Tết năm nay, tôi về nhà dì Sáu, bạn của mẹ ở Đồng Tháp chơi. Hai mươi chín Tết, dì Sáu đi chợ về, ngoài rau, thịt như thường lệ còn có bịch cá lòng tong tươi rói. Thấy tôi ngó nghiêng có vẻ khó hiểu, dì giải thích: “Năm nào dì cũng phải làm một nồi để sang mùng tụi nó đổi món chứ ăn thịt thà hoài ngán lắm”.
Mớ cá sau đó được dời ra sàn nước đánh vảy, cắt đầu, móc ruột từng con một. Sau đó, tất cả được chà với muối cho sạch nhớt để bớt tanh rồi rửa sạch nhiều lần.
Sau khi cá ráo nước được trút vào cái ơ đất, cho vào vài muỗng nước mắm ngon, chút nước màu dừa, muỗng muối nhỏ, đường, bột ngọt, tiêu, ớt. Tôi thắc mắc đã có nước mắm còn nêm muối làm chi, dì giải thích: “Muối làm cho con cá cứng lại, khi kho không bị nát”.
Nồi cá ướp sau đó được để sang một bên. Khi các món ăn cơ bản ngày Tết đã xong xuôi dì mới lôi ơ cá ra, đặt lên cái bếp lò còn đỏ rực than. “Kho cá lòng tong muốn ngon và không bị nát thì phải ướp cá càng lâu càng tốt, có thể để vào tủ lạnh qua đêm. Khi kho phải để lửa riu riu nhỏ để cá chín từ từ và tuyệt đối không được dùng đũa trộn” – dì Sáu giải thích khi thấy tôi có vẻ nôn nóng.
Nhìn ơ cá nằm trên bếp cũng đã vài phút mà không thấy động đậy gì tôi biết còn lâu mình mới được nếm thử nên đành bỏ cuộc lên nhà trên chơi bầu cua.
Giao thừa qua, mùng 1 Tết cũng qua, mải mê đi chùa, chúc Tết nhà hàng xóm tôi quên mất nồi cá kho của dì.
Khi bao tử đã bắt đầu biểu tình với dầu mỡ, cổ họng đã bắt đầu thấy ngang ngang thì chiều mùng 2 Tết, tôi mừng như bắt được vàng khi lên bữa là nồi cá kho vàng rộm, lấm tấm tiêu.
Chưa đến bữa nhưng bé Hai, con gái lớn của dì đã nhanh tay xới nồi cơm, bóc ra một dề cơm cháy vàng ươm. Xé cho tôi một miếng, nó liếng thoắng: “Làm liền đi chị, ăn vụng mới ngon”.
Tôi nhóm một con cá, cắn thử một miếng. Đầu tiên là mùi thơm của tiêu, ớt xộc vào mũi, theo sau là cái vị vị béo, mặn rất đậm đà của con lòng tong béo núc. Để trung hòa vị mặm, chỉ việc nhai kèm miếng cơm cháy. Ngon không thể tả!
Dù được kho từ đêm giao thừa nhưng sau mấy ngày thịt cá săn chắc nhưng không hề cứng. Dì Sáu giải thích cá lòng tong kho tiêu phải hâm tới hâm lui mới thấm. Lần đầu chỉ kho vừa chín tới để cá không bị ươn, sau đó ngày nào dì cũng lấy ra hâm sơ cho nóng. Lúc ăn thì hâm kỹ hơn, nêm thêm tiêu cho dậy mùi.
Sau nhiều ngày thịt mỡ ê hề, bữa cơm mùng chiều mùng 2 Tết ngoài nồi cá kho thần thánh còn có tô canh chua rau muống thanh đạm làm trôi tuột hết cảm giác ngán ứ ngay cổ mấy ngày qua.
Thấy tụi tôi ăn trong khí thế hừng hực như thể chết đói tự kiếp nào, dì Sáu mắng yêu: “Người ta cầu có thịt ăn không có, tụi bây bày đặt chê. Có cá lòng tong kho thôi mà làm gì mê dữ vậy!”.