Cứ đều đặn mười ngày đến nửa tháng, Ngân lại nhận được điện thoại từ dưới quê của người thân. Sau vài câu hỏi han xã giao, vấn đề chính bao giờ cũng xoay quanh chuyện mượn tiền.
Cuối tuần, em gái gọi điện than thở: "Chị có tiền gửi cho em mấy triệu, đợt này dịch giã không buôn bán gì được, cháu không có tiền đóng học thêm". Ngân ngán ngẩm nói: "Tháng trước chị mới gửi 5 triệu, giờ còn đâu nữa". Nghe thế, em gái cúp máy luôn.
Cách đây năm ngày, bố Ngân gọi điện hối thúc: "Gửi cho bố 20 triệu đồng, thằng Nguyên thua cá độ, người ta đến đòi nợ ầm ĩ đây này". Ngân bực bội gắt: "Bố đừng xin tiền hộ em nữa, con sẽ không giúp thêm một đồng nào nữa đâu".
Cuộc nói chuyện bị ngắt giữa chừng khi Ngân nghe tiếng em trai vọng vào: "Thấy chưa, gọi cái là có tiền liền, việc gì cứ xoắn cả lên". Ngân ngao ngán cúp máy, đã mười tháng nay, cô không về nhà.
Cứ đều đặn hàng tháng, Ngân nhận được điện thoại mượn tiền của người thân. Ảnh minh họa
Ngân từng kết hôn một lần và đổ vỡ nhanh chóng khi chưa kịp có con. Người ngoài xem đó là bi kịch cuộc đời còn Ngân thấy mình còn may mắn vì thoát khỏi người chồng vũ phu do mai mối mà cưới và không đứa trẻ nào phải chịu lỗi lầm của người lớn.
Từ đó, Ngân trở về với cuộc sống độc thân và không có ý định lập gia đình lần nữa. Bố Ngân sau khi đã ép con gái lấy chồng một lần, giờ cũng không muốn can thiệp.
Ngân không còn chịu cảnh bị giục cưới mỗi khi về nhà nhưng lại gánh một nỗi khổ khác, nặng nề không kém. Bố và hai đứa em xem Ngân như cái máy rút tiền, liên tục gọi điện xin. Trong suy nghĩ của mọi người, Ngân làm lương cao mà không phải lo toan nhiều, cất tiền để làm gì.
Lúc đầu, Ngân còn ngại, dù bản thân phải chắt bóp đủ thứ vì đang trả nợ tiền nhà nhưng gắng lo đủ cho bố và em. Nhưng sau dần, Ngân thấy mệt mỏi khi không nhận được sự cảm thông. Nếu có tiền gửi về thì mọi chuyện êm thấm, không có Ngân sẽ phải nghe những lời trách móc vô lý.
Bố Ngân nhiều lần yêu cầu cô giúp đỡ em trai với lý do sau này nương tựa vào nó. Ngân chẳng hiểu, bố có nhờ vả được gì nó không mà hy vọng em trai sẽ lo cho cô. Ngân từng nói với bố, cô chỉ có trách nhiệm lo cho bố còn các em tự lo cho cuộc đời mình.
Từ khi mẹ mất, Ngân gần như cáng đáng hết mọi việc trong nhà đến khi các em lớn. Giờ Ngân đã có tuổi, hạnh phúc dở dang, cô chỉ muốn tập trung làm việc, đầu tư tích cóp cho bản thân để đảm bảo tương lai nhưng không yên ổn.
Khi biết bố cũng tìm cách vòi tiền con gái để tiếp tay cho con trai ham chơi, Ngân đã cắt khoản tiền hỗ trợ hàng tháng. Mặc cho bố luôn miệng trách Ngân "máu lạnh", "bất hiếu", "chỉ biết có tiền", cô cũng chỉ chi trả các khoản đi lại khám chữa bệnh và mua thuốc bổ cho ông.
Còn với các em, Ngân nghĩ mình đã làm hết trách nhiệm, đã trưởng thành là phải tự lo cuộc sống của mình, anh em "kiến giả nhất phận" chỉ giúp đỡ nhau khi ốm đau hoặc thật sự cần thiết.
Nỗi khổ của người độc thân, người trong nhà không hiểu, người ngoài không hay, chỉ có bản thân họ mới thấm thía. Ảnh minh họa
Không chỉ khổ với gia đình, Ngân còn mệt mỏi với đồng nghiệp cùng cơ quan. Mọi người thấy Ngân có thâm niên công tác lại độc thân, chắc dư dả tiền nên ai sửa nhà, chữa bệnh, mua xe đều hỏi mượn tiền. Tuy ít người mượn nhưng nhiều lúc Ngân cũng thấy khó xử.
Điều khiến Ngân bực bội nhất khi nhiều đồng nghiệp liên tục nhờ làm giúp việc do họ nghỉ đột xuất với lý do đơn giản: con ốm, khám bệnh, đi đám cưới, ăn giỗ…Trong mắt nhiều người, Ngân không vướng bận chồng con, thời gian rảnh để làm gì. Ngân nhẫn nại, im lặng cho qua nhưng trong lòng rất ấm ức vì sự thiếu tế nhị và lịch sự của đồng nghiệp.
Càng lớn tuổi, Ngân hiểu được rằng, nếu bản thân không tự thương lấy mình thì chẳng ai thương mình cả. Dù sau này có con cái hay không thì Ngân cũng đã quyết không phụ thuộc vào ai khi về già mà sẽ chọn viện dưỡng lão. Người độc thân như Ngân càng phải có tiền vì một khi ốm đau thì mọi thứ đều phải nhờ dịch vụ hết. Nếu cứ mải miết lo cho người thân mà không tích lũy tài chính cho bản thân, khác gì Ngân đang đánh cược với tương lai của mình.