- Em ở nhà làm gà. Anh đi hái bông bần nhé!
Một lát sau, cả hai vợ chồng anh bạn tôi đều rộn ràng, tất bật, người luộc gà, người tách nhụy bông bần chuẩn bị cho buổi tiệc "ngàn năm một thuở". Thấy mọi người lăng xăng, tôi cũng nhảy vào bếp phụ chị ấy xé gà, làm nước chấm và dọn đũa chén.
Con gà trống gần 2 ký được xé ra cho vào chiếc đĩa lớn còn nóng hổi. Phần đầu, cổ, cánh, đùi gà để riêng. Còn lại chị trộn đều với nước mắm, ớt, thêm chút đường, chanh. Sau đó chị rải đều nhụy bông bần lên đĩa thịt trông thật bắt mắt. Chỉ nhìn thôi cũng đã phát thèm.
Vừa trang trí đĩa gỏi, chị ấy vừa chia sẻ một cách thân tình: "Muốn làm món này trước hết mình phải chọn cho được con gà trống tơ, gà mái cũng được, nhưng tốt nhất là gà vườn mới đúng điệu. Đặc biệt là phải có bông bần. Bông bần thường nở rộ từ tháng 6 đến tháng 9 âm lịch. Khi hái xong chỉ chọn phần nhụy màu trắng - đỏ tươi bên trong rồi trộn chung với thịt. Thường người ta làm gỏi gà với bắp chuối, chuối cây, bắp cải, rau răm... Ở Trà Vinh thì trộn với bông bần. Hôm nay các anh ăn thử xem sao?".
Ngồi vào bàn ăn, anh bạn tôi cao hứng cất giọng: "Bần ơi, ơi hỡi cây bần. Lá xanh bông trắng lại gần không thơm". Bông bần có hình búp tròn, nhụy có màu trắng - tím rất đẹp nhưng không thơm. Chính vì vậy dân gian mới chê nhưng thực ra nó rất hữu ích. Ở Trà Vinh hay Sóc Trăng, nhiều bà nội trợ thường bẻ bông bần về làm gỏi với thịt heo, thịt bò hoặc tôm, tép, món nào cũng ngon.
Bông bần tuy là món ăn kèm nhưng cũng đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa ẩm thực miền Tây. Có thể nói bông bần là cái hồn của món gỏi gà này. Thiếu nó coi như thiếu hương vị đặc trưng của miền Tây sông nước. Nó có vị chua chua, chan chát, ăn rồi rất dễ ghiền. Khi hòa quyện cùng thịt gà dai dai và các vị chua, cay, mặn, ngọt của các nguyên liệu sẽ giúp món ăn tăng thêm phần lạ miệng và hấp dẫn.