Trong sự nghiệp làm báo và viết báo cho các chuyên trang lớn, tôi đã phỏng vấn người nổi tiếng làm trong nhiều lĩnh vực và ngành nghề nhưng lần đầu tiên tôi gặp một MC để phỏng vấn cô ấy không phải về công việc dẫn chương trình. Có lẽ nghe đến đây nhiều người bất ngờ.
Đúng vậy, không tò mò sao được khi người ngồi trước mặt tôi MC Thanh Mai – 1 gương mặt truyền hình quen thuộc với thâm niên 17 năm trong nghề dẫn chương trình của truyền hình Việt Nam. Hiện công việc chính của cô đang giảng dạy lĩnh vực Văn hóa tại trường Đại học Sư Phạm Nghệ thuật TW. Thanh Mai cũng là CEO sáng lập Trung tâm đào tạo kỹ năng mềm Vietskill. Chúng tôi nói với nhau về câu chuyện "chữa ngọng"!
- Phóng viên: Tôi rất bất ngờ với biệt tài chữa ngọng của Thanh Mai. Tại sao bạn làm được điều đó?
MC Thanh Mai: Cảm ơn anh! Nói là biệt tài thì hơi quá bởi tôi biết công việc này cũng có những người làm rất tốt. Còn về những MC dù là những thế hệ gạo cội hay là những gương mặt nổi tiếng tại Việt Nam sẽ không ai chọn công việc này đâu.
Tôi vẫn nói với mọi người lúc vui vẻ rằng: Chị đi dạy 1 buổi chữa ngọng bằng 3 buổi chị đi dẫn chương trình. Chứng kiến 1 buổi học chữa ngọng của tôi, mọi người sẽ thấy để dạy được 1 lớp chữa ngọng, hay dạy cho 1 cá nhân sẽ mất rất nhiều sức lực, sự công phu ra sao. Công việc này tốn quá nhiều thời gian và phải thật kiên trì, đến nay tôi chưa gặp MC nào trong giới làm công việc này như tôi cả. Nếu có tôi rất vui vì mình sẽ đồng hành học hỏi được từ họ.
- Ý tưởng nào khiến cho MC Thanh Mai quyết định mở thêm khóa học chữa ngọng tại Vietskill, nơi mà hầu hết mọi người đều quen thuộc với khóa MC, MC song ngữ, đào tạo doanh nghiệp hay đào tạo giáo viên? Bạn lấy kinh nghiệm và kiến thức từ đâu để mở khóa học này?
Cảm ơn anh! Đây cũng là câu trả lời mà tôi được hỏi nhiều nhất. Cho đến thời điểm này doanh nghiệp đào tạo Vietskill của tôi đã bước sang năm thứ 10. Trong suốt 10 năm làm nghề tôi đã gây dựng được nền tảng đào tạo khá vững chắc với hơn 20 ngàn học viên đã tốt nghiệp. Nhiều người trong số họ đã trở thành những MC nổi tiếng trên truyền hình, mc sự kiện hay những thầy giáo, cô giáo dạy kỹ năng sống giỏi tại các cơ sở.
Tôi không theo chuyên ngành ngôn ngữ học, tâm lí học hay liên quan đến vấn đề y khoa. Cũng xuất phát từ việc khi tôi dạy học viên MC, giao tiếp và thuyết trình, tôi thấy vấn đề nổi cộm lên trong giao tiếp của họ lại chính là vấn đề giọng nói phương ngữ (Ngôn ngữ địa phương) nơi họ sinh ra. Một phần khác trong số họ là những học viên (cả lớn và nhí) bị ngọng do nhiều lí do: bẩm sinh lưỡi ngắn, dài, môi hở hàm ếch, miệng méo.
Nguyên nhân nói ngọng do lứa tuổi nhỏ các con nói chưa sõi, nói điệu hoặc bị ảnh hưởng ngôn ngữ từ người lớn. Đặc biệt tôi còn tiếp xúc với các bạn nhỏ bị loạn ngôn ngữ, các bạn thiếu khả năng nhận biết được thế nào là nói đúng, nói sai. Tai nghe của các em hầu hết đều kém, 1 phần trong số đó là sai từ nhận biết chính tả.
Tôi đọc sách, tài liệu và phân tích chi tiết các biểu hiện của việc nói sai, nói ngọng. Tôi nhờ bạn bè dịch thuật cho những cuốn sách quý của phương tây về vấn đề ngôn ngữ giọng nói. Tôi cũng mượn và sưu tầm các cuốn sách ở Việt Nam về phương pháp giọng nói. Tôi học qua trải nghiệm mỗi ngày. Năm 2012, tôi mở trường mầm non.
Tại trường của tôi có riêng 1 nhóm lớp tôi nhận các cháu từ 8 tháng tuổi, tôi nghiên cứu việc phát triển âm thanh của các cháu, và giúp các bạn học sinh chậm nói từng ngày học phát âm. Ban đầu việc này thật sự khó, có lúc tôi cảm thấy bất lực. Có những học sinh của tôi trong suốt 3-6 tháng chỉ nói được duy nhất 1 từ. Nhưng tôi cảm thấy đó là tín hiệu mừng, điều đó có nghĩa các con không bị câm, không mất hoàn toàn hệ ngôn ngữ nói. Tôi tích lũy cho mình kiến thức dạy ngọng từ các ca ngọng từ khó đến dễ.
- Ban đầu chị tuyển sinh khóa học này có khó không? Họ có tin chị sẽ chữa khỏi?
Rất khó là đằng khác. Rất it người cho con đi học chữa ngọng, hầu hết các bố mẹ đều nghĩ con họ lớn lên sẽ tự khỏi. Còn người lớn thì vì ai cũng ngại nên càng né tránh. Và tôi lựa chọn lấy công làm lãi, 1 học viên Trung tâm tôi cũng mở lớp. Khi đó dần dần phụ huynh đã tin tôi, tin trung tâm Vietskill của tôi mà lan rộng tới bạn bè của họ. Nhiều bạn bè tôi mở trường mầm non giáo dục đặc biệt cũng gửi cho tôi những trẻ chậm ngôn ngữ để tôi can thiệp và giúp đỡ các con chữa khỏi.
- Phản hồi của phụ huynh thế nào?
Họ cảm kích vô cùng bởi con họ như được sinh ra lần thứ 2 khi tìm thấy tiếng nói của mình. Nhiều phụ huynh bây giờ trở thành bạn thân của tôi. Chúng tôi cùng giúp những bạn nhỏ đó hòa nhập với những trường học bình thường, không phải trường cho trẻ tự kỉ hay trẻ chậm ngôn ngữ.
- Cho đến nay, Trung tâm đào tạo Vietskill của chị đã hệ thống được phương pháp giảng dạy một cách bài bản hay vẫn dạy bằng kinh nghiệm? có ai giúp chị giảng dạy bộ môn này không?
Có chứ, chúng tôi sau quá trình đúc kết đã cho ra những giáo án sửa cho từng lỗi ngọng, lỗi chậm ngôn ngữ. Hiện tôi đang ấp ủ để sớm hoàn thành cuốn sách về phương pháp chữa ngọng đầu tiên ở Việt Nam. Tôi nghĩ đây sẽ là 1 cuốn sách chất lượng và hữu cần có cho nhiều người. Bởi chính tôi nhiều lúc trước đây cũng từng ao ước có nó để chữa cho học viên của mình. Hiện tại tôi có 5 giáo viên cộng sự giảng dạy bộ môn này. Mỗi năm tôi chỉ đào tạo được 1 cô giáo cho môn này. Học nó không quá khó, nhưng các cô thường bỏ cuộc.
- Trong rất nhiều học viên đã dạy, chị ấn tượng với ai nhất?
Có thể nói là quá nhiều, tôi không thể kể hết. Tôi nhớ nhất là bạn H, bạn ấy là cô gái rất xinh và tôi vô cùng đắm đuối trước vẻ đẹp của bạn ấy. Khi đến bạn ấy nói với tôi em làm ở spa làm đẹp, nhưng em không nói được, người ta chỉ cho em làm công việc tay chân. Em mong chị dạy cho em (Bạn ấy nói vô cùng khó nghe, có lúc phải viết giấy tôi mới hiểu).
Tôi kiểm tra hóa ra bạn ấy bị ngắn lưỡi, 2 lần bạn đã phẫu thuật cắt thắng lưỡi, đè đá, mổ hở hàm ếch. Không nơi nào có người mách chữa bạn ấy chưa tới. Bạn ấy dù cố gắng thế nào cũng không thể tuân theo bất cứ một nguyên tắc có sẵn nào (Dây thắng lưỡi quá ngắn). Tôi rối trí ngày đầu tiên chữa được 1-2 từ. Và đến buổi học thứ 5, chúng tôi đã mỉm cười với nhau, bạn ấy đã nói được theo cách tôi "chế" ra. Tết năm đó, bạn ấy nhất định đến nhà tôi, ròn rén biếu tôi 1 con gà ăn Tết và nói "bố em ở quê gửi lên nhờ em biếu chị". (nếu em ấy đọc được bài báo này, tôi sẽ rất vui)!
- Chị có những dự định gì cho công việc giảng dạy chữa ngọng này?
Không còn là dự định nữa, từ năm 2020 tôi đã quyết định sẽ mở lớp đào tạo phương pháp chữa ngọng cho giáo viên theo lớp. Tôi không đào tạo cá nhân nữa, tôi muốn giúp nhiều cô giáo có thể làm được như tôi để nhân bản kỹ năng dạy chữa ngọng trong khi nhu cầu của người học quá lớn như hiện nay. Tôi vui khi họ chữa được ngọng cho người khác. Tôi không giấu bí quyết nào cho riêng mình cả.
- Lời khuyên của chị cho những người nói ngọng là gì?
Tôi muốn họ hãy có niềm tin, đối với người lớn hãy nghĩ tích cực lên, học để hoàn thiện những điều cần tốt đẹp lên trong con người họ. Đối với bố mẹ có con bị ngọng, hãy uốn nắn con từ nhỏ để con nói hay, rõ ràng. Nếu con bị ngọng hãy cho con đi chữa từ lúc con 4 tuổi, đừng để con vào lớp 1 hoặc lớn hơn mới đi chữa sẽ rất khó và tạo tâm lí tự tin của con với thầy cô, bạn bè.