới quyết định ở nhà làm nội trợ ở Việt Nam chưa quá nhiều song cũng đang có nhiều tín hiệu tích cực.
"Theo tôi, nếu một người đàn ông lựa chọn dành nhiều thời gian cho gia đình hơn cũng chẳng có gì phải xấu hổ, vì những công việc gia đình cũng rất quan trọng, chẳng kém việc kiếm tiền. Thậm chí, tiền bạc đôi lúc cũng không so được những giá trị công việc nội trợ đem lại.
Với những người đàn ông đang có ý định dành nhiều thời gian cho việc nhà hơn sau khi thỏa thuận, bàn bạc với vợ, tôi cho đó là lựa chọn đúng đắn, tuyệt vời", bà nhận định.