1. Nhiều năm nay, trong các kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng, cử tri luôn chú ý theo dõi chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Anh Đào, đại diện cử tri quận Hải Châu. Giống như cái tên mà cha mẹ đã đặt cho, nữ đại biểu HĐND TP và là Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Đông Á này luôn tươi tắn tựa một đóa anh đào. Dáng vẻ dịu dàng, giọng nói thuyết phục, ở chị toát lên phong thái lịch lãm, am hiểu của một nữ trí thức hiện đại.
Từ những năm 1990, người phụ nữ xinh đẹp, giàu khát vọng ấy đã tạo nên thương hiệu bia Khuê Trung quen thuộc với người dân miền Trung. Thành công với thương hiệu này đã tạo dựng nên tên tuổi nữ doanh nhân thành đạt Nguyễn Thị Anh Đào ở TP Đà Nẵng. Chị tiếp tục đầu tư và tham gia ngành giáo dục.
Chị Đào cho biết điều thôi thúc chị chuyển hướng sang giáo dục bắt đầu từ những mâu thuẫn giữa đào tạo nhân lực và nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Theo chị, cần có một trường nghề đào tạo ra người thợ có thể đáp ứng ngay nhu cầu công việc của các doanh nghiệp. Nghĩ là làm, chị bắt tay nghiên cứu về quy trình giáo dục - đào tạo và xây dựng lộ trình đào tạo nghề.
Năm 2002, chị Đào xin giấy phép thành lập Trường Trung cấp Công kỹ nghệ Đông Á, đồng thời xây dựng lộ trình phát triển lên trường ĐH, mở ra nhiều khoa ngành đáp ứng nhu cầu thực tế. Chị đã kết hợp giữa vai trò một nhà quản lý giáo dục với một doanh nhân khi xây dựng mô hình “Nhà trường - sinh viên - công ty” và thành lập Công ty Unico, Unifa làm “giảng đường thực tế” cho giáo viên lẫn sinh viên. Sinh viên đi học có lương, khi ra trường thì tiêu chí đầu tiên là tìm được việc làm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Cũng thời gian này, chị Đào tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản trị giáo dục, được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Năm 2013, chị hoàn thành luận án tiến sĩ giáo dục. Lúc này, Đông Á đã trở thành một trong những trường ĐH tư thục có tiếng tại miền Trung, mở phân hiệu ở một số địa phương và thu hút hàng ngàn sinh viên theo học hằng năm.
“Mong ước của tôi là có một trường ĐH chất lượng quốc tế nhưng học phí quốc gia, đáp ứng nhu cầu ở khu vực miền Trung” - chị Đào bày tỏ. Ngoài ra, mong ước tạo ra một hệ thống giáo giục đồng bộ từ cấp cơ sở đến ĐH chuyên ngành đã được chị thể hiện tại Trường ĐH Đông Á. Với hệ thống giáo dục bắt đầu từ mầm non đến ĐH chuyên ngành, chị kỳ vọng đào tạo những người có kỹ năng thực hành tốt nhất và nhân văn, những công dân toàn cầu.
Từ năm 2004 đến nay, chị Đào lại được biết đến nhiều hơn với vai trò đại biểu HĐND TP Đà nẵng. Tại các cuộc họp HĐND TP, những vấn đề mà chị nêu ra luôn là những chuyện bức xúc mà cử tri quan tâm. Không chỉ chất vấn, chị còn gợi ý giải pháp, yêu cầu cụ thể với chính quyền và các cơ quan chức năng.
Nhỏ nhẹ nhưng quyết đoán và quyết liệt; thông minh, linh hoạt, nhạy bén và nắm bắt cơ hội rất nhanh, người phụ nữ xinh đẹp, khiêm nhường đó đã lặng lẽ đến với những thành công trong cuộc đời mình.
2. Có dịp lên Bà Nà mới đây, tôi đã gặp chị Đỗ Thị Tuyết Hạnh - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sun Group, Giám đốc Công ty BaNa Hills - người được các nhân viên gọi là “nữ chúa thượng ngàn”. Mới ngoài 40 tuổi nhưng nữ giám đốc này quản lý tới 1.000 nhân sự ở một khu du lịch đẳng cấp quốc tế.
Bốn năm chị Hạnh gắn bó với Bà Nà là khoảng thời gian khu du lịch này chuyển mình mạnh mẽ nhất. Phải đối mặt và xử lý nhiều công việc ít liên quan đến ngành tài chính ngân hàng từng học nhưng chị đều vượt qua. Nhắc đến Bà Nà hôm nay là người ta nhớ đến chị, một phụ nữ của sự thành công và gắn kết. Nhắc đến “nữ chúa thượng ngàn” là người ta nhớ đến sự cứng cỏi, bình tĩnh, quyết đoán khi xử lý thông tin vụ dọa đánh bom của kẻ tống tiền để bảo vệ sự bình yên cho du khách và khu du lịch Bà Nà...
Tôi cố hình dung những ngày đầu đến với Bà Nà, một cô gái học về tài chính ngân hàng nhưng lại làm quản lý du lịch trên một ngọn núi cách xa thành phố, giao thông đi lại còn khó khăn, thời tiết bất thường, giữa những cơn mưa rừng xối xả mờ mịt, những trận gió lốc kinh hoàng... thì làm sao để thích ứng. “Khi đã sống với Bà Nà, hiểu Bà Nà, tôi càng mê nơi này lắm” - chị Hạnh lý giải.
Hạnh cho biết khi ấy, có nhiều thứ chị phải làm đi, làm lại từng ngày. Những ý tưởng, những công việc triển khai liên tục, rồi áp lực và những con người mới mẻ... Thế mà chị cũng như nhiều người khác đã trụ lại và làm được những điều thật khó tin với hàng loạt kỷ lục quốc tế về cáp treo, nhà hàng, dịch vụ. Chỉ có thể nói đó là nhờ tình yêu, nhờ sự đam mê mãnh liệt.
Đỗ Thị Tuyết Hạnh rất tự hào về tập thể thân yêu của mình. Giữa chị, một lãnh đạo công ty, với nhân viên các bộ phận dường như không có khoảng cách mà là một khối thống nhất, đặt mục tiêu phục vụ du khách là chất kết dính chặt chẽ.
“Hầu hết cán bộ, nhân viên công ty đều rất trẻ trung, nhiệt huyết, ham học hỏi, chịu đựng được áp lực công việc. Điều quan trọng là tất cả đều có ý thức về việc mình làm. Có lần trong đêm, gió chướng hất tung mọi thứ trong vườn hoa trên đỉnh núi thành một mớ hỗn độn. Sáng sớm hôm sau, không ai bảo ai, tất cả đều có mặt xử lý một khối lượng lớn công việc để nhanh chóng đón khách... Hoa đào chuông trên đỉnh Bà Nà rất đẹp nhưng không hoa nào nở một mình mà luôn khoe sắc từng chùm” - chị ví von.
Năm nay, lượng du khách đến Bà Nà còn đông hơn năm ngoái nhưng cung cách phục vụ ở đây khiến nhiều người cảm thấy ấn tượng và hài lòng. Nhân viên niềm nở và nhã nhặn, các dịch vụ hợp lý, chú ý đến nhu cầu của du khách. Việc khách hàng tặng quà cho nhân viên khu du lịch, cảm ơn vì sự tận tình, chu đáo không còn là chuyện hiếm. Việc trả lại du khách tài sản thất lạc, bỏ quên cũng là chuyện thường ngày ở khu du lịch này. Vừa rồi, một du khách ở TP HCM đã được trả lại tận tay 5.200 USD, gần 20 triệu đồng... Nhận lại tài sản bỏ quên ở Bà Nà, vị khách này tỏ ra vô cùng xúc động.
Bốn năm qua, chị Hạnh cứ sáng sớm lên Bà Nà và chiều tối trở về Đà Nẵng trong chuyến cáp treo sớm nhất và muộn nhất. Có những đợt cao điểm, chị ở lại Bà Nà luôn, không về. Mọi ngóc ngách Bà Nà chị đều am hiểu. Chị yêu Bà Nà bằng tình yêu giản dị nhưng sâu sắc, đồng cảm và gắn bó. “Hạnh phúc của tôi giản dị lắm, chỉ cần hằng ngày được chứng kiến sự thay đổi của Bà Nà, được nhìn thấy sự hài lòng của du khách cũng như niềm vui, sự hào hứng trong công việc của cộng sự...” - chị Hạnh thổ lộ.
Tối đó, chúng tôi ngồi với nhau bên lửa trại. Đêm khuya, một đám sương mù tràn qua, ánh lửa trở thành một đốm sáng. Sương dường như không lạnh mà ấm áp, tựa vòng tay ôm của người bạn thân quen. Những tưởng các công trình xây dựng trên núi sẽ làm tan loãng sương Bà Nà nhưng dường như những làn sương ấy vẫn còn đó, long lanh hơn trên đỉnh núi cao này...