Trước đây, tôi luôn nghĩ “Của chồng công vợ”, vợ chồng có chuyện gì cũng kể cho nhau nghe, công khai mọi thứ kể cả tiền bạc, tài sản. Nhưng trước thái độ thủ riêng của nhiều chị em làm tôi cũng lăn tăn, suy nghĩ về vấn đề này.
Trong một bữa ăn trưa tại cơ quan mới đây, một cô bạn đồng nghiệp của tôi, hỏi: “Chị nói thật cho em biết chị có bao nhiêu tài sản?”. Tôi thật thà: “Chị chỉ có căn nhà đang ở và vài chục triệu đồng gửi ngân hàng ngoài ra không có gì hết”. Cô bạn thảng thốt: “Em không nói tài sản chung của hai vợ chồng, em hỏi tài sản riêng của chị kìa?”. Tôi tròn mắt: “Ơ, chị làm gì có cái gì riêng tư. Tất cả đều là của chung của hai vợ chồng”. Cô bạn cười hì hì rồi phán: “Chị thiệt khờ, thời này không biết thủ riêng có mà chết”.
Trong khi tôi tròn mắt chữ O, mồm chữ A thì cô bạn tỉ tê kể. Trước khi lấy chồng cô cũng dành dụm hơn 100 triệu đồng. Khi về nhà chồng, chồng hỏi cô có được bao nhiêu để hùn với chồng mua mảnh đất chuẩn bị cho vợ chồng ra riêng sau này. Cô kể lể là mình làm mỗi tháng chỉ có vài triệu đồng chỉ đủ chi tiêu, phụ ba mẹ nuôi hai đứa em kế ăn học nên chỉ dành dụm được hơn 50 triệu đồng. Tất nhiên chồng cô tin. Cô bỏ 50 triệu đồng hùn mua đất. “Phần còn lại em để riêng cho anh chị em trong cơ quan vay, tiền lãi em để dành cho ba mẹ em. Chị xem nếu em không có khoản riêng này thì tiền đâu mỗi tháng phụ ba mẹ em tiền ăn, tiền điện nước trong lúc 2 đứa em còn đi học. Nếu nói cho chồng biết hoàn cảnh gia đình mình thì bất tiện và quan trọng hơn phụ nữ phải có khoản tiền riêng, phòng thân khi bất trắc”- Cô bạn tâm sự. Tôi nghe cũng có lý nên chỉ biết im lặng và suy nghĩ về vấn đề này.
Vợ chồng cũng cần phải thủ riêng?
Không chỉ riêng Xuân, rất nhiều chị em xung quanh tôi cũng đang thủ riêng cho mình dù họ đang hạnh phúc bên chồng, con. Hằng, cô bạn thân thời đại học của tôi, đang định cư ở Singapore đã gửi tiền về cho anh trai mua một căn hộ tại TP HCM.
Trong một lần buồn phiền về chuyện tình cảm, Hằng sang Singapore du lịch và nhận thấy đây là miền đất hứa, cô ở lại đi học. Hằng khá năng động khi vừa học tài chính kế toán vừa học thêm một khóa về mua bán bất động sản. Có bằng, cô nhanh nhẹn nắm bắt thời cơ, có nhiều giao dịch mua bán và tiền hoa hồng cũng kha khá. Hằng lấy chồng, một công chức người Singapore. Chồng Hằng là một người đàn ông rộng rãi, yêu thương vợ con. Anh ta lo hết chi tiêu trong ngoài và chẳng bao giờ hỏi vợ có bao nhiêu tiền nên Hằng cất riêng tiền của mình để mang về Việt Nam cho anh trai mua nhà.
Chúng tôi thân thiết từ thời đi học và cho đến tận bây giờ nên chuyện gì Hằng cũng kể cho tôi nghe kể cả những chuyện riêng tư nhất. Có lần, qua điện thoại, tôi hỏi: “Mày không sợ chồng biết chuyện có căn nhà riêng ở Việt Nam ông ấy giận sao?”. “Làm sao mà biết được. Tiền cho thuê căn nhà đó người ta chuyển thẳng cho ba má tao. Tao đỡ phải cho tiền sinh hoạt ba má hằng tháng, cũng khỏi xin tiền chồng mà còn giúp ba má tao đỡ ngại. Tiện trăm bề!”- Hằng nói.
Trong lúc tôi còn đang suy nghĩ, Hằng nói thêm: “Tin chồng tin 7 phần thôi còn 3 phần chừa lại mà sống. Mày cũng nên học tao có tài sản riêng để có chuyện gì cũng còn đường lui. Mày thấy bài học của con Thúy, con Hoa lớp mình không? Ly hôn xong hai đứa chẳng có chút gì ngoài đứa con phải ôm về nhà sống nhờ vào cha mẹ. Đã không giúp được cha mẹ mà còn ăn bám thì chẳng ra làm sao”.
Hằng nói cũng có lý, nhìn hoàn cảnh của con Thúy, con Hoa hiện tại tôi không khỏi chột dạ, lo lắng. Lẽ nào tôi cũng phải thủ riêng?