Đà Lạt vào mùa Xuân cũng là vào mùa gió lạnh đông bắc, có lẽ chính xác là bắt đầu từ vào dịp Noel kéo dài cho đến tháng ba năm sau. Thú thật, ngày xưa tuổi hoa niên tôi chẳng có nhiều mùa xuân Đà Lạt để nhớ ngoài những mùa Xuân về ăn Tết với mẹ. Hầu như năm nào cũng vậy, tôi thu xếp việc học hành ở Sài Gòn về sớm hơn để phụ giúp mẹ cắt hoa mua từ các vườn để mẹ gánh ra chợ bán. Tôi đã không biết bao lần dầm dề những cơn gió rét lạnh trên con đường dốc quanh co quen thuộc này để đẩy bao chuyến xe chất đầy hoa tươi ra chợ Tết cho kịp trước khi trời hừng sáng. Thế nên, với tôi, cái thứ gió lạnh cứa vào da thịt ấy còn là gió nhớ, gió bạn đường, gió gieo vào ký ức vang hưởng những thanh âm mùa xuân ngọt ngào suốt con đường một thời niên thiếu đi qua.
Ảnh: PHÙNG ANH TUẤN
Căn nhà gỗ mẹ tôi nằm giữa lưng chừng đồi Cô Giang, xây hướng về phía bờ hồ Xuân Hương. Đà Lạt vào những năm sáu mươi của thế kỷ trước, cả vùng Cô Giang này còn là đồi hoang nối tiếp những đồi hoang. Từ sau trận đại hồng thủy kinh hoàng năm Giáp Thìn 1964 và tiếp theo khói lửa chiến tranh đến hồi khốc liệt, dân các tỉnh duyên hải miền Trung dần dần phiêu dạt lên thành phố cao nguyên này, từ đó ở Cô Giang mới lác đác mọc lên dăm ba mái nhà ở quanh dưới chân đồi.
Làm nghề buôn bán rau, hoa nên hằng ngày mẹ tôi phải lặn lội vào các vườn đồi để mua thu gom lại cho đủ từng chuyến hàng. Chắt chiu được ít tiền vốn mang theo từ quê Quảng Nam vào, mẹ thường phải chịu thương chịu khó, thức khuya dậy sớm vào tận những mảnh vườn thật xa để lấy chút công vận chuyển làm lời. Cho đến mùa hoa Tết, mẹ lại gần như phải thức trọn đêm này qua đêm khác...
Khi bạn nghe một câu thơ viết về Đà Lạt như thế này: “Nơi người cận kề người mây chen vào giữa” thì bạn có thể hiểu đấy là Đà Lạt của thời nào. Vâng, đấy là thời Đà Lạt mây khói và con người, rừng và phố ăn ở chung chạ với nhau, thiên nhiên thân thiện với con người tưởng như không nơi đâu, không thời nào đẹp hơn thế nữa. Trong những gánh hoa trĩu nặng của mẹ tôi gánh từ vườn ra phố, cả những chuyến xe chất đầy hoa tươi tôi phụ mẹ đẩy từ các làng ngoại ô: Cô Giang, Thái Phiên, Chi Lăng, Đa Thiện... về cho kịp mỗi phiên chợ sớm, dường như lúc nào cũng có phần mây bay gió thổi kia chia bớt nỗi nhọc nhằn. Đến nỗi giờ đây mây khói chất chứa bao giấc mơ lãng mạn ấy đã hóa thành những hồi quang huyền ảo, để mỗi khi qua lại quãng dốc vắng này, thứ ánh sáng mơ hồ biết soi đường dĩ vãng kia lại chiếu rọi hiện lên trong tôi nguyên vẹn từng gương mặt thân yêu từng bấy lâu đã bị thời gian tước đoạt.
Hamlet trong kịch của William Shakespeare có nói một câu thế này: “Mọi lối đi vô tận đều không có trong thực nghiệm”. Chẳng rõ nguyên bản đúng - sai thế nào nhưng quả là con đường quanh co dốc ngược, từ bờ hồ lên Sương Nguyệt Anh, đi qua một đoạn nhấp nhô Nguyễn Đình Chiểu là băng tới đỉnh đồi Cô Giang - chỉ ngần ấy thôi vậy mà lần này, lần khác, tôi đi hoài không hết ngày xưa.
Đứng trên đỉnh đồi Cô Giang bây giờ, nhìn chung quanh thấy gần như phố phường đan kín. Mà cũng chẳng riêng gì ngọn đồi này nữa, sự chen chúc phố xá đua nhau mọc lên từng ngày, bao cánh rừng thông đan xen hài hòa trong phố càng ngày càng thu hẹp lại, có nơi xóa sạch không còn một dấu vết nào. Con đường vòng quanh bờ hồ Xuân Hương từng là niềm kiêu hãnh của Đà Lạt, trái tim của Đà Lạt, thế nhưng giờ đây thưa thớt bóng cây xanh, khắp con đường vòng quanh hồ chằng chịt những miếng vá. Người ta thường đổ vấy cảnh biển dâu là do thiên nhiên luôn tiềm ẩn bao hiểm họa khôn lường gây ra nhưng có vẻ như sự biến đổi khí hậu ở Đà Lạt đang thì hiện tại nóng dần lên, phần can dự do con người góp phần làm nên xem ra cụ thể rõ ràng nhất.
Chừng như tôi đi quá xa trên những nẻo tìm về Đà Lạt của riêng mình nhưng biết làm sao hơn trên những lối xưa đã bao vật đổi sao dời. Hẳn người Đà Lạt xưa không mấy ai không thuộc cách ví von gọi Đà Lạt là “petit Paris” (tiểu Paris) - một cách so sánh khá lãng mạn với thủ đô ánh sáng của Pháp. Cho dù vậy, có thể xem đây là thước đo về cái đẹp và về văn hóa của Đà Lạt một thời nào đó chăng?
Tôi chầm chậm thả bước trên những lối nhớ lối quên vắng vẻ này, bỗng dưng phát hiện ra từng ngọn gió - bạn đường muôn thuở của tôi, vẫn tiếng cổ phong vô tận của ngàn thông, một thứ concerto của thiên nhiên vĩ đại! Từ những tiết tấu vi vút làm lay động sương mù trên đồi cao kia, tôi lại thấy bao hình bóng thân yêu mơ hồ thoáng hiện. Lắng nghe sông suối âm thanh siêu việt ấy, chợt liên tưởng đến câu chuyện của nhà văn Paustovsky, đoạn ông kể về người đầu bếp già mù lòa, trong cơn hấp hối nằm nghe tiếng nhạc của Mozart. Huyền nhiệm thay từ những thanh âm Mozart dồn dập đánh lên, ông thấy mùa Xuân tươi xanh hiện ra cùng hình bóng của những người thân yêu bên mình.
Nơi con dốc vắng trong cánh rừng thông này làm gì có tiếng nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart mà chỉ đầy ắp tiếng vi vu bất tận của thông ngàn. Một thứ tiết tấu kỳ vĩ của thiên nhiên mà tôi gọi tên là bản concerto vô tận của gió. Bởi cũng từ những thanh âm xao xuyến huyền diệu kia, tôi lại thấy ai như bóng dáng mẹ mình lom khom giữa sương mù gồng gánh hoa tươi lần dò từng bước mơ hồ trên con dốc vắng.
Đà Lạt, cuối năm 2015