Tokyo Toilet là dự án nâng cấp nhà vệ sinh công cộng ở Tokyo do Tổ chức phi lợn nhuận Nippon Foundation tài trợ. Một trong số các công trình thuộc dự án này là nhà vệ sinh công cộng ở Công viên Đông Ebisu do kiến trúc sư Fumihiko Maki chủ trì thiết kế.
Nhà vệ sinh gồm bốn khối nhà bao quanh một mảnh vườn nhỏ, bên trên phủ lớp mái mỏng, uốn cong màu trắng lấy cảm hứng từ con mực.
"Mái toilet đem tới cảm giác vui vẻ, tối ưu thông gió và lấy sáng tự nhiên. Nó tạo nên môi trường sáng sủa, sạch sẽ và diện mạo độc đáo", kiến trúc sư Tatsutomo Hasegawa thuộc nhóm thiết kế giải thích.
Không chỉ là nhà vệ sinh công cộng, công trình còn được dùng làm chỗ nghỉ ngơi cho khách ghé thăm công viên.
Toilet công cộng ở công viên Yoyogi Fukamachi và công viên Haru-no-Ogawa do kiến trúc sư Shigeru Ban thiết kế được tạo nên từ những tấm kính trong suốt có thể chuyển sang kính mờ nếu có người đi vào khóa cửa.
"Có hai điều chúng ta lo lắng khi dùng nhà vệ sinh công cộng, nhất là những nhà vệ sinh ở công viên. Thứ nhất là độ sạch sẽ, thứ hai là có người nào đang ở bên trong hay không", kiến trúc sư giải thích về ý tưởng.
Mỗi nhà vệ trong suốt gồm ba buồng: một dành cho nam, một dành cho nữ và một dành cho người khuyết tật.
Nhà vệ sinh ở công viên Haru-no-Ogawa và công viên Yoyogi Fukamachi có thiết kế giống nhau, chỉ khác về màu sắc. Tường kính của nhà vệ sinh ở công viên Haru-no-Ogawa mang tông màu xanh giống cây cối còn nhà vệ sinh ở Yoyogi Fukamachi lấy cảm hứng từ sân chơi gần đó nên mang màu cam, hồng, tím.
Buổi tối, các nhà vệ sinh này "tỏa sáng như đèn lồng".
Nhà vệ sinh công cộng do Nao Tamura thiết kế lấy cảm hứng từ Origata, nghệ thuật gói quà truyền thống của Nhật. Bên ngoài, công trình sử dụng các tấm thép màu đỏ để lôi kéo sự chú ý.
Toilet này gồm ba khu dành cho nam, nữ và người khuyết tật. Mỗi khu đều được trang bị buồng có khóa, bồn rửa và gương.
Thông qua công trình của mình, nhà thiết kế Tamura còn muốn đem tới sự an toàn và riêng tư cho những người thuộc thế giới thứ ba.
Mô phỏng kiến trúc Nhật Bản thời xưa, nhà vệ sinh công cộng do kiến trúc sư Masamichi Katayama thiết kế gồm 15 bức tường bê tông được sắp đặt ngẫu nhiên, tạo thành một mê cung.
Khoảng trống giữa những bức tường này dẫn đến ba khu vực khác nhau bao gồm một khu vệ sinh cho nữ, một khu vệ sinh cho nam và một khu vệ sinh không phân biệt giới tính, phù hợp cho cả trẻ nhỏ còn dùng tã và người khuyết tật.
"Thiết kế này mời gọi mọi người tương tác với nhà vệ sinh như thể họ đang chơi đùa với một thứ đồ chơi gây tò mò", Katayama nói.